Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Agribank thúc đẩy nông nghiệp Thủ đô phát triển bền vững

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiếm trên 50% thị phần huy động vốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong những năm gần đây, các chính sách tín dụng phục vụ lĩnh vực này trên địa bàn Hà Nội luôn được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) quan tâm, tích cực triển khai.

 Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Agribank ở Hà Nội.
Tái cơ cấu nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới
Thời gian qua, hoạt động sản xuất nông nghiệp của Thủ đô Hà Nội đã thu được nhiều thành tựu đáng kể. Với sự tiếp sức từ Agribank, nông nghiệp ven đô ngày càng mở rộng sản xuất theo quy mô lớn và chuỗi liên kết.

Đan Phượng là huyện nông thôn mới đầu tiên của TP Hà Nội, trong đó Agribank Đan Phượng đóng góp một phần quan trọng. Là khách hàng thân thiết của Agribank Đan Phượng, gia đình ông Nguyễn Văn Quang (xã Liên Hà, Đan Phượng, Hà Nội) chuyên nghề làm đồ gỗ tâm sự: “Khi làm đồ gỗ, chúng tôi cũng thiếu vốn để làm ăn. Khi đó Agribank Đan Phượng đã tạo điều kiện cho gia đình tôi được vay vốn làm ăn. Vốn của ngân hàng giúp chúng tôi mở rộng được sản xuất. Tôi vay cách đây 15 năm, lúc đầu chỉ là những khoản nhỏ, giờ tôi đang vay 2 tỷ đồng”.

Tại Đông Anh, nhiều năm qua Agribank Đông Anh đã đồng hành cùng người nông dân trong việc đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Nhờ đồng vốn vay, nhiều gia đình đã vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới. “Chúng tôi làm quen với Agribank Đông Anh lâu rồi, ngân hàng tạo điều kiện ổn định vốn nên không phải đi ngân hàng nào nữa, cán bộ ngân hàng rất tạo điều kiện” -ông Nguyễn Văn Hưởng - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Minh Tâm ở xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh cho biết.
Giải thích lý do vì sao, người nông dân vẫn thường chọn Agribank để vay vốn sản xuất nông nghiệp, ông Hưởng cho biết, ngoài chính sách hỗ trợ vốn cho người nông dân theo Nghị định của Chính phủ, Agribank Đông Anh còn tạo được niềm tin với người nông dân nơi đây bởi những thủ tục cho người nông dân vay vốn rất nhanh gọn. Thậm chí, cách đây vài năm, khi thời điểm lãi suất ngân hàng tăng, Agribank Đông Anh vẫn dành một khoản hạn mức nhất định với lãi suất ưu đãi cho ông vay để tiếp tục duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị

Riêng tại địa bàn Hà Nội, Agribank có 34 chi nhánh hoạt động, nguồn vốn trên 169.000 tỷ đồng. Agribank triển khai quyết liệt các giải pháp về tiền tệ, nâng cao chất lượng tín dụng và điều chỉnh mạnh cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung cho vay nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, xây dựng nông thôn mới, cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về vốn và dịch vụ ngân hàng, tạo kênh dẫn vốn hiệu quả, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của Thủ đô.

Nhằm tạo thuận lợi cho nông dân được vay vốn tốt hơn, Agribank phối hợp với các tổ chức hội như hội phụ nữ, hội nông dân… đưa ra các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho sản xuất nông nghiệp lớn, tháo gỡ vướng mắc về các vấn đề về thủ tục pháp lý, thuế... Đẩy mạnh các hình thức liên kết, đổi mới mô hình và cách thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản…
Cũng nhờ vốn tín dụng đã góp phần làm chuyển đổi hàng nghìn hec ta cây trồng, vật nuôi từ năng suất, chất lượng thấp đã đạt năng suất chất lượng cao. Nhiều hộ vay đã trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở khu vực ngoại thành Hà Nội.

Thời gian tới, bám sát Chương trình Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của Hà Nội đề ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) là 7,3 - 7,8%. GRDP bình quân đầu người đạt từ 86 - 88 triệu đồng, Agribank tiếp tục tập trung nguồn vốn đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn TP theo hướng đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu… góp phần cùng Thủ đô Hà Nội đạt được mục tiêu xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ kinh tế hộ với DN, thị trường, đưa kinh tế Thủ đô sẽ tăng trưởng đạt và vượt chỉ tiêu đã đề ra.