Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

9X thành công với ứng dụng gia sư công nghệ

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với ý tưởng kết nối trực tiếp gia sư và học viên thông qua một nền tảng công nghệ, Nguyễn Hà Minh Thông - CEO Công ty CP Social Revolution đã giải quyết những bất cập của thị trường gia sư truyền thống, đồng thời đem lại nhiều tiện ích cho người dùng.

Ứng dụng kết nối người dạy - người học
Chàng trai Nguyễn Hà Minh Thông cho biết, thông thường để tìm kiếm gia sư, các bậc phụ huynh thường tìm đến các trung tâm môi giới. Việc này mất thời gian, chi phí cao, trong khi lại không có được đánh giá chính xác về năng lực của gia sư mình sẽ chọn. Còn các bạn sinh viên lại khó khăn trong tìm kiếm việc làm đúng với sở trường, nơi ở, thời gian của mình.
Khắc phục những hạn chế này, tháng 5/2019, Thông cùng một cộng sự đã cho ra thị trường nền tảng ứng dụng Edubox với tính năng kết nối người dạy và người học, tương tự như mô hình hoạt động của Grab và Uber.
Theo đó, phụ huynh chỉ cần đăng ký trên App và điền yêu cầu về gia sư mà mình mong muốn, ngay lập tức hệ thống sẽ tự động lựa chọn gia sư phù hợp với tiêu chí mà phụ huynh đưa ra. Ngoài ra, ứng dụng còn có tính năng tìm kiếm các trung tâm học thêm ngay khu vực khách hàng đang sinh sống.
 Nguyễn Hà Minh Thông - CEO Công ty CP Social Revolution 
Thông qua ứng dụng, phụ huynh có nhiều cơ hội chọn lựa gia sư phù hợp và quan trọng hơn là có thể xem được đánh giá phản hồi của những học viên đã từng học trước đó. Đặc biệt, Edubox còn có tính năng để 2 bên tự thỏa thuận giá mà không phải qua trung gian, qua đó giúp các gia đình cân đối được các khoản tài chính.
Mặt khác, gia sư tham gia ứng dụng này không những không phải đóng tiền cọc như ở mô hình tìm gia sư truyền thống mà còn có cơ hội kết nối trực tiếp với hàng nghìn học viên. Họ cũng có thể dễ dàng lựa chọn những lớp học phù hợp với thời gian, địa điểm và chuyên môn một cách dễ dàng. “Gia sư khi đăng ký vào hệ thống cần cung cấp đủ các văn bằng, chứng chỉ và chỉ xét những người có kết quả tốt nghiệp loại khá trở lên. Trong tương lai nếu nhận được vốn đầu tư, tôi sẽ mở khóa đào tạo, sát hạch gia sư trước khi ứng tuyển” – chàng trai trẻ cho hay.
Hiện tại, ứng dụng Edubox thu 20% học phí tháng đầu tiên của gia sư, còn phía phụ huynh không mất chi phí. Nếu người dạy bị đánh giá không tốt thì sẽ hạ điểm tín nhiệm và phải trả mức phí cao hơn cho Edubox mỗi lần nhận lớp.
Bắt nhịp chính xác thị trường
Phân tích về tiềm năng của thị trường giáo dục Việt Nam, Thông cho rằng, đây thực sự là “mảnh đất” màu mỡ nếu các startup biết tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ, nắm bắt nhanh nhạy tâm lý khách hàng cũng như xu thế và thói quen tiêu dùng của họ. Khi kinh tế ngày càng đi lên, đời sống vật chất ngày càng được cải thiện thì thứ họ quan tâm và chú trọng hàng đầu là giáo dục và y tế.
Cùng với đó, đời sống càng hiện đại thì tư duy về giáo dục ngày càng tiến bộ, họ sẽ tìm đến các phương thức giáo dục phù hợp với công nghệ mới. “Sở dĩ các startup giáo dục thất bại trong thời đại 4.0 hiện nay là do phần lớn phụ huynh và giáo viên chưa theo kịp sự đổi mới của công nghệ khiến cho sự tiếp nhận khá khó khăn. Điểm mấu chốt thành công của Edubox là bắt nhịp chính xác cung – cầu từ thị trường” – Thông cho hay.
Tuy nhiên, đi liền với cơ hội luôn là thách thức. Việc nền tảng Edubox ra đời cũng sẽ là tiền đề để ra đời các nền tảng tương tự. Do đó, tính cạnh tranh trên thị trường ngày càng cao. “Tôi mong muốn phát triển Edubox thành một trang mạng giáo dục, nâng cao khả năng tự học của mỗi học sinh, phục vụ nhu cầu học tập trực tuyến” – Thông chia sẻ.
Để hướng tới mục tiêu này, mới đây Công ty của Thông đã nâng cấp ứng dụng lên một phiên bản mới, đó là tính năng tìm và tạo lớp học trực tuyến. Với tính năng này, học sinh ở các tỉnh, thành trên khắp cả nước đều có cơ hội được theo học những giáo viên, gia sư giỏi. Hiện Công ty cũng đang đưa trí tuệ nhân tạo vào ứng dụng của mình để trả lời tự động các câu hỏi về bài tập của học sinh.

Edubox hiện có khoảng 14.000 người dùng, trong đó có 10.000 gia sư, 4.000 phụ huynh. Trong hơn một năm từ khi ra mắt, ứng dụng đã kết nối thành công 700 – 800 lớp học. Ý tưởng này cũng lọt top 5 dự án khởi nghiệp sáng tạo được yêu thích nhất tại Whise 2019.