Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ảm đạm tiêu dùng thời trang do người dân thắt chặt chi tiêu

Thùy Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người dân có những điều chỉnh đáng kể trong tiêu dùng, nhất là giảm chi khoản mua sắm thời trang. Điều này buộc các doanh nghiệp, thương hiệu thời trang phải thay đổi chiến lược để tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả hơn.

Đìu hiu không khí mua sắm

Khảo sát tại một số phố thời trang nổi tiếng tại Hà Nội như: Cầu Giấy, Chùa Bộc, Chùa Láng, Phạm Ngọc Thạch... cho thấy không khí mua sắm khá ảm đạm do người dân phải thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh suy giảm kinh tế.

Dù nhiều nhãn hàng, thương hiệu thời trang tung chương trình khuyến mãi nhưng số lượng người mua sắm khá thưa thớt. Ảnh: Thùy Dương
Dù nhiều nhãn hàng, thương hiệu thời trang tung chương trình khuyến mãi nhưng số lượng người mua sắm khá thưa thớt. Ảnh: Thùy Dương

Chị Phương Anh, chủ 1 cửa hàng quần áo trên phố Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) bộc bạch: hiện tại, mua sắm các sản phẩm thời trang không còn nằm trong danh sách ưu tiên chi tiêu của nhiều người. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến các cửa hàng thời trang nhỏ lẻ, kể cả những shop quần áo nổi tiếng cũng đang phải trải qua thời gian chật vật, khó khăn.

Còn theo anh Minh Dương chủ shop thời trang Made in Viet Nam trên phố Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa, Hà Nội), doanh thu từ đầu năm 2024 đến nay không thể so sánh với doanh thu cùng kỳ năm trước. Mặc dù đường phố lúc nào cũng đi lại đông đúc nhưng khách vào xem hàng, lựa chọn sản phẩm rất vắng. 

Nhiều khách hàng chia sẻ, do giá cả “leo thang” nên họ phải thắt chặt chi tiêu. Người tiêu dùng đành phải tìm kiếm những sản phẩm ở phân khúc giá rẻ hơn mà vẫn có chất lượng chấp nhận được trên các nền tảng thương mại điện tử. Đặc biệt, người tiêu dùng còn dễ dàng tiếp cận các ưu đãi hấp dẫn và chương trình giảm giá qua các buổi livestream”.

Chị Mai Ngọc (Thanh Xuân, Hà Nội) bộc bạch: “Thực phẩm cũng như nhiều mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng giá, chi phí cho con cái học tập khá cao nên thời gian gần đây, tôi rất hạn chế mua sắm quần áo. Nếu không phải dự buổi tiệc nào đó quan trọng thì tôi vẫn tận dụng lại những bộ trang phục cũ để tiết kiệm nhất có thể.”

Tuy nhiên, với kỳ vọng theo quy luật nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng mạnh vào dịp cuối năm nên nhiều nhãn hiệu, thương hiệu thời trang đã tung ra các chương trình khuyến mãi lớn, hấp dẫn, cùng với liên tục cập nhật xu hướng thời trang, tạo trải nghiệm mua sắm đa dạng cho khách hàng…

Chẳng hạn như bắt kịp thị hiếu các sản phẩm “trend” cho mùa Thu Đông năm nay như: áo len oversize, áo khoác lông thú, quần áo phong cách thể thao năng động… Cùng với đó, áp dụng chương trình giảm giá tới 50% nhiều sản phẩm, chính sách mua 2 tặng 1, mua 3 sản phẩm trở lên được giảm giá 30% đối với các sản phẩm cùng loại, tích điểm đổi quà…

Kích cầu tiêu dùng cách nào?

Nhiều chuyên gia nhận định, những biến động của nền kinh tế trong và ngoài nước đã tác động không nhỏ đến thị trường thời trang và xu hướng mua sắm của người dùng hiện nay. Các doanh nghiệp thời trang nội địa đang phải đối mặt với khó khăn, áp lực từ nhiều phía.

Làm sao để kích cầu tiêu dùng thời trang dịp cuối năm là bài toán khó với nhiều doanh nghiệp. Ảnh: Thùy Dương
Làm sao để kích cầu tiêu dùng thời trang dịp cuối năm là bài toán khó với nhiều doanh nghiệp. Ảnh: Thùy Dương

Sự suy giảm nhu cầu tiêu dùng, cùng với chi phí sản xuất và vận hành “leo thang”, buộc nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự và thu hẹp quy mô hoạt động. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu quốc tế và sự đổ bộ của hàng hóa giá rẻ từ các nước cũng tạo ra thách thức trong việc duy trì vị thế trên thị trường.

Trong khi đó, các doanh nghiệp vẫn phải tăng giá nhẹ các sản phẩm thời trang do áp lực lạm phát và chi phí nguyên vật liệu tăng. Các thương hiệu thời trang đang phải điều chỉnh giá bán để duy trì lợi nhuận trong bối cảnh nhu cầu mua sắm chậm lại.

Báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường NielsenIQ Việt Nam cho thấy: 50% người tiêu dùng tham gia khảo sát đã dừng mua hàng xa xỉ, tăng 8% so với quý 3 năm ngoái. Theo NielsenIQ, người tiêu dùng Việt đã quen với sự có mặt của các thương hiệu và sản phẩm mới, nhưng không mấy háo hức trải nghiệm như trước. Ngược lại, họ quan tâm hơn đến giá cả và sự thay đổi giá của các sản phẩm chọn mua.

Người tiêu dùng có xu hướng giảm chi tiêu cho quần áo, một số bộ phận khách hàng cho biết thêm họ đang cắt giảm ngân sách cho thời trang để đối phó với tình hình kinh tế khó khăn. Họ cần phải chi tiêu nhiều khoản khác cho gia đình như giáo dục, sức khoẻ; thời trang là khoản mà người tiêu dùng sẽ phải cân nhắc nếu không thực sự quá cần thiết tại thời điểm hiện tại.

Các chuyên gia của NielsenIQ cũng chỉ ra: chi tiêu của người dùng vào các sản phẩm thời trang được kỳ vọng sẽ cải thiện trong những tháng cuối năm nhưng đòi hỏi các nhãn hiệu, thương hiệu thời trang phải kích cầu tích cực hơn nữa. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thời trang cần tạo ra các chương trình thu hút khách hàng độc đáo, giá cả cạnh tranh và chất lượng ổn định hơn nữa; đặc biệt là quan tâm dịch vụ chăm sóc khách hàng, chương trình khách hàng thân thiết giúp duy trì sự tin tưởng của người tiêu dùng và doanh thu.