Ấm lòng những suất cháo tình thương

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Từ lúc trời chưa hừng sáng, các thành viên của nhóm thiện nguyện đã tập trung, chia nhau từng phần việc để có những suất cháo điểm tâm ấm nóng, đầy đủ dinh dưỡng đến tay bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Từ tấm lòng đến tấm lòng

Nhà cách “điểm hẹn” 13km nhưng bất kể nắng mưa, đều đặn sáng Chủ nhật mỗi tuần, anh Phạm Tuấn Lâm (giáo viên trường THCS Đức Lợi, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn thức dậy thật sớm để 3 giờ khởi hành ra TP Quảng Ngãi nấu cháo từ thiện.

Anh Phạm Tuấn Lâm đã tham gia nấu cháo từ thiện gần 3 năm.
Anh Phạm Tuấn Lâm đã tham gia nấu cháo từ thiện gần 3 năm.

“Cách đây mấy năm, con của mình bị u não, phải nằm viện 96 ngày để điều trị. Những ngày tháng ấy nếm đủ bao nhiêu vất vả, âu lo… Tiết kiệm được chi phí ăn uống, sinh hoạt chừng nào tốt chừng đó, để dành tiền mà lo cho con. Cũng từ đợt đó, mới thấy rằng người ở bệnh viện dài ngày, dù là bệnh nhân hay người nhà đi chăm sóc gặp nhiều khó khăn, rất cần sự sẻ chia, hỗ trợ từ cộng đồng. Một suất cháo hay suất cơm cũng được, sẽ làm cho họ ấm lòng”- anh Lâm kể.

Cùng với anh Lâm, còn có nhiều thành viên khác của CLB Thiện nguyện Quảng Ngãi cũng tranh thủ đến nơi tập trung đã hẹn trước để bắt tay vào công việc. Người bào cà rốt, người băm thịt, người vo gạo, nổi lửa… Mỗi công đoạn đều có người phụ trách để thực hiện nhanh nhất.

“Tham gia nấu cháo hơn 2 năm rồi, mỗi lần thấy bà con nhận suất cháo ấm nóng và mỉm cười, nói lời cảm ơn lại thấy vui vẻ lạ thường. Góp một chút công sức thì có đáng gì”- chị Nguyễn Thị Loan (phường Nghĩa Chánh – TP Quảng Ngãi) cho hay.

Sáng sớm mùa đông trời buốt lạnh, rỉ rả mưa phùn, các thành viên vẫn thoăn thoắt làm việc. Các nguyên liệu của 4 nồi cháo cỡ lớn nhanh chóng được chuẩn bị xong. Khoảng hơn 1 tiếng sau, cháo chín nhừ, mùi thơm ngào ngạt bốc lên, lan khắp khu phố nhỏ. Các thành viên lại khẩn trương chia thành từng suất ăn, cho vào thùng giữ nhiệt.

Cháo được cho vào thùng giữ nhiệt và vận chuyển đến bệnh viện.
Cháo được cho vào thùng giữ nhiệt và vận chuyển đến bệnh viện.

Đúng 6 giờ, hơn 600 suất cháo được đưa lên xe bán tải, chở đến Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi và Bệnh viện Y học cổ truyền Quảng Ngãi để tặng cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Cầm suất cháo nóng hổi trên tay, ông Nguyễn Thành Đô (67 tuổi, xã Tịnh Châu, TP Quảng Ngãi) chậm rãi mang lên phòng bệnh, bón từng thìa cho bà Nguyễn Thị Đào (63 tuổi). Bà Đào là vợ ông Đô, nằm điều trị ở Bệnh viện Y học cổ truyền Quảng Ngãi ngót nghét 4 tháng liền vì bị tai biến.

Ông Nguyễn Thành Đô bón cháo cho vợ.
Ông Nguyễn Thành Đô bón cháo cho vợ.

“Hoàn cảnh khó khăn nên nhận được cháo vui lắm. Năm ngoái bà ấy còn nằm cả năm trời, rất tốn kém. Ngày nào nhận được suất cháo từ thiện thì đỡ được bớt phần chi phí cho ăn sáng, nếu không có thì phải đi mua” - ông Đô trải lòng.

Lan tỏa yêu thương

Theo anh Phan Duy Nhật - Chủ nhiệm CLB Thiện nguyện Quảng Ngãi, CLB đã hình thành hơn 10 năm với 50 thành viên, thường xuyên hỗ trợ gạo ăn, bánh cho ác gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn. 3 năm gần đây, đều đặn vào chủ nhật mỗi tuần, bất kể thời tiết nắng mưa, các thành viên trong CLB nấu cháo cấp miễn phí cho người nghèo, bệnh nhân tại Bệnh viện Sản - Nhi và Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. 

Cháo được cấp miễn phí cho người nghèo, bệnh nhân tại Bệnh viện Sản - Nhi và Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Quảng Ngãi.
Cháo được cấp miễn phí cho người nghèo, bệnh nhân tại Bệnh viện Sản - Nhi và Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Quảng Ngãi.

“Thành viên CLB nhiều nghề nghiệp khác nhau: Ngân hàng, giáo viên, kinh doanh, sinh viên… nhưng các bạn đều tranh thủ thời gian để tham gia, vất vả một chút, nhưng ai cũng vui vì mang đến cho những người khó khăn hơn mình những điều tốt đẹp hơn” - anh Nhật chia sẻ.

Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 30 mô hình, đội nhóm, CLB từ thiện, mỗi mô hình có từ 15 - 50 thành viên. Tiêu biểu như: Hội thiện nguyện Từ Tâm, CLB Thiện nguyện Vòng tay ấm, CLB Dấu ấn trái tim, Nhóm thiện nguyện xã hội 76... Mỗi đội, nhóm, CLB từ thiện có những quy chế hoạt động, hình thức giúp đỡ, đối tượng hướng đến khác nhau, song đều có chung tinh thần “cho đi” và mong muốn qua những việc mình làm lan tỏa yêu thương đến những đối tượng yếu thế.

Các hoạt động thiện nguyện có mục đích chính là hỗ trợ, lan tỏa yêu thương đến những đối tượng yếu thế.
Các hoạt động thiện nguyện có mục đích chính là hỗ trợ, lan tỏa yêu thương đến những đối tượng yếu thế.

Ông Nguyễn Văn Danh - phó Chủ tịch phụ trách Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi cho biết, các mô hình, tổ chức từ thiện đã góp phần đẩy mạnh công tác nhân đạo trong cộng đồng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, kịp thời, đúng đối tượng, thể hiện tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”. 

Tuy nhiên, theo ông Danh, việc quan trọng nhất trong công tác từ thiện nhân đạo là giúp đỡ đúng đối tượng; đồng thời, phải mang tính lâu dài để thay đổi hoàn cảnh hiện tại; đảm bảo sự trung thực và công bằng giữa nhưng người khó khăn với nhau.

“Hiện nay, phần lớn các hội, nhóm thiện nguyện đều mang tính tự phát, vì vậy, cần có sự quản lý chặt chẽ từ chính các thành viên trong nhóm để định hướng việc làm nhân đạo. Ngoài ra, cần có sự giám sát, lựa chọn đối tượng từ phía các cơ quan Nhà nước và phải đánh giá được sự thay đổi sau khi nhận hỗ trợ. Có như vậy, công tác từ thiện nhân đạo mới có thể tạo được sự bền vững và thu hút thêm nhiều người tham gia” - ông Danh nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần