Ai đá “quả bóng” trách nhiệm?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện liên quan đến cú ra chân kiểu kungfu của hậu vệ Quế Ngọc Hải đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Các bên liên quan vẫn chưa thể đi đến tiếng nói chung về cách thức và số tiền đền bù cho chi phí chữa trị của cầu thủ Trần Anh Khoa. Áp lực rất lớn đang nhắm vào quyết định được cho là chẳng giống ai và đang làm khổ "bọn trẻ".

Xử hay không…

Đang có những tranh luận gay gắt về quyết định buộc Ngọc Hải phải bồi hoàn chi phi chữa chấn thương của cầu thủ do anh phạm lỗi. Người ta nói rằng, quyết định này không giống với quy định của FIFA. Thậm chí, các nhà làm luật còn khẳng định, nó trái với các nguyên tắc của Luật Dân sự. VFF vì thế mà bị chỉ trích vì quyết định trái với tinh thần thượng tôn của pháp luật.
Pha bóng Quế Ngọc Hải phạm lỗi khiến Anh Khoa chấn thương nặng.
Pha bóng Quế Ngọc Hải phạm lỗi khiến Anh Khoa chấn thương nặng.
Nhưng có một điều mà ngay cả những người chỉ trích VFF gay gắt nhất và cả các đối tượng liên quan đều khẳng định, Ban Kỷ luật đã xử lý vụ việc theo đúng các điều khoản ghi trong quy định về kỷ luật hiện hành. Tại điều 39 của quy định này có mục yêu cầu cầu thủ gây chấn thương phải đền bù chi phí cho nạn nhân. Quy định ấy do Ban chấp hành, đại diện của chính các đội bóng bàn bạc và thông qua. Thậm chí, thời điểm đó, người ta coi đây là điều khoản mang tính đột phá nhằm triệt tiêu mầm mống của bạo lực sân cỏ. Nói như ông Nguyễn Hải Hường - Trưởng ban Kỷ luật VFF, ông không tự nghĩ ra luật xử phạt Ngọc Hải, chính các đội bóng đã đồng thuận với các quy định đó.

Luật do chính những người làm bóng đá ban hành và nó phải được thực thi. Có thể, nội dung của nó cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Nhưng đó là câu chuyện của tương lai. Còn hiện tại, những người chấp pháp phải tuân thủ những quy định do chính mình đặt ra. Và sẽ thật tai hại nếu người ta xé luật khi chưa có quyết định điều chỉnh. Vậy mới nói, VFF xử Ngọc Hải theo quy định hiện hành còn có cơ sở hơn là việc họ tự ý thay đổi các điều khoản khi chưa được phép. Nói không quá, nếu xử theo kiểu chiều lòng dư luận thì chắc chắn VFF sẽ chịu hậu quả khôn lường.

Người lớn hãy vào cuộc

Trở lại với trường hợp của Ngọc Hải. Đúng là cầu thủ này không có đủ 800 triệu đồng đền bù do chưa được ký hợp đồng chuyên nghiệp. Nhưng đội bóng của anh - SLNA phải có trách nhiệm trong sự vụ này. Không thể nói do quyết định của VFF không có điều nào quy định SLNA phải bồi thường thì không tìm ra cơ sở để chi tiền. “Con dại thì cái mang”, các cụ xưa đã dạy. Hơn thế nữa, nếu muốn vì nhau thì người ta có hàng ngàn cách để giải quyết sự cố chứ không thể để cầu thủ tự lo mọi việc. Có thông tin cho rằng, chính việc lãnh đạo cấp cao của SLNA không ra mặt khiến lãnh đạo của SHB Đà Nẵng không cảm thông với Ngọc Hải. Nói đâu xa, khi Abass của Bình Dương nhập viện, lãnh đạo Hà Nội T&T đã yêu cầu được thanh toán viện phí do cầu thủ của họ gây chấn thương. Tuy nhiên, câu trả lời của Bình Dương là lời cảm ơn và cái lắc đầu.

Bóng đá chuyên nghiệp cần cách hành xử chuyên nghiệp. Sự chuyên nghiệp ấy đến từ những người lớn vốn có tiếng nói quyết định. Họ phải vào cuộc trong việc đưa ra những điều khoản phù hợp với thực tế chứ không phải đi họp để đi chơi. Họ phải biết chơi đẹp, dám chịu trách nhiệm thay vì đá quả bóng cho cầu thủ của mình. Việc to sẽ trở thành nhỏ, việc nhỏ thành không có gì nếu người lớn có thể nghĩ lớn. Vậy mới nói, chẳng khó để tìm ra câu trả lời rằng ai làm khổ Ngọc Hải. Thay vì đổ lỗi, người có trách nhiệm hãy nhận trách nhiệm cho cầu thủ của mình.