Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ám ảnh vì bị quấy rối tình dục

Nhật Uyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trẻ em bị quấy rối tình dục phải đối mặt với những sang chấn tâm lý, nhiều nạn nhân bị ám ánh suốt đời. Theo các chuyên gia sức khỏe tâm thần, tùy vào mức độ tổn thương của trẻ, cha mẹ nên đưa trẻ đi thăm khám bác sĩ và gặp chuyên gia tâm lý để trị liệu.

Ảnh minh họa.
Quá nhiều vụ đau lòng
Liên tiếp thời gian qua, nhiều vụ lạm dụng, quấy rối tình dục làm rúng động dư luận. Từ chuyện thầy giáo một trường tiểu học ở Bắc Giang có hành vi được cho là sàm sỡ với những học sinh lớp 5; rồi chuyện thầy giáo chủ nhiệm ở trường chuyên Thái Bình tán tỉnh, gạ tình nữ sinh lớp 10; một bé gái bị xâm hại ở vườn chuối ở huyện Chương Mỹ... Mới đây nhất, dư luận hết sức phẫn nộ vì đoạn camera ghi lại cảnh một người đàn ông trung niên có nhiều hành động ôm hôn, vuốt ve một bé gái trong thang máy. Và người ta choáng váng khi được biết người đàn ông đó nguyên là Phó Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng...
Để phòng tránh trẻ bị xâm hại, quấy rối tình dục thì cha mẹ và nhà trường cần dạy các kỹ năng cho trẻ để tự bảo vệ mình. Khi phát hiện trẻ bị xâm hại, cha mẹ không nên che giấu mà cần lên án hành động sai trái của kẻ ác, báo với các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.

Bác sĩ Trương Văn Tuần – Khoa Nữ, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức

Theo thống kê của Bộ Công an, trong năm 2018, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là hơn 1.200 vụ với 1.230 người phạm tội. Người có hành vi xâm hại trẻ em ở nhiều lứa tuổi, thành phần xã hội khác nhau. Nạn nhân các vụ xâm hại thường là trẻ em nhỏ tuổi được cha mẹ gửi quản lý, chăm sóc hoặc sống trong gia đình không hoàn thiện, cha mẹ ly thân, ly hôn phải sống với cha dượng, mẹ kế. Các trường hợp khác nằm ngoài sự quản lý của cha mẹ, người thân nên bị kẻ xấu xâm hại.

Những vụ việc đau lòng này gióng lên hồi chuông đáng báo động trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ, bảo vệ trẻ khỏi những hành vi thú tính. Xâm hại tình dục trẻ em được coi là tội ác và cần thiết phải có chế tài xử lý nghiêm những kẻ gây ra tội ác ấy.

Sẻ chia để được trị liệu đúng cách

Tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ đã từng tiếp nhận không ít trường hợp bệnh nhân bị sang chấn tâm lý, stress nặng do bị lạm dụng, quấy rối tình dục. Theo TS Dương Minh Tâm - Trưởng phòng Điều trị các rối loạn liên quan stress, ngay sau khi trẻ bị quấy rối, xâm hại tình dục, trẻ luôn bị ám ảnh bởi những hình ảnh, cảm xúc đáng sợ đó khi đang học tập, làm việc, kể cả khi ngủ hay trong giấc mơ. “Những hình ảnh, trải nghiệm đó làm cho bệnh nhân sợ hãi, mất tập trung, người bệnh buồn phiền, xấu hổ, mất tự tin, bệnh nhân thu mình, dẫn đến ức chế tư duy để phát triển. Tình trạng đó cứ kéo dài âm thầm gây tổn hại đến sức khỏe, người bệnh cảm thấy không lối thoát, thậm chí nhiều người còn có ý định tự tử" - TS Dương Minh Tâm chia sẻ.

Hiện nay, việc chẩn đoán, điều trị các bệnh nhân rối loạn stress, rối loạn lo âu, trầm cảm... nói chung đã khó, ở những bệnh nhân từng bị lạm dụng, quấy rối hoặc xâm hại tình dục thì càng khó khăn hơn rất nhiều. Bởi lẽ người bệnh khó nói ra nguyên nhân dẫn đến bệnh, thì chỉ chữa triệu chứng bên ngoài khiến bệnh không khỏi mà còn nặng hơn. Nhiều bác sĩ ở Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, họ đã chứng kiến rất nhiều trường hợp như vậy. Bệnh nhân nhiều năm trời sống thu mình, không chia sẻ bất cứ điều gì, chỉ đến khi họ thật sự tin tưởng bác sĩ, thân với bác sĩ hơn cả người thân trong gia đình thì mới dám kể về những ký ức mà họ giấu kín trong lòng. Lúc này, mọi lo lắng sợ hãi mới được giải tỏa, bác sĩ mới có thể điều trị hiệu quả cho người bệnh được.

Tùy vào mức độ tổn thương của trẻ mà cha mẹ nên đưa trẻ đi thăm khám bác sĩ, đưa trẻ đi gặp chuyên gia tâm lý để trị liệu giúp trẻ khắc phục tình trạng sang chấn tâm lý. Về phía gia đình, cần chia sẻ, động viên con cũng như phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia sức khỏe tâm thần giúp trẻ sớm vượt qua nỗi đau, sự sợ hãi và hòa nhập với cộng đồng.