Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ai “gánh” phí bảo lãnh ngân hàng mua nhà?

Đức Dinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Sau lùm xùm vụ cư dân “rồng rắn” đòi ngân hàng thực hiện trách nhiệm bảo lãnh khi chủ đầu tư mất khả năng tài chính, tôi rất lo lắng. Hiện, gia đình tôi vừa đặt cọc (30 triệu đồng) để giữ chỗ một căn hộ ở đường Phạm Văn Đồng - Hà Nội. Nhân viên bất động sản (BĐS) hẹn sang tuần gặp chủ đầu tư để ký hợp đồng mua bán. Do đó, tôi muốn hỏi, quá trình làm bảo lãnh cho căn hộ của tôi sau này, phần phí bảo lãnh thuộc trách nhiệm của ai?" - Phạm Minh Ngọc (Cầu Diễn - Hà Nội)

Bạn Minh Ngọc thân mến!
Câu hỏi của bạn, hiện cũng là vấn đề nóng được nhiều bạn đọc quan tâm. Để có được thông tin tư vấn chính xác, Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi cụ thể với ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
Theo Luật Nhà ở và Luật kinh doanh BĐS 2014, bắt buộc Chủ đầu tư khi thực hiện việc kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai phải có bảo lãnh của ngân hàng để đảm bảo quyền lợi cho người mua/người thuê nhà. Về phần phí bảo lãnh, theo quy định, muốn được ngân hàng cam kết bảo lãnh có giá trị ví dụ 100 tỷ đồng, hầu hết các ngân hàng đều yêu cầu chủ đầu tư phải có 100 tỷ đồng ký quỹ vào ngân hàng (nếu không có 100 tỷ đồng tiền mặt, chủ đầu tư phải có tài sản có giá trị gấp khoảng 1,3 lần để làm tài sản bảo đảm thay thế); chủ đầu tư cần trả phí bảo lãnh khoảng 2%/năm, tương đương với khoảng 2 tỷ đồng/năm.
Vệc bảo lãnh ngân hàng đều phải được thể hiện trên giấy tờ, hợp đồng rõ ràng, bạn không thể nghe nhân viên BĐS quảng cáo. Một trong những chiêu trò hiện nay là tư vấn mập mờ về phí bảo lãnh ngân hàng để lôi kéo người mua hàng. Mức phí này, thông thường do thỏa thuận của người mua nhà với chủ đầu tư và đây là một thỏa thuận dân sự.
Tuy nhiên, ở các dự án hiện nay, chủ đầu tư đều đẩy khoản phí này sang cho người mua nhà phải trả do chưa có quy địch bắt buộc bên nào phải đóng khoản này. Khi đàm phán ký hợp đồng nếu người mua nhà không tìm hiểu kỹ để thỏa thuận, phần thiệt thường luôn thuộc về họ. Vì vậy người mua nhà cần tỉnh táo, xin tư vấn từ luật sự về hợp đồng có 3 bên (ngân hàng, khách hàng và chủ đầu tư), để cam kết rõ mức phí bảo lãnh bao nhiêu, ai chịu trước khi đặt bút ký vào mọi điều khoản hợp đồng, nhằm hạn chế rủi ro cho bản thân.
Về những lo ngại khách hàng phải gánh chịu giá nhà cao hơn do “đội” phí bảo lãnh, thù lao luật sư …, thiết nghĩ, người mua nên xem đây là cái giá cho sự bảo đảm an toàn cho mình khi đầu tư vào BĐS hình thành trong tương lai. Những chi phí phát sinh nêu trên không hề là cao, so với số tiền người mua bỏ ra đầu tư ở dự án.