Kinh tế phát triển, Nhà nước mới có điều kiện chăm lo đời sống cho dân, trước hết là ăn rồi đến ở. Dân ở đây là người lao động có thu nhập thấp. Chủ trương xây dựng Nhà ở xã hội nói cách khác là nhà giá rẻ dành cho người có thu nhập thấp, chính là thể hiện tính XHCN của nền kinh tế thị trường.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, đến nay, cả nước đã đưa vào sử dụng 3,7 triệu mét vuông nhà ở xã hội (NƠXH), góp phần giải quyết chỗ ở cho gần 500.000 người thu nhập thấp, công nhân lao động tại đô thị. Trong đó, từ năm 2009 đến nay, cả nước đã xây dựng 179 dự án, với khoảng 71.150 căn hộ, tương đương với khoảng 3,7 triệu mét vuông, tổng mức đầu tư khoảng 25.900 tỷ đồng (gồm 97 dự án NƠXH cho công nhân KCN; 82 dự án NƠXH cho người thu nhập thấp. Các địa phương đang tiếp tục triển khai 191 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 163.800 căn hộ; tổng mức đầu tư khoảng 71.800 tỷ đồng. Tuy vậy, vẫn theo ông Phạm Hồng Hà, tốc độ trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa đạt chỉ tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Cụ thể, với mục tiêu đề ra trong chiến lược (khoảng 250.000 căn hộ), song đến thời điểm này, mới giải quyết được khoảng 28%.
Với Hà Nội, một TP đang phát triển, nhu cầu về nhà ở còn nóng hơn. Đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội đã hoàn thành 36 dự án, với hơn 1,3 triệu mét vuông sàn xây dựng, giải quyết chỗ ở cho 11.800 hộ gia đình - được đánh giá là địa phương dẫn đầu cả nước trong xây dựng NƠXH. Giai đoạn 2016 - 2020, TP sẽ triển khai 40 dự án, với khoảng 3,2 triệu mét vuông sàn xây dựng; trong đó, có 6 dự án nhà ở công nhân tại KCN Thạch Thất – Quốc Oai và KCN Phú Nghĩa nhưng vẫn còn cả triệu nhu cầu về NƠXH chưa thể đáp ứng và số này càng ngày càng tăng lên. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng đó do đời sống ngày càng được cải thiện, nhu cầu nhà ở ngày một tăng cao; TP tăng nhanh dân cư cơ học vượt khả năng cung cấp nhà ở nhưng nguyên nhân trực tiếp, ai cũng thấy là do mâu thuẫn người cần nhà lại không đủ tiền, người có tiền thì không cần nhà, nếu có mua thì để dự phòng hoặc đầu tư thu lãi. Để hỗ trợ người nghèo, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi trong thủ tục hành chính, lãi suất ngân hàng, quỹ đất, thuế đất nhưng do lãi suất chưa đáp ứng, thủ tục còn rườm rà, chất lượng đòi hỏi cao như nhà thương mại, sản phẩm ứ đọng, nên nhà đầu tư không mặn mà, tiến độ chậm
NƠXH là vấn đề của xã hội, không tách rời thị trường. Dù là vấn đề chiến lược hàng đầu và lâu dài, được Đảng và Nhà nước rất chú trọng, nhưng NƠXH cũng phải có hạ tầng đồng bộ, thuận tiện làm ăn, chất lượng tương đương với các nhà theo diện thương mại hiện nay và vừa túi tiền của người nghèo và nhà đầu tư phải có lãi. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, về NƠXH, Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm) được coi là điển hình. Khu đô thị này hiện có 3.483 căn hộ, do Tổng Công ty Viglacera làm chủ đầu tư, được xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội, nhưng giá bán chỉ từ 8,68 triệu đồng/m2, phù hợp với khả năng tài chính của người có thu nhập thấp. Nhưng không phải nơi nào cũng làm được như Đặng Xá. Vì vậy, để các dự án triển khai hiệu quả và theo kịp Đặng Xá, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng kiến nghị cho phép thực hiện cơ chế thu bằng tiền với diện tích đất (20% quỹ đất ở) dành xây dựng NƠXH tại các dự án nhà ở thương mại có quy mô trên 10ha, để tập trung vốn tạo quỹ đất sạch và đầu tư xây dựng trường học, nhà trẻ công lập tại các khu NƠXH tập trung, có như thế việc xây dựng NƠXH mới được tháo gỡ, có điều kiện phát triển.
Xin đóng góp một khía cạnh về hỗ trợ tài chính, kinh nghiệm một số quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á (Singapore, Philippines, Malaysia) trong giải quyết nhu cầu nhà ở trong khi ngân sách thiếu vốn là Nhà nước mời gọi các DN có vốn ứng trước xây dựng nhà, sau đó bán lại cho Nhà nước theo hình thức trả chậm. Cách làm này như một dạng "phát hành công trái, trái phiếu dạng hẹp". Có như vậy, người thu nhập thấp khi mua nhà ở không lao đao, dồn hết tiền bạc tích lũy, vay mượn mà có thể yên tâm đầu tư vào các mục đích sản xuất, phục vụ xã hội. Phương thức này sẽ huy động mọi thành phần đối tượng cùng nêu cao trách nhiệm tham gia giúp đỡ các đối tượng thu nhập thấp từng bước ổn định và dần cải thiện đời sống, thực hiện quyền có nhà ở như pháp luật quy định.
Mặt khác, chính những người có nhu cầu về nhà ở cũng tự mình phải nỗ lực để có việc làm ổn định, xây dựng kế hoạch tích lũy cho mình bởi Nhà nước chỉ giúp khi họ có một phần vốn đối ứng. Giải quyết nhà ở phải cần cả Nhà nước, các ngành, DN và chính những người có nhu cầu nhà.