70 năm giải phóng Thủ đô

Ai có quyền tự do báo chí, ai được tự do ngôn luận?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 30/9, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng...

Kinhtedothi - Ngày 30/9, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ)của Quốc  hội đã tổ chức phiên họp lần thứ 9, thẩm tra Dự án Luật Báo chí sửa đổi. Trong đó, vấn đề về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí vẫn là nội dung được quan tâm.

Chủ thể của quyền tự do báo chí

Điểm mới của Dự Luật là bổ sung một chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp 2013, “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí…”. Tuy nhiên, Dự Luật lại phân biệt quyền tự do báo chí dành cho cơ quan báo chí và nhà báo, còn quyền tự do ngôn luận trên báo chí thì dành cho công dân. Đây là bất cập được góp ý rằng cần được tiếp tục nghiên cứu.
Các nhà báo tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa.       Ảnh: Mạnh Dũng
Các nhà báo tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa. Ảnh: Mạnh Dũng
Báo cáo Thẩm tra Dự án Luật của Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội cũng nhận định về sự cần thiết của quy định này. Bởi Luật Báo chí năm 1989 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999 đã quy định về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Trong đó quy định, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện quyền tự do báo chí ở nước ta hiện nay cho thấy: Việc lợi dụng quyền tự do báo chí để xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức vẫn diễn ra; quy định về quyền tiếp cận thông tin còn thiếu, chưa rõ ràng nên đã dẫn đến còn những hạn chế trong việc cung cấp thông tin cho báo chí.

Tuy nhiên, thẩm tra của Ủy ban tiếp tục đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hai vấn đề, đó là: Tên điều 11 (Quyền tự do báo chí) của Dự Luật quá rộng, dường như muốn bao quát toàn bộ nội dung quy định của Hiến pháp về quyền tự do báo chí nhưng lại không chỉ rõ quyền này của ai, còn nội dung cũng chưa thể hiện đầy đủ nội hàm của quyền này. Theo Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội  Đào Trọng Thi, qua giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về báo chí, Dự Luật cần quy định theo hướng sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí của cơ quan, tổ chức hưởng ngân sách Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng báo chí và giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Xác định lại nội hàm

Trong phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, khi cho ý kiến về Dự Luật này, nhiều người cũng bày tỏ sự băn khoăn khi Dự Luật chỉ đi sâu vào nghề làm báo và để quản lý báo chí, còn việc làm sao để công dân được bảo đảm quyền tự do báo chí của mình thì chưa thể hiện rõ. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lập luận: Quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận trên báo chí là vấn đề lớn. Nếu hiểu đây là 2 phạm trù khác nhau và gắn với chủ thể khác nhau là không đúng. Công ước của Liên Hợp quốc nói là quyền tự do báo chí được hiểu là việc thực hiện quyền tự do ngôn luận của con người thông qua báo chí, trên báo chí. Đề nghị phải làm rất kỹ, xác định lại nội hàm của quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí.

Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền cho rằng: Luật Báo chí không phải là Luật Quản lý báo chí. Do đó phải thể hiện quyền tự do báo chí của người dân thế nào để tạo điều kiện cho công dân tham gia hoạt động báo chí. “Tôi nghĩ rằng rất đơn giản. Rõ ràng cuộc sống hàng ngày của người dân là phản ánh chân thực nhất vào báo chí, làm nên những tác phẩm có giá trị. Vì thế, công dân có quyền cung cấp thông tin, có quyền viết bài, có quyền làm tất cả những công việc liên quan đến báo chí” - ông Nguyễn Đức Hiền bày tỏ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, tự do báo chí không phải là vô hạn. Quyền tự do đó phải được đặt trong khuôn khổ của pháp luật, phục vụ lợi ích của quốc gia, dân tộc; không xâm phạm đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân. Công dân được quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, nhưng vấn đề tự do và quyền ở đây phải được cân nhắc kỹ. Cùng với đó, nhiều ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị, Dự Luật nên đánh giá lại các quy định liên quan đến cấp giấy phép, tránh làm tăng thủ tục hành chính, giảm tính chủ động của cơ quan báo chí, hạn chế quyền tự do báo chí. Dự Luật phải tạo điều kiện để cơ quan báo chí hoạt động sáng tạo và chủ động phù hợp với năng lực và chiến lược phát triển.