Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

9X và ứng dụng tìm phòng trọ online

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù có công việc tốt ở Mỹ nhưng Trần Phan Thanh Thảo đã quyết định về nước để khởi nghiệp.

Ý tưởng tìm phòng trọ trên ứng dụng của cô đã thu hút đông đảo người dùng nhờ khắc phục được những hạn chế của thị trường cho thuê phòng trọ ở Việt Nam. Dự án này đã được đầu tư 3,5 tỷ đồng trong chương trình Shark tank mùa 2.
Đồng cảm với nỗi khổ của “kẻ không nhà”
Ngay sau khi kết thúc việc du học tại Australia và Mỹ, với tấm bằng Cử nhân Văn học Anh tại trường Liberal Arts Agnes Scott (Mỹ), Trần Phan Thanh Thảo đầu quân cho Force Markting ở Mỹ, với mức lương 60.000 USD/năm.
Tuy nhiên, năm 2015 cô bất ngờ quyết định trở về Việt Nam lập nghiệp. Sau khi về nước, Thảo đã sáng lập ra chương trình “The I Read Project” – một dự án giáo dục mùa hè, thúc đẩy văn hóa đọc sách giữa các gia đình có trẻ em từ 6 - 12 tuổi và dạy tư duy phê bình tích cực.
Trần Phan Thanh Thảo - người sáng lập ứng dụng tìm nhà trọ online Ohana đang thuyết trình dự án.
Có kinh nghiệm ở lĩnh vực giáo dục và việc làm, Thảo tiếp tục trải nghiệm các sản phẩm công nghệ cao, Perspek, Juliene, Multitube, sau đó trở thành đồng sáng lập “KodeQ”– phần mềm chuyên cung cấp đào tạo nghề và nâng cấp kỹ năng cho các kỹ sư phần mềm trẻ người Việt Nam. Đến đầu năm 2018, cô quyết định khởi nghiệp với ứng dụng Ohana – tìm kiếm phòng trọ online.
Chia sẻ về ý tưởng phát triển ứng dụng tìm phòng trọ online Ohana Thảo bộc bạch: Từng trải qua 9 năm nơi xứ người vì thế thường xuyên phải tìm phòng trọ. Khi về Việt Nam do muốn sống tự do nên cô cũng chọn thuê nhà để ở. Chính vì thế cô thấu hiểu nỗi khổ của những “kẻ không nhà” khi đi tìm nhà trọ.
“Tôi đã trải qua cái cảm giác bơ vơ cần được chia sẻ mà không biết liên hệ với ai để nhận được giúp đỡ. Vậy là tôi tạo ra Ohana, mục đích chính là để ứng dụng này trở thành một người bạn đồng hành với cộng đồng người đi thuê trọ”- Thảo tâm sự.
Ohana là một ứng dụng tìm phòng trọ, chia sẻ phòng dành riêng cho sinh viên, giới trẻ và người đi làm, chạy trên nền tảng di động và web, kết nối những người đi thuê nhà và chủ nhà cho thuê. Đối tượng chính của ứng dụng này là khách thuê nhà với mức chi trả dao động 2,5 – 8 triệu đồng/tháng.
Với mục đích là tìm đặt phòng thuê, hoặc là tìm bạn ở ghép chung. Ứng dụng vừa mang đến lợi ích cho người đi thuê khi giảm thiểu việc trực tiếp đi tìm nhà trọ, cũng như an tâm khi đã được xác nhận sự uy tín của phòng thuê. Ngược lại, Ohana cũng thu về lợi nhuận rất ổn khi nhận về chiết khấu 30% tiền cọc tháng đầu tiên (khoảng 1 – 2 triệu đồng/phòng).
Tuy nhiên, với thói quen phân tích, đọc dữ liệu và luôn có dẫn chứng từ lúc đi làm công ở Mỹ, khi khởi nghiệp ở Việt Nam, Thảo đã phải đối mặt với tâm lý “bơ vơ” khi không tìm được cơ sở dữ liệu nào minh bạch, đầy đủ của thị trường phòng thuê nói riêng và bất động sản nói chung.
Một khó khăn nữa là việc tiếp cận với các chủ nhà, đa số là người lớn tuổi, nên không dễ dàng thực hiện các thao tác trên ứng dụng. Vì vậy, Ohana phải thay đổi chiến lược, tập trung vào những người quản lý, vận hành, người thân của chủ nhà có khả năng sử dụng công nghệ.
Trở thành siêu ứng dụng
Với mong muốn tạo thuận lợi tối đa cho người dùng, Ohana khắc phục khuyết điểm của những trang web khác. Cụ thể, người thuê nhà khi đăng tin phải thực hiện theo quy chuẩn của ứng dụng, ví dụ ảnh căn hộ cho thuê tối thiểu phải có 4 góc chụp khác nhau.
Ohana sẽ xác minh nguồn gốc trước khi cho đăng tin. Ngoài ra, khi người dùng đặt cọc qua Ohana sẽ không sợ mất tiền cọc. Nếu người dùng chuyển vào nhà đã thuê, sau đó có vấn đề nảy sinh có thể chuyển sang nhà khác cùng trong hệ thống trong App mà không cần đòi lại tiền cọc từ chủ nhà kia.
Còn đối với chủ nhà trọ, Ohana giúp các chủ nhà có nhiều phòng quản lý thu nhập, quản lý người đi thuê hiệu quả hơn. Song song đó, Ohana cũng cho ra đời nhiều loại tài khoản VIP cho người đi thuê (có tính phí) với các tính năng chuyên biệt như tính năng xem review đánh giá chủ nhà, tính năng Tìm gấp - Hỗ trợ gấp, tính năng Chat Group kết nối giữa các bạn đi thuê chung trong cùng một khu vực, tạo thành cộng đồng để mọi người trao đổi giúp đỡ lẫn nhau.
Hiện, Ohana đã có thêm hàng loạt các ngôn ngữ khác (Trung, Nhật, Hàn, Anh) để bắt đầu mở rộng ra thăm dò thị trường expats (người nước ngoài đang sinh sống ở Việt Nam). “Trái với hiểu biết của nhiều người, đa số expat Việt Nam cũng rất ưa chuộng hình thức phòng trọ, ngoài hình thức căn hộ dịch vụ ra. Sức chi trả có thể cao hơn người Việt (tầm 8– 12 triệu đồng/tháng/người)” – Thảo cho biết.
Chia sẻ về mục tiêu trong thời gian tới, Thảo cho biết, sẽ phát triển Ohana thành App siêu ứng dụng phục vụ tối đa cho mọi phân khúc, mọi nhu cầu liên quan đến thuê trọ, hướng đến nhiều đối tượng không chỉ sinh viên và chủ nhà truyền thống, mà còn là người đi làm, gia đình trẻ, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Sau hơn một năm đưa vào sử dụng, hiện nay Ohana đang có 350.000 người sử dụng. Lượt nhà đăng lên là 4.000 địa chỉ/tháng cho 3 TP Đà Nẵng, Hà Nội và TP Hồ Chi Minh. Với tính khả thi của dự án, Ohana đã gọi được số vốn đầu tư 3,5 tỷ đồng trong chương trình Shark Tank mùa 2.