Ai giữ cảnh quan làng Hà Nội?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi muốn tìm lại những hình ảnh đẹp đẽ, yên bình của làng quê, có lẽ các thế hệ sau chỉ có thể tận hưởng qua các tác phẩm nhiếp ảnh và những thước phim tư liệu.

Từ phá vỡ kiến trúc

Kiến trúc nhà ở nông thôn những năm qua lộn xộn với việc xây dựng bừa bãi, với cảnh chen chúc của các khối nhà, sự pha tạp các kiểu dáng cùng sự đối chọi của đủ các loại vật liệu, họa tiết, màu sắc. Thực trạng này đã được cảnh báo từ lâu cùng với nhiều kiến nghị, đề xuất giải pháp cùng ý tưởng can thiệp, song đến giờ vẫn chưa có “lối ra”.
Một góc làng Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai.
Một góc làng Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai.
Cũng dễ hiểu khi mong ước bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống phải đối mặt với nhu cầu phát triển không gian sinh hoạt gia đình - không gian có tính chất riêng tư, thuộc sở hữu tư nhân, bị chi phối mạnh bởi nhu cầu sinh hoạt, gu thẩm mĩ và điều kiện kinh tế của gia chủ. Trong khi đó, những hành động can thiệp, góp ý, tư vấn của giới chuyên môn và chính quyền địa phương dường như chỉ dừng lại trước cửa những ngôi nhà. Đặc biệt là khi các nhà quản lý vẫn chưa đưa ra được những quy định cụ thể, có tính chất bắt buộc trong việc xây dựng, áp dụng kiểu dáng kiến trúc, vật liệu xây dựng cho nhà ở nông thôn. Chẳng đâu xa là di tích quốc gia đặc biệt làng cổ Đường Lâm, cơ quan chức năng đã đưa ra một số quy định về xây dựng, cơi nới nhà cửa, song cũng đang dối diện với nguy cơ bị phá vỡ về kiến trúc truyền thống. Thêm những làng quê khác (như những “phim trường nông thôn”), tuy chưa có danh hiệu trên, nhưng những ngôi nhà truyền thống cũng đang dần biến mất, hoặc bị pha trộn đủ những hạng mục xây dựng, kiểu dáng kiến trúc mới. Rộng hơn nữa, rất nhiều các làng quê thuần phác nhưng bị phong trào xây nhà ở tràn lan tạo nên những bộ mặt phố hóa gồ ghề, thô cứng và sặc sỡ.

Đến biến dạng cảnh quan

Kiến trúc làng quê bị phá vỡ góp phần gây nên sự biến dạng cảnh quan văn hóa, thiên nhiên làng quê. Và điều này cũng đang đứng trước lời thách thức về khả năng giữ gìn, bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống.

Có thể nhận ra điều này rất rõ qua thực trạng không gian xung quanh các di tích đình, chùa, đền cùng các hồ ao cũ, giếng nước cổ, hay các cổng làng, cổng xóm, cây cổ thụ… đang bị nhà cửa kiểu mới chen lấn hoặc áp sát. Tại xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai), bên hồ Long Trì, trên con đường nhỏ ven núi dẫn vào chùa Thầy, những năm qua đã mọc lên san sát nhà cao tầng. Nhiều gia đình ở đây còn làm mái tôn đua ra sát mép hồ và mở hàng quán. Sự phát triển thực dụng này che lấp vùng chân núi, làm mất vẻ đẹp thoáng đãng ở nơi tiếp giáp giữa núi đá và mặt nước của khu danh thắng chùa Thầy vừa được tôn vinh là di tích quốc gia đặc biệt. Rồi ngay trên đường đến núi Thầy, chùa Thầy, từ xa đến gần, người ta sẽ không khỏi tiếc cho một di tích đã bị nhà cao tầng bủa vây. Ngay cả một địa điểm tưởng như thuần chất nông thôn như cổng làng cổ Đường Lâm với ao sen và cây cổ thụ kề bên, thì ngay gần đó là ngôi nhà mái bằng của Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, nhìn rất tương phản. Nhiều những không gian đẹp đẽ khác của các thôn thuộc xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì), xã Phú Diễn, Cự Khê (huyện Thanh Oai) - nơi có làng Cự Đà danh tiếng… cũng lâm vào tình cảnh tương tự.

“Của chung” phải biết xót!

Cần nhận ra, không gian này, dù đã biến dạng và bị o ép nhiều, vẫn còn kịp để cứu và bảo vệ những gì có thể giữ lại được. Bởi ít nhất thì về mặt pháp lý và có tính chất “mặc định” trong cả cộng đồng làng xã, những không gian đó là của chung. Đây chính là thuận lợi cho việc xây dựng các quy định bảo vệ và đưa ra các biện pháp cải tạo để giữ cho không gian này mang đậm nét cổ truyền. Đồng nghĩa với việc bảo vệ được một phần hồn vía của làng trong khi các ngôi nhà truyền thống đang dần mờ nhạt.

Tuy nhiên, việc này cần sự bắt tay của các ngành văn hóa, xây dựng, kiến trúc, cần có sự vào cuộc của các chuyên gia xây dựng, kiến trúc, bảo tồn với những đo đạc, tính toán khoa học. Cần những quy định cụ thể cho những không gian xung quanh di tích, thiết chế văn hóa, đồng thời cần bảo vệ cũng như tái tạo hệ thống cây xanh, bóng mát, mặt nước trong các không gian này. Ngay cả việc chống ô nhiễm nước, không khí và tiếng ồn cũng phải được quy định hóa và thực hiện nghiêm túc. 

Song trước mắt là việc nhanh chóng giải tỏa các loại kiốt, quầy hàng dịch vụ vây bám các di tích; di chuyển các chợ cóc, chợ tạm gây ảnh hưởng và ô nhiễm các không gian này; tháo dỡ và hạ thấp chiều cao những công trình xây dựng mới gây biến dạng về không gian… Không ra tay sớm, nông thôn với những không gian chung mang dáng dấp, đường nét đặc thù sẽ bị đóng hộp, dồn ép, bị bóp méo trong cảnh tượng phố không ra phố, làng chẳng phải làng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần