Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,7% trong năm tới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) và Việt Nam 2016 vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố sáng nay (30/3), dự báo, năm 2016, nền kinh tế Việt Nam sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng 6,7%, sau đó giảm tốc nhẹ xuống còn 6,5% trong năm 2017.

Kinhtedothi - Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) và Việt Nam 2016 vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố sáng nay (30/3), dự báo, năm 2016, nền kinh tế Việt Nam sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng 6,7%, sau đó giảm tốc nhẹ xuống còn 6,5% trong năm 2017.
Triển vọng cầu trong nước và quốc tế

Theo các chuyên gia của ADB, cơ sở để Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng 6,7% trong năm 2016 đó là khu vực chế tác định hướng xuất khẩu hoạt động mạnh, dòng vốn FDI và cầu trong nước tốt. Con số FDI cam kết mới hầu như không thay đổi trong năm 2015 và đạt 22,8 tỷ USD, cho thấy rằng số FDI giải ngân trong năm nay sẽ không tăng, và thậm chí giảm đi trong năm 2017. Khoảng 60% số vốn FDI được cam kết trong các ngành chế tác định hướng xuất khẩu.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,7% trong năm tới - Ảnh 1

Ảnh minh họa.
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nói: “Trong giai đoạn này, tăng trưởng tiếp tục được dẫn dắt bởi đầu tư trực tiếp nước ngoài cao, tiêu dùng và cầu trong nước gia tăng, cùng với các chính sách hỗ trợ tăng trưởng. Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ việc gia nhập một loạt hiệp định thương mại tự do mới; khi đi vào thực hiện các hiệp định này sẽ tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh và thương mại mới cho Việt Nam”.

Triển vọng tăng trưởng đầu tư tư nhân được cải thiện nhờ tiến trình đàm phán và gia nhập các hiệp định thương mại và đầu tư trong vòng 18 tháng qua. Các hiệp định thương mại này sẽ được thực thi trong vòng vài năm nữa, và được kỳ vọng sẽ kích thích đầu tư trong tương lai gần khi các doanh nghiệp chuẩn bị đón nhận các cơ hội kinh doanh mới. Các hiệp định này cũng phát tín hiệu cho cộng đồng DN rằng chính phủ một lần nữa khẳng định cam kết mở cửa nền kinh tế.

Trong những năm gần đây, Chính phủ đã dỡ bỏ nhiều hạn chế về tỉ lệ sở hữu của nước ngoài đối với bất động sản và cổ phiếu doanh nghiệp và tuyên bố sẽ giảm số ngành nghề đóng cửa đối với sở hữu nước ngoài từ 51 xuống còn 6 ngành.

Thu nhập tăng và lạm phát thấp (mặc dù đang tăng tốc) dự báo sẽ làm cho tiêu dùng tư nhân tăng. Doanh số bán ô tô tăng mạnh - hơn 55% trong năm 2015 - là một minh chứng về lòng tin người tiêu dùng đã hồi phục.

Nợ công tăng, cải cách kinh tế còn chậm

Dù đánh giá VN có nhiều thuận lợi song với triển vọng kinh tế toàn cầu còn chưa chắc chắn, Việt Nam cần phải tập trung giải quyết rất nhiều thách thức. Các chuyên gia của ADB chỉ ra 5 tồn tại kinh tế Việt Nam cần khắc phục.

NHNN đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2016 là 18%-20% để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh hơn. Lãi suất cho vay có thể chịu áp lực tăng lên trong giai đoạn dự báo khi lạm phát tăng dần và cầu tín dụng cũng tăng trong khi thanh khoản của ngân hàng eo hẹp hơn.

Về lĩnh vực cải cách ngân hàng, ngân hàng trung ương đã hỗ trợ việc sáp nhập một số NHTM, tiếp tục triển khai kế hoạch củng cố khu vực ngân hàng. Số lượng nợ xấu theo báo cáo đến cuối năm 2015 giảm xuống còn 2,7% tổng dư nợ, chủ yếu thông qua việc chuyển nợ xấu từ các ngân hàng thương mại cho VAMC.

“Tính đến cuối năm 2015, VAMC đã mua 11 tỷ USD nợ xấu, cao hơn so với con số 6,1 tỷ USD nợ xấu được mua lại trong năm trước. Nhưng với nguồn vốn có hạn và thiếu một khuôn khổ pháp lý đầu đủ để giải quyết nợ xấu, cho đến cuối tháng 12 năm ngoái công ty này mới chỉ bán lại hoặc thu hồi được 9% số nợ xấu mình đã mua về”, Báo cáo cho biết.

Theo ADB, Chính phủ cho biết bội chi ngân sách ở mức 5,4% GDP, giảm một chút so với mức 5,7% của năm 2014. Thu ngân sách tăng 10% và nhẽ ra có thể cao hơn nếu giá dầu và thuế suất thu nhập doanh nghiệp không bị giảm. Chi tiêu của chính phủ tăng 7,3%. Nợ công, bao gồm cả nợ do chính phủ bảo lãnh ước tính lên đến mức kỷ lục là 62% GDP, đang tiến sát đến trần nợ công do Quốc hội cho phép là 65% GDP.

Chính sách tài khóa sẽ dần dần thắt chặt, song vẫn theo hướng hỗ trợ tăng trưởng. Chính phủ đặt mục tiêu giảm bội chi ngân sách xuống 4,9% GDP trong năm 2016 và 4,0% trong năm 2017. Tiếp tục bước chuyển đã khởi động trong năm 2015, ngân sách 2016 sẽ nhấn mạnh nhiều hơn đến chi đầu tư xây dựng cơ bản, dự kiến sẽ tăng 25,5%. Chi tiêu vãng lai dự kiến tăng ít hơn ở mức 6,5%.

Trong khi đó, tiến độ cải cách kinh tế vẫn còn chậm chạp. Chính phủ đã bán cổ phần thiểu số ở 160 doanh nghiệp nhà nước trong năm 2015, thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra là 289 DN nghĩa là nhiều kế hoạch cổ phần hóa không đạt chỉ tiêu đề ra.

Một trở ngại nữa được ADB chỉ ra đó là, sự bất ổn trên toàn cầu và tăng trưởng chậm chạp ở một số quốc gia đối tác thương mại lớn có thể ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của Việt Nam. Ông Eric Sidgwick nói: “Sự bất ổn trên toàn cầu và tăng trưởng chậm chạp ở một số quốc gia đối tác thương mại lớn có thể ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của Việt Nam. Trong nước, chúng tôi cũng quan sát thấy có một nhu cầu ngày càng tăng là phải xây dựng lại vùng đệm kinh tế vĩ mô để đảm bảo cho nền kinh tế có sức chống chịu mạnh mẽ hơn trước bất kỳ cú sốc kinh tế nào trong tương lai. Điều này đòi hỏi phải đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường tính bền vững tài khóa và củng cố cơ sở dự trữ ngoại hối”.

“Chính phủ Việt Nam cũng cần tiếp tục áp dụng các biện pháp tăng cường hệ thống ngân hàng, bao gồm việc xử lý khối nợ xấu còn tồn đọng và ngăn chặn nguy cơ xuất hiện nợ xấu mới vì nợ xấu sẽ tiếp tục cản trở sự hình thành một khu vực tài chính hiệu quả và toàn diện”, ông Eric Sidgwick nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, về dài hạn ông Eric Sidgwick cho rằng, cần nỗ lực nhiều hơn để giải quyết vấn đề tăng trưởng năng suất thấp của Việt Nam và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước tăng cường khả năng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trọng tâm của nhiệm vụ này là đẩy nhanh tiến trình cải cách DN nhà nước một cách sâu rộng hơn - không chỉ dừng lại ở cổ phần hóa - nhằm gỡ bỏ những ảnh hưởng méo mó mà các DN này gây ra đối với nền kinh tế và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.