AFF Cup đang mất giá?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông tin từ Liên đoàn Bóng đá (LĐBĐ) Đông Nam Á (AFF), nước đồng chủ nhà AFF Cup 2016 là Philippines đã từ chối quyền đăng cai với lý do không thuê được sân vận động quốc gia.

Điều đó đồng nghĩa với việc đẩy AFF vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Lý do lãng xẹt

Cách đây không lâu, LĐBĐ Philippines đã đấu tranh gay gắt để giành quyền đăng cai AFF Cup. Lợi thế của Philippines là nước này chưa một lần được đăng cai giải vô địch Đông Nam Á trong khi nhiều nước đã đăng cai 2, 3 lần. Hơn thế nữa, kể từ năm 2010, bóng đá Philippines đã có sự phát triển nhanh chóng. Với chính sách nhập khẩu cầu thủ, đội tuyển của nước này thường xuyên có mặt ở bán kết, thậm chí là chung kết AFF Cup. Vì thế, AFF quyết định chọn Philippines là nước đồng chủ nhà AFF Cup với Myanmar như một động thái để ghi nhận sự phát triển bóng đá ở quốc gia này.
AFF Cup đang mất giá? - Ảnh 1
Thế nhưng, mới đây nhất, LĐBĐ Philippines đã quyết định rút lui với một lý do lãng xẹt là không thuê được sân vận động quốc gia để tổ chức sự kiện được nhiều người mong đợi. Lý do mà Philippines đưa ra thật khó chấp nhận bởi AFF Cup là sự kiện lớn và nếu muốn, chính phủ có thể can thiệp để giải quyết mọi vướng mắc. Vậy nên, người ta mới cho rằng, vấn đề mấu chốt ở đây không phải là cái sân, mà chính là việc LĐBĐ Philippines không cảm thấy hứng thú với AFF Cup.

Việt Nam thế chỗ Philippines?

Việc Philippines từ chối AFF Cup khiến dư luận tin rằng, giải đấu này đang mất đi sức hấp dẫn. Có một thực tế là AFF không phải là tổ chức hùng mạnh về tài chính. Họ không có những hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính cho những nước chủ nhà AFF Cup. Các nước chủ nhà có thể khai thác nguồn lợi từ bán vé, nhưng đây thực sự là canh bạc mạo hiểm. Nếu thành tích đội tuyển không tốt, hoặc cổ động viên không khát khao đến sân thì nguồn thu từ bán vé sẽ bị ảnh hưởng. Khi ấy, LĐBĐ quốc gia sẽ thua lỗ về tài chính.

Với nhiều quốc gia, được đăng cai các sự kiện bóng đá quốc tế sẽ mang đến nguồn thu từ du lịch. Tuy nhiên, thực tế các kỳ AFF Cup trước đây cho thấy, số tiền thu được từ cổ động viên không nhiều. Chỉ một số lượng hạn chế các cổ động viên Việt Nam, Malaysia hay Thái Lan đồng hành với đội tuyển nên các công ty lữ hành cũng không mặn mà với AFF Cup. Ngoài ra, phải kể đến một yếu tố khác, đó là sự bão hòa về AFF Cup từ những nước từng nhiều lần đăng cai sự kiện này như Thái Lan, Việt Nam, Malaysia hay Singapore. Các LĐBĐ quốc gia thực chất là những đơn vị tổ chức sự kiện nên họ phải đánh giá sức cầu từ dư luận để đưa ra quyết định có đăng cai AFF Cup hay không?

Bên cạnh đó, một lý do khác khiến những nước có trình độ bóng đá phát triển ở khu vực Đông Nam Á đang nuôi tham vọng bên ngoài AFF Cup. Thái Lan đang hướng đến sân chơi châu lục, thậm chí là World Cup. Singapore, Malaysia cũng không còn coi AFF Cup là mục tiêu số 1. Họ đã bắt tay vào thực hiện những dự án mục tiêu nhằm thoát ra khỏi “ao làng”. Và ngay cả Việt Nam nữa, dù mới một lần vô địch AFF Cup, nhưng trong bối cảnh hiện tại, nếu giải đấu này được tổ chức thì cũng không phải là sự kiện gây sốt với dư luận.