Theo các chuyên gia, ăn cơm nguội, dù là về cảm quan không hề có dấu hiệu biến chất, chua, thiu, và dù đã được rang hoặc hâm nóng lại vẫn có thể gây ngộ độc thực phẩm với các biểu hiện điển hình là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mệt mỏi. Thời gian để cơm nguội ở nhiệt độ thường trong phòng càng dài thì lượng độc tố và vi khuẩn càng phát triển nhiều. Dù có rang hoặc hâm lại cơm cũng không thể loại bỏ được các độc tố này, cũng như không tiêu diệt được vi khuẩn.
Điều nguy hiểm là nhiều khi cơm nguội để trong tủ lạnh lấy ra vẫn như mới, không có mùi chua, thiu gì nên nhiều người nội trợ thường chủ quan. Do đó, cứ để dồn lại trong tủ lạnh, thậm chí mấy ngày rồi hấp, chiên lại. Nhiều trường hợp ngộ độc do cơm nguội lại nghĩ rằng nguyên nhân là thức ăn.
Cơm càng để lâu càng dễ ngộ độc
|
Theo Ths.bs Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu A9 BV Bạch Mai, cơm nguội hâm nóng có thể gây ngộ độc thực phẩm, nhưng cần phải lưu ý rằng nguyên nhân ngộ độc ở đây không phải là do việc hâm nóng mà là do cách thức bảo quản cơm trước khi hâm nóng chưa đúng cách.
Bs Chính cũng cho rằng, thông tin liên tục ăn cơm nguội hâm nóng gây ung thư dạ dày chưa thực sự xác đáng vì đối với người Việt Nam, thói quen ăn cơm nguội hâm nóng rất phổ biến và chưa ghi nhận trường hợp nào bị ung thư dạ dày vì ăn cơm nguội hâm nóng.
Tuy nhiên, thời gian để cơm nguội càng dài, độc tố càng sản sinh ra nhiều. Nguyên nhân là do thành phần chủ yếu của cơm là tinh bột, khi tinh bột được làm nóng đến 60 độ C trở lên sẽ dần dần nở ra cuối cùng biến thành dạng bột hồ, quá trình này gọi là “hồ hóa tinh bột”, sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tiêu hóa.
“Hiện nay, chắc chắn không ai có thể thường xuyên ăn được cơm nguội để lâu đến nỗi biến thành dạng bột hồ như vậy vì mùi và vị của nó rất kinh khủng. Nếu cần cảnh báo thì mình nghĩ điều cần cảnh báo hơn là gạo và các sản phẩm từ gạo có thể chứa các độc tố như arsenic được tìm thấy trong gạo và các sản phẩm của gạo với nồng độ rất cao tại Mỹ vào năm 2013 gây ung thư”, Bs Chính nêu quan điểm.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cơm nguội an toàn và không có khả năng gây ngộ độc nếu cơm được nấu chín và để nguội trong vòng 24 giờ. “Cơm nguội không thể gây ngộ độc nếu cơm chưa bị thiu, biến chất. Do vậy, nếu cơm đã bị biến chất thì không nên ăn và trên thực tế không ai ăn cơm thiu cả”, ông Thịnh nói.
Cũng theo ông Thịnh, tình trạng sử dụng cơ nguội để chiên rang ở các cửa hàng ăn uống là rất phổ biến, việc họ có sử dụng cơm nguội lâu ngày hay không khó mà kiểm chứng được. Do vậy, việc ăn cơm rang thường xuyên là điều không nên vì thực tế cơm rang cùng dầu mỡ có thể gây những triệu chứng khó tiêu cho người sử dụng, chưa kể việc bảo quản cơm nguội và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ở những quán cơm bình dân còn rất nhiều vấn đề cần phải được lưu tâm.
Theo BS Lương Quốc Chính, cơm nguội hâm nóng gây ngộ độc thực phẩm là do cơm (gạo) chưa nấu có thể chứa các bào tử của Bacillus cereus, một vi khuẩn có thể gây ngộ độc thực phẩm. Khi cơm được nấu chín, các bào tử này vẫn có thể sống sót.
Nếu cơm để ở nhiệt độ phòng, các bào tử có thể phát triển thành vi khuẩn. Các vi khuẩn này sẽ nhân lên và có thể sản xuất ra các chất độc (nội độc tố) gây nôn và tiêu chảy. Bên cạnh đó cơm nấu đã lâu (cơm nguội) để ở nhiệt độ phòng thì càng có nhiều khả năng không an toàn khi ăn do vi khuẩn hoặc nội độc tố. “Nếu ăn phải cơm có chứa vi khuẩn Bacillus cereus thì bạn có thể buồn nôn và nôn hoặc tiêu chảy sau khoảng từ 1 đến 5 giờ. Triệu chứng tương đối nhẹ và thường kéo dài khoảng 24 giờ”, Bs Chính cho biết.
Do đó để tránh bị ngộ độc, nên ăn cơm ngay khi nó được nấu chín, nếu không thể được, làm nguội cơm càng nhanh càng tốt, tốt nhất trong vòng một giờ. Bảo quản cơm trong tủ lạnh không quá hơn một ngày cho tới khi được hâm nóng lại. Khi bạn hâm nóng bất kỳ loại cơm nào, luôn nhớ kiểm tra xem đĩa cơm có bốc hơi nóng lên không. Đặc biệt chú ý, không hâm nóng cơm nguội nhiều hơn một lần, Bs Chính khuyên.