Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ai chịu trách nhiệm trong quản lý nợ công?

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “3/4 đi vay về trả nợ, chỉ còn 1 đồng để đầu tư, nếu lãi suất tăng lên trả nợ sao được?” - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội băn khoăn tại phiên thảo luận tại tổ, bàn về Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

3/4 vốn đi vay về chỉ để trả nợ

Nói về sự cần thiết phải sửa đổi Luật này, đại biểu Nguyễn Đức Kiên phát biểu, sau 7 năm áp dụng luật 2009, luật này đã không hoàn thành nhiệm vụ vì tốc độ tăng nợ công từ 2010 - 2015 tăng gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế. “Nợ công, nếu tính cả nghĩa vụ nợ Chính phủ phải trả các khoản khác, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế thì chúng ta không có gì cải thiện” - đại biểu đánh giá.

Với các nội dung đặt ra, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, đầu tiên là định nghĩa lại nợ công mà theo tờ trình của Chính phủ là bỏ nợ doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), đơn vị công lập, cả ngân hàng xã hội. “Không bao gồm nợ DNNN là đúng nhưng nếu DNNN tự vay, trả mà không trả được nợ các định chế quốc tế thì hệ số tín nhiệm Việt Nam hạ. Do đó, bên cạnh đó cần có những định chế giám sát DNNN khi vay nguồn nào trả và trả thế nào” - đại biểu chỉ ra.

Đường Vành đai 3 trên cao được làm từ vốn vay ODA (Nhật Bản). Ảnh: Hùng Huy

Trong quản lý nợ công, có nhiều quỹ đã tiêu hết nhưng có tính vào nợ công không, ví dụ quỹ đổi mới sắp xếp DNNN, “chúng ta tưởng còn tiền nhưng thực ra là đã hết rồi, và chúng ta cần phải nhìn thật vào vấn đề”, đại biểu nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu Kiên: “Nếu nhìn quyết định trả nợ năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ vừa mới ký xong có tới 242.000 tỷ đồng để trả nợ gốc và trả lãi, còn lại chúng ta có hơn 80.000 tỷ để cho đầu tư. Như vậy có nghĩa 3/4 đi vay về chỉ để trả nợ bao gồm cả lãi và gốc. Vay 4 đồng chỉ có 1 đồng để đầu tư nếu lãi suất cao 10 -12% trả nợ sao được, nợ công do đó ngày càng lên”.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, theo tính toán, nợ công hiện tăng nhanh và áp lực trả nợ Chính phủ cao. 6 năm qua mỗi năm nợ công tăng 300.000 tỷ đồng. Do đó theo đại biểu, nợ công cần phải được công khai, minh bạch, cập nhật chính xác liên tục để theo dõi giám sát. Cũng theo các đại biểu, nên đưa các khoản ứng trước ngân sách Nhà nước (NSNN), nợ cấp bù chênh lệch lãi suất cho các ngân hàng chính sách, nợ hoàn thuế GTGT vào phạm vi nợ công vì đó là những khoản nợ NSNN sẽ phải bố trí nguồn để trả ở các năm sau, nếu không sẽ khó kiểm soát.

Ai quản lý nợ công?

Nợ Chính phủ của ta từ 50% lên 53% mà Chính phủ lại đề nghị lên 55%, chỉ như vậy thôi để cho thấy báo cáo của Chính phủ trình chưa đi đến tận cùng của nguyên nhân để bàn với nhau khắc phục nợ công. Thực ra nợ Chính phủ vượt trần năm 2015 rồi, năm 2016 không vượt vì đã nới trần. Mục tiêu là không chỉ hướng đến quản lý nợ công mà phải hướng đến an ninh tài chính quốc gia. Phải xác định được đúng phạm vi nợ công, xác định đúng bộ máy cơ quan quản lý nợ công phù hợp; phải nhận diện được các rủi ro với nợ công, đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) bày tỏ. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, trong dự án Luật lần này chưa gắn vấn đề vay với trách nhiệm sử dụng. Nếu cơ chế như hiện nay thì trong trường hợp sử dụng không hiệu quả thì cơ quan nào chịu trách nhiệm cuối cùng cũng chưa được làm rõ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Tồn tại lớn nhất về quản lý nợ công là gì? Đó là 3 cơ quan cùng làm quản lý nợ công, một người đàm phán đi vay, một người phân chia, không có quốc gia nào giống chúng ta. Ký kết ODA là Bộ KH&ĐT, các tổ chức tài chính quốc tế là Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính được giao thống nhất quản lý về nợ công, cân đối ngân sách trả nợ khi đến hạn, chuẩn bị quỹ tích lũy NSNN dự phòng, khi không đủ trả nợ, thì móc túi ra trả .

“Vấn đề nói mãi không sửa được. Nên cứ phải phân làm nhánh, một người đi vay, một người dùng, một người trả nợ. Luật này chưa sửa được, nếu lần này sửa được thì là một cuộc cách mạng trong quản lý nợ công. Nhiều nước tỷ lệ nợ công cao nhưng vẫn an toàn. Nhưng chúng ta lo là lo khả năng trả nợ của chúng ta. Liệu một cơ chế mà không cơ quan nào chịu trách nhiệm chính, có nghĩa vụ giải trình về nợ công có còn phù hợp với tình thế của nền tài chính quốc gia hiện nay hay không?” - Chủ tịch Quốc hội băn khoăn.