Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ấm lòng người dân vùng lũ Quảng Nam

Hoàng Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà cửa đổ nát, xóm làng điêu tàn, ruộng nương tan hoang, cả tính mạng của nhiều người dân miền núi Quảng Nam đã bị cuốn đi theo lũ dữ…Hiện họ đang rất cần sự chung tay giúp sức của nhiều tấm lòng thiện nguyện cả nước…

Nơi bão đi qua…

Những ngày qua, những cơn mưa nặng hạt vẫn liên tiếp đổ xuống nhiều nơi ở vùng núi cao Quảng Nam. Nơi chúng tôi đi qua vẫn ngổn ngang đất đá đổ xuống ven đường. Bao ánh mắt nhìn nhau ngơ ngác, chất chứa nhiều nỗi u buồn sau bão tan…
 Nhiều trẻ em miền núi đang thiếu sách vở đến trường.
Xã Trà Bui (huyện Bắc Trà My) những ngày sau bão vẫn ngổn ngang nhiều nỗi lo. Lo thiếu ăn, thiếu mặc, cả việc di dời, an cư cho dân. Nhưng trước hết, vẫn là chuyện miếng ăn qua ngày. Bởi, hầu hết ruộng lúa đã bị ngập úng và sạt trôi theo lũ. Ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Trà Bui cho hay: Tất cả người dân hiện nay muốn đi ra ngoài để mua nhu yếu phẩm đều phải di chuyển bằng thuyền, men theo dòng sông Tranh mới xuống được thân đập phụ của thủy điện sông Tranh 2. Việc đi lại vô cùng khó khăn, cộng với ngọn đồi đã có dấu hiệu sạt lở, nên chính quyền xã phải liên tục đến từng thôn để vận động người dân không được tự ý lên nương rẫy, gây ảnh hưởng đến tính mạng. Nhìn dòng sông Bui vẫn đục ngầu như muốn nuốt chửng những ngôi nhà ở hai bên lòng sông. Dù nó đã lấy đi khá nhiều phần đất ở dưới móng, lộ ra những khoảng sâu hoắm vào làng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Anh Nguyễn Văn Linh (thôn 4, xã Trà Bui) cho biết, “ngọn núi phía sau lưng nhà anh đã sạt xuống một mảng lớn khiến con đường đi biến thành vũng đất nhão nhoẹt. Cả đàn heo, con trâu, mấy bao lúa trong nhà đã bị cuốn đi theo dòng sông. Giờ đến Tết không biết lấy gì chi tiêu, sinh hoạt cho cả nhà 6 người”. Ông Nguyễn Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, hiện nay huyện cũng đang tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn cho xã Trà Bui. “Đặc biệt là phải ưu tiên di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đến nơi an toàn. Tìm chỗ an cư mới cho những hộ bị sạt lở. Không để bất cứ ai đói, đảm bảo đủ nhu yếu phẩm để người dân sớm ổn định cuộc sống”.

Con đường độc đạo dẫn chúng tôi qua xã Trà Don (huyện Nam Trà My) vẫn còn nhầy nhụa bùn đất. Ngôi nhà anh Võ Văn Tư (thôn 3, xã Trà Don, huyện Nam Trà My) nằm bên đường đã bị vùi lấp dưới lớp đất núi dày kia. Một chiếc bình hương được dựng tạm để hương khói cho vợ anh đã qua đời do núi sạt lở. Người qua đường, lâu lâu dừng lại thắp nén hương để ấm lòng người đã khuất. Anh Tư hiện còn đang điều trị tại bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, tâm trí vẫn chưa hết bàng hoàng sau ngày vợ anh qua đời. Chị Nguyễn Thị Minh- hàng xóm của anh Tư tâm sự, “thấy mưa lớn quá chúng tôi bàn nhau phải nhanh bỏ nhà để tạm trú nơi khác. Nhưng vợ anh Tư vẫn muốn ở lại, nhà thì không có gì quí giá nhưng do đang mang thai con nhỏ nên ngần ngại chuyện di dời. Không ngờ sau một chút chần chừ mà thân xác đã bị vùi sâu trong lớp đất núi kìa. Xóm làng đây đều điêu tàn cả, những gia đình nghèo đói may có nhiều đoàn cứu trợ đến hỗ trợ để có miếng ăn qua ngày…”
 Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã đến thăm người dân vùng lũ. Giúp họ ổn định cuộc sống sau lũ
Rời Trà Don, xe vẫn không thể về được Trà Nam, Trà Linh (huyện Nam Trà My) bởi địa hình ở đây hiểm trở, đường vào xã đang bị chia cắt bởi mưa lớn. Muốn về từng thôn của xã phải đi bộ mất hơn 5 giờ đồng hồ. Đành phải hẹn những hộ dân tại điểm chốt đầu xã để thăm hỏi cụ thể tình hình. Mà hầu như, nhà nào cũng nghèo, thiếu ăn, thiếu mặc, nên khi nhận được thông báo, cả 300 hộ dân của hai xã đã băng đường đi bộ về tận đầu chốt để được nhận quà. Theo thôn trưởng Hồ Văn Chiến (thôn 4, xã Trà Linh) thì thôn có 133 hộ, nhưng nghèo và cận nghèo chiếm gần 100 hộ. Hiện toàn bộ ruộng lúa trong thôn đã bị vùi lấp, hầu hết đều thiếu ăn, thiếu mặc. Muốn đến được quốc lộ để mua hàng hóa thì phải đi bộ gần 20km. Nên chuyện ăn uống gần như chỉ có cơm và muối trắng, rau hái được trên rừng…

Ấm lòng người dân vùng lũ

Sau những thiệt hại nặng nề do bão gây ra, cùng với quyết tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương từ tỉnh đến huyện trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Thì những tấm lòng tương thân, tương ái, sẻ chia của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh như đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin, giúp người dân và bà con dân tộc thiểu số vùng lũ từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Ông HêrBông (thôn 2, Xã Trà Đông, huyện Bắc Trà My) chia sẻ, “Rất chi là tuyệt vời, bởi vì tiền bạc chừ chưa nói, chứ dạ dày đang đói mà có được gạo ăn, có mỳ tôm, có nước mắm, có dầu ăn như thế này là quá mừng với người dân vùng lũ chúng tôi hiện nay”.

Cùng với việc khẩn trương khắc phục hạ tầng cơ sở thiết yếu, thì lãnh đạo tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các địa phương bằng mọi giá không để người dân thiếu ăn, dứt bữa, thiếu mặc sau lũ. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam, chính quyền các huyện miền núi cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, các nhà hảo tâm, băng rừng, vượt núi để mang lương thực, thực phẩm đến với người dân, từng bước chia sẻ khó khăn, giúp bà con dân tộc thiểu số gượng dậy sau cơn lũ dữ.

Ông Nguyễn Văn Hường, Chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ huyện Nam Trà My cho biết, “Nhiều đoàn đã vượt hàng trăm cây số, đường sạt lở, song họ vẫn quyết tâm về với những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để thăm hỏi, tặng quà. Dù trời những ngày qua liên tiếp mưa, đất vẫn chảy, vẫn sạt lở nhưng họ quyết tâm về cứu trợ cho bà con, mới thấy được tấm lòng nhân ái của các doanh nghiệp làm ấm lòng những người dân vùng lũ”. Đợt qua, huyện Nam Trà My cũng đã tiếp nhận hơn 2 tỷ đồng tiền cùng nhu yếu phẩm của các tổ chức hỗ trợ cho người dân vùng lũ. Ủy ban Mặt trận tỉnh cũng đã tiếp nhận hơn 8,3 tỷ đồng. Hội chữ thập đỏ tỉnh đón nhận hơn 2,4 tỷ đồng. Nhiều tổ chức, cá nhân trong tỉnh cũng đã huy động nhiều nguồn lực khác nhau để hỗ trợ kịp thời cho người dân.
 
Đại diện công ty khai thác khoáng sản Phước Minh (trụ sở huyện Phước Sơn) chia sẻ, “Công ty đã dành hơn 1 tỷ đồng để mua quà về thăm các vùng đặc biệt nhất của tỉnh Quảng Nam, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số như Ca Dong, Cor, Mơ Nông… Chúng tôi đã đến từng xã để được thăm hỏi, động viên bà con sớm ổn định cuộc sống. Nhiều nơi chúng tôi đi qua đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến đời sống người dân quá khổ”. Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết: Những ngày qua các doanh nghiệp, tổ chức đã đến với bà con miền núi với những phần quà ý nghĩa kịp thời, giúp bà con ổn định cuộc sống và từng bước khắc phụ hậu quả bão lũ. Tuy nhiên, miền núi Quảng Nam luôn gánh chịu nặng mỗi mùa bão đến. Nên đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời để làm sao đó họ gượng dậy và cố gắng hơn để ổn định đời sống trước mắt. Lâu dài cũng cần tính phương án an sinh cho người dân.

Tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra tại Quảng Nam ước tính hơn 542 tỷ đồng. Trong cuộc khảo sát kiểm tra tại các điểm sạt lở lớn tại các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu chính quyền địa phương cần phải gấp rút lên phương án cụ thể, sớm tìm được chỗ để giúp dân dựng nơi ở mới, ổn định cuộc sống. Điều chú trọng nhất vẫn là đảm bảo các điều kiện thiết yếu, cơ bản nhất để giúp họ có thể tái sản xuất, xây dựng cuộc sống mới.