Ai đứng sau siêu doanh nghiệp 500 nghìn tỷ?

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 20 đến ngày 28/5/2021, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh - Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động toàn cầu (Auto Investment Group) đã đứng ra thành lập tổng cộng 4 công ty, trong đó có DN vốn điều lệ lên tới 500 nghìn tỷ đồng.

9 ngày lập 4 công ty

Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/5, có 2 DN vừa được đăng ký thành lập mới thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông tại TP Hồ Chí Minh. 

Đăng ký thành lập của Auto Investment Group ghi nhận vốn điều lệ 500 nghìn tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Vũ Quốc Anh góp 499.998 tỷ đồng.

Cụ thể, 2 đơn vị này là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động toàn cầu (Auto Investment Group), trụ sở chính tại tầng 46, Tòa nhà Bitexco Financial Tower, vốn điều lệ 500 nghìn tỷ đồng và Công ty CP Tập đoàn Kinh doanh tự động Toàn cầu (GAB Group), vốn 25 nghìn tỷ đồng, trụ sở tại tầng 72, Toà nhà Landmark 81. Cả hai DN này đều có ngành nghề kinh doanh chính là lập trình máy vi tính (Sản xuất phần mềm).

Ông Nguyễn Vũ Quốc Anh (sinh năm 1986, trú tại 109 đường 3, phường Phước Bình - TP Thủ Đức – TP Hồ Chí Minh) là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật cả 2 công ty này. Hai địa điểm này đang được một DN cho thuê văn phòng ảo khai thác. Khi sử dụng dịch vụ văn phòng ảo, DN không có không gian làm việc thực tế nhưng vẫn có địa chỉ đăng ký kinh doanh.

Theo thông tin trên hệ thống đăng ký kinh doanh, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh sẽ góp 499.998 tỷ đồng vào Auto Investment Group và 23.000 tỷ đồng vào GAB Group. Số vốn còn lại ở cả 2 công ty sẽ do 2 cá nhân góp là Nguyễn Thị Diễm Hằng và Lưu Hữu Thiện.

Nếu các cổ đông sáng lập góp đủ vốn, DN nói trên sẽ có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam, vượt qua tất cả các DN đang hoạt động hiện nay như Vingroup (gần 400 nghìn tỷ), Vietcombank (hơn 366 nghìn tỷ), Hoà Phát (hơn 230 nghìn tỷ)…; vượt mặt các DN Nhà nước "sếu đầu đàn" như PVN, EVN, Viettel hoặc các DN tư nhân quy mô lớn như Vingroup. Tổng vốn điều lệ của 10 ngân hàng lớn nhất cả nước là hơn 444 nghìn tỷ đồng cũng chưa bằng DN trên. 

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, 2 DN này vẫn đang trong quá trình hoàn tất việc góp vốn.

Không chỉ 2 công ty có vốn khủng trên, từ ngày 20 đến ngày 28/5/2021, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh - Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động toàn cầu (Auto Investment Group) đã đứng ra thành lập tổng cộng 4 công ty, (trong đó có DN vốn điều lệ lên tới 500 nghìn tỷ đồng). Các DN còn lại có vốn từ vài chục tỷ đến vài chục nghìn tỷ đồng, với những cái tên na ná nhau: Công ty CP Tập đoàn Công cụ tự động toàn cầu; Công ty CP Tập đoàn Kinh doanh tự động toàn cầu.

"Tập đoàn của chúng tôi là toàn cầu. Tôi đang làm việc với nhà đầu tư nước ngoài lớn ở New York, Dubai. Ở trong nước, chúng tôi cũng làm việc với các tập đoàn lớn, ngân hàng", Nguyễn Vũ Quốc Anh khẳng định. Nhân vật này cũng khẳng định đã tính toán kỹ, cân nhắc trước khi đăng ký tư cách pháp nhân. "Chuyện 3 tháng phải góp đủ vốn, bọn tôi tính hết rồi. Trong tháng này, chúng tôi sẽ làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài, trong nước, làm sao đưa nguồn tiền về đủ con số đăng ký" - ông Nguyễn Vũ Quốc Anh nói.

Nếu gian dối sẽ bị xử phạt

Trước đó, tháng 2/2020 cũng xuất hiện một trường hợp đăng ký vốn 144 nghìn tỷ đồng tại Hà Nội, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, gây xôn xao dự luận là Công ty CP Tư vấn Đầu tư Quốc tế và Dịch vụ Thương mại USC (USC Interco). Tuy nhiên, sau đó giấy đăng ký kinh doanh cấp cho USC Interco đã bị Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT Hà Nội thu hồi và DN này chóng vánh rời khỏi thị trường chỉ sau vài ngày được cấp phép.

Căn nhà cấp 4 tại phường Phước Bình, TP Thủ Đức của người đàn ông đăng ký vốn kinh doanh 500 nghìn tỷ để thành lập DN (Ảnh: Tiền Phong)

Trả lời báo chí, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, pháp luật về kinh doanh quy định thông tin đăng ký phải trung thực. Luật DN sửa đổi khuyến khích người dân bỏ vốn kinh doanh và tự kê khai trung thực. Riêng một số ngành nghề có điều kiện như ngân hàng, bảo hiểm phải đáp ứng một số điều kiện trong đó có số vốn tối thiểu.

Nếu DN cố tình khai khống nhưng không gây thiệt hại thì DN chỉ phải chịu phạt hành chính theo quy định, còn nếu khai gian dối vì mục đích lừa đảo, gây hại tùy vào mức độ sẽ có chế tài xử lý, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo khoản 5 Điều 17 Luật DN 2014 đã có quy định nghiêm cấm việc kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP cho biết sẽ "phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký". Đồng thời phải buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 28.

TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết một DN có vốn chủ sở hữu lên đến 500 nghìn tỷ đồng (hơn 20 tỷ USD) cũng là “hàng hiếm” trên thế giới, phải điều tra xem vốn đó có thật hay không.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), ngay sau khi có thông tin về DN đăng ký vốn thành lập 500 nghìn tỷ đồng, Cục đã gửi văn bản đến Sở KH&ĐT TP Hồ Chí Minh và đề nghị đơn vị này rà soát. Cục đã có cảnh báo, còn việc giám sát DN thực hiện sẽ do cơ quan chức năng ở địa phương thực hiện.