Cũng như đồng bào ở Việt Nam, Kiều bào ở khắp năm châu cũng háo hức đón chờ Tết Việt để đoàn tụ, gặp gỡ và chia sẻ cùng gia đình và bạn bè sau khoảng thời gian xa cách vì đại dịch.
Năm nay, Tết Quý Mão 2023 tới sớm hơn thường lệ một tháng, chỉ sau Tết Dương lịch hơn chục ngày, đây cũng là thời điểm người châu Âu đã quay lại nhịp sống bận rộn thường ngày sau kỳ nghỉ Giáng sinh kéo dài. Hòa vào nhịp sống hối hả ấy, những người Việt xa xứ vẫn phải đi làm hay học tập mà không có ngày nghỉ, nhưng không vì thế mà làm giảm đi sự háo hức, đón chờ thời điểm chuyển giao quan trọng nhất trong năm: Tết Việt.
Không có điều kiện ở Việt Nam vào đúng dịp Tết, chị Đinh Hồng, giáo viên trường Công lập quận Gwinnett bang Georgia (Mỹ) tranh thủ trở về Việt Nam đoàn tụ gia đình và gặp gỡ bạn bè vào dịp Tết Dương lịch nhân kỳ nghỉ Đông và Giáng sinh. Sau đó, Hồng sẽ trở về Mỹ làm việc. Công việc khiến Hồng không có nhiều thời gian chuẩn bị cho Tết Việt. Nhưng dù có bận rộn đến mấy “cô giáo đến từ Việt Nam” cũng như nhiều người Việt tại Mỹ đều rất coi trọng việc giữ gìn truyền thống và bản sắc văn hóa quê hương.
Sau hai cái Tết trầm lắng vì đại dịch Covid-19, Việt kiều Mỹ háo hức được ăn Tết Việt hơn. Những khu chợ Việt đã tấp nập người mua bán vào những ngày cuối tuần. Không khó để tìm kiếm nhu yếu phẩm cho Tết Việt ở Mỹ, từ phong bao lì xì, tới nhang trầm và bánh trái.
Mỗi gia đình người Việt ở TP Atlanta, bang Georgia, nơi tập trung người Việt đông thứ hai ở Mỹ, cũng có bàn thờ gia tiên và thường nấu những món ăn cổ truyền Việt Nam nhân dịp Tết. Đi chùa vào dịp Tết cũng là phong tục tốt đẹp của cộng đồng người Việt ở Mỹ, chị Đinh Hồng chia sẻ.
Phạm Trâm, Việt kiều Australia đang sinh sống và làm việc ở Thủ đô Canberra chia sẻ: “Sinh sống ở “xứ sở Chuột túi” được khoảng 5 năm nhưng việc giữ gìn văn hóa vô cùng quan trọng. Thiếu văn hóa là thiếu đi bản sắc và độc đáo của cả một tộc người”. Do đó, gia đình Trâm cố gắng duy trì Tết Việt và những tập tục quê hương khác.
Cúng Giao thừa luôn là tập tục quan trọng mà Trâm luôn duy trì mỗi dịp Tết Nguyên đán, tuy mâm cúng đơn giản hơn rất nhiều so với ở Việt Nam nhưng luôn có bánh chưng, giò và xôi. Thêm một đĩa quả và lọ hoa. Nếu may mắn năm ấy vườn nhà có hoa và cây táo ra quả thì Trâm sẽ hái để bày lên mâm cúng cho thêm phần ý nghĩa.
Những món ăn Việt Nam tại Úc bây giờ cũng khá đầy đủ nên việc mua sắm không khó khăn lắm. Vàng mã thì khó kiếm hơn ở Canberra, nhưng dù thiếu thì chị vẫn tin rằng “tấm lòng thành mới là quan trọng”. Đêm Giao thừa, chị Trâm vẫn duy trì phong tục như đọc văn khấn, mang một xô nước vào nhà để cầu mong sự đong đầy và đun một ấm nước sôi hy vọng cho cuộc sống gia đình năm sau được ấm áp. Cuối cùng là tục xông đất mong sang năm sẽ nhiều may mắn. Tết ở xứ sở Chuột túi, chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng đôi chút hương Xuân cũng đủ ấm lòng những người con xa xứ…
Trong khi đó từ TP Strasbourg (Pháp), chị Trần Thiên Trà đã học tập và sinh sống 9 năm, phấn khởi chia sẻ, năm nay thế giới đã vận động trong trạng thái “bình thường mới” sau khoảng thời gian dài trầm lắng vì đại dịch.
Chị hy vọng người Việt Nam tại Pháp và trên thế giới sẽ đón một cái Tết đầm ấm bên người thân, bạn bè. Có rất nhiều người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại Strasbourg. Gia đình Trà hiện đang ở cùng khu vực với 5 - 7 gia đình người Việt khác. Rất may là Tết Nguyên đán 2023 sẽ rơi vào cuối tuần, nên các gia đình Việt dự định sẽ cùng tổ chức một bữa tiệc nhỏ, nấu các món ăn truyền thống của Việt Nam và đón chờ khoảnh khắc Giao thừa.
Tết năm nay, giá cả hàng tiêu dùng tại châu Âu đã tăng lên do hậu quả của đại dịch Covid-19 và chiến tranh giữa Nga và Ukraine, nên người dân gặp đôi chút khó khăn khi mua sắm tại siêu thị. Tuy nhiên, điều này không phải vấn đề quá lớn do ngành sản xuất của Pháp, đặc biệt là thực phẩm và hàng tiêu dùng, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của người dân.
“Ở Pháp, tuy vẫn có bạn bè người Việt nhưng thực sự Tết Nguyên đán ở Việt Nam vẫn là một cái gì đó rất khác. Gia đình tôi vẫn còn người thân ở Việt Nam, và chồng, con tôi vẫn luôn ngóng chờ nhiều dịp được trở lại quê hương”- chị chia sẻ.