70 năm giải phóng Thủ đô

Ẩn họa cháy nổ trong mùa nắng nóng

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hiện nay, đang trong cao điểm nắng nóng, nguy cơ cháy nổ tiểm ẩn rất lớn. Theo các chuyên gia, vào mùa Hè lượng tiêu thụ điện tăng vọt dễ dẫn tới quá tải hệ thống điện trong mỗi gia đình khiến xảy ra chập cháy hiện hữu, đặc biệt là hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh trong khu dân cư…

 Hiện trường vụ cháy tại cửa hàng kinh doanh thiết bị điện ở đường Phú Diễn, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm.
Tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp
Thời gian vừa qua trên địa bàn cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng xảy ra nhiều vụ cháy. Trong đó, nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra tại nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, lẻ nằm trong khu dân cư, làm chết và bị thương nhiều người… Theo thống kê, số vụ cháy xảy ra tại các hộ gia đình và khu dân cư chiếm gần 80% trong tổng số các vụ cháy trên toàn TP Hà Nội. Điều này cho thấy, tình hình cháy nổ vẫn đang diễn biến phức tạp.
Mới đây, vụ cháy xảy ra vào khoảng 3 giờ 19 phút sáng ngày 1/6/ tại gian hàng kinh doanh thiết bị điện nước của ông Lê Doãn Diễn. Khu vực xảy ra cháy là gian hàng kinh doanh thiết bị điện nước bên ngoài tầng 1 ngôi nhà 4 tầng tại địa chỉ: số 203A đường Phú Diễn, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Vụ cháy người khiến 2 người bị thương là ông Diễn và bà Nhinh, 2 xe máy cùng nhiều vật dụng tài sản bị thiêu rụi.
Ngay trước đó, rạng sáng 31/5, một đám cháy lớn tại nhà số 16A Nguyễn Thiện Thuật, phường 2, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Thời điểm cháy trong căn nhà có 4 người bị mắc kẹt. Căn nhà lại khóa bằng cửa cuốn. Do đó, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH phải dùng thiết bị phá dỡ và máy cắt để phá cửa, dùng 2 thang chuyên dụng tiếp cận lên lầu căn nhà cứu 4 người ra ngoài và đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên sau đó, 2 nạn nhân tử vong. Nạn nhân được xác định là N.H.V (SN 1948) và N.V.Đ.N (SN 1989). Hai người còn lại là N.T.K.C (SN 1987) và bé N.V.T.T (SN 2017) được điều trị tại bệnh viện. Căn nhà cháy gồm 1 trệt, 2 lầu, đám cháy làm thiệt hại toàn bộ lầu 1 diện tích 84m2.
 Vụ cháy tại nhà số 16A Nguyễn Thiện Thuật, phường 2, quận 3, TP Hồ Chí Minh khiến 2 người tử vong.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, do nhu cầu về sinh hoạt, phát triển kinh tế, số lượng hộ gia đình sử dụng nhà ở, kết hợp kinh doanh, sản xuất chiếm số lượng lớn. Trong khi đó, các hộ gia đình xây dựng chỉ với mục đích để ở, sau đó chuyển đổi kết hợp kinh doanh, sản xuất nên các điều kiện về PCCC như giao thông, khoảng cách, nguồn nước, giải pháp thoát nạn, ngăn cháy, sử dụng điện không đảm bảo, đồng thời thường xuyên tồn chứa các loại đồ dùng, vật dụng, hàng hóa, sản phẩm dễ cháy, do đó tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao; khi xảy ra cháy, nổ có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Theo chuyên gia thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an TP Hà Nội, thời tiết làm cho những cỗ máy lạnh ở mọi gia đình, công sở, quán ăn… phải hoạt động công suất cực lớn ngay từ đầu giờ sáng mỗi ngày và kéo dài cho đến lúc tan ca. Trong các gia đình, thời điểm tan ca làm việc cũng là lúc mọi nhà bắt đầu hoạt động hết công suất các loại máy làm mát, trong đó có quạt điện và điều hòa không khí. So với mùa đông thì mùa hè việc tiêu thụ điện trong mỗi gia đình gia tăng có thể gấp 2 đến 4 lần. Sự đồng loạt tiêu thụ nguồn điện năng của thành phố là nguy cơ tiềm ẩn cháy, nổ từ những trụ biến áp và đường dây. 
“Cháy, nổ hệ thống điện có nhiều nguyên nhân nhưng việc dùng quá tải và hệ thống dây dẫn không đủ công suất sẽ nung nóng lõi đồng khi tiêu thụ điện. Chính vì thế việc công suất hệ thống thiết bị tiêu thụ luôn phải đảm bảo đồng nhất với hệ thống dây dẫn và có lắp đặt công tắc ngắt tự động khi có sự cố chập điện”, vị chuyên gia cho hay.
Ý thức chủ quan của người dân dẫn đến hậu quả nghiêm trọng
Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho hay: Mùa nắng nóng thường xảy ra nhiều vụ cháy, trong đó có sự cố chập cháy điện. Do nguyên nhân các thiết bị sử dụng quá công suất kéo dài thời gian, dẫn đến thiết bị không đủ tuổi thọ bị chập cháy. Cùng với đó, nguồn điện mùa hè sẽ kém ổn định do lượng tiêu thụ lớn cùng thời điểm, nên thiết bị kém chất lượng dễ cháy hơn.
Trong đời sống hàng ngày, nhiều gia đình hiện nay thường sạc xe đạp điện trong đêm, để cùng với các loại xe máy có xăng trong nhà và nhiều trường hợp do hệ thống kim khóa xăng tự động của xe máy bị kẹt dẫn đến tràn xăng ra sàn, khi đó cục sạc đầy pin nhưng không ngắt điện dẫn đến nung nóng và nổ, gặp hơi xăng bùng cháy lớn. Trong trường hợp này, nếu có thiết bị báo cháy thì sẽ kịp thời phát hiện để thoát nạn, hoặc nếu còn bình tĩnh tiếp cận dập lửa khống chế ngay vụ cháy.
Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn một số người dân sự tuân thủ về PCCC còn chưa cao, nhiều người chủ quan lơ là để đồ dùng, hàng hóa dễ cháy ở nơi đun nấu. Thậm chí, nhiều người vẫn có thói quen dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà nhưng không cẩn thận kiểm tra độ kín thường xuyên, dẫn đến hở hơi xăng, dầu và gặp tia lửa điện xảy cháy… 
 Hiện nay vẫn còn một số người dân sự tuân thủ về PCCC còn chưa cao, nhiều người chủ quan lơ là để đồ dùng, hàng hóa dễ cháy ở nơi đun nấu, cửa thoát hiểm... dẫn đến khi xảy ra cháy nguy cơ thiệt hại lớn về người và tài sản.
Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết: Ở các khu dân cư đông đúc tại Hà Nội có không gian sống rộng rãi, thoáng đãng không đơn giản, nhưng chính sự chật chội hạn chế của không gian lại cần phải có sự ngăn nắp, sắp xếp các thiết bị trong nhà để tránh những tai họa khi vụ cháy xảy ra. Những ngôi nhà chật hẹp lại thường chất nhiều đồ đạc, lối thoát nạn bị bịt kín mỗi khi về đêm bởi dồn tất cả phương tiện xe máy, ô tô vào trong nhà rồi hạ cửa kín bưng. Khi xảy ra cháy thì hoảng loạn, điện mất không biết thoát vào đâu và cũng không có gì để đối phó, dù chỉ là chiếc bình chữa cháy xách tay. Chính sự chậm chễ trong khâu xử lý là nguyên nhân dẫn đến cháy lan, cháy lớn.
Cũng theo Đại tá Trần Ngọc Dương, mặc dù trong các cuộc tuyên truyền, khuyến cáo người dân về công tác PCCC, các CBCS Công an Hà Nội đã phân tích tầm quan trọng và sự cần thiết của việc có bình chữa cháy trong nhà là cách tự cứu mình... Tuy nhiên, trong cuộc điều tra xã hội học mới nhất của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an TP Hà Nội cho thấy, số gia đình tự trang bị, mua sắm thiết bị PCCC trong gia đình chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Muốn hạn chế tối đa số vụ cháy xảy ra, hơn bao giờ hết ý thức tự phòng của người dân phải được nâng lên. Việc mua sắm các trang thiết bị PCCC cho gia đình, cơ quan, xí nghiệp... là rất cần thiết.

Để đảm bảo an toàn PCCC, thời gian qua, các lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an Hà Nội đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp, trong đó khuyến cáo:

Không nên sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp... để ốp tường, trần, vách ngăn của nhà, nhằm hạn chế cháy lan. Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Nếu dùng bếp gas phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn gas, khi đun nấu xong phải tắt bếp và đóng van xả gas. Khi đun nấu phải có người trông coi cẩn thận, tắt bếp trước khi làm việc khác...

Đối với các thiết bị điện, phải lắp những thiết bị tự ngắt (aptomat) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, nhánh và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn, không để hàng hoá dễ cháy gần bóng điện, ổ cắm, cầu dao, chấn lưu đèn nê ông...
Khi lắp đặt hệ thống điện, các thiết bị tiêu thụ và bảo vệ điện phải tính toán, thiết kế theo đúng quy định về an toàn điện và PCCC, không được dùng nhiều dụng cụ tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn và không dùng dây dẫn có tiết diện nhỏ cho các thiết bị có điện công suất lớn, tránh trường hợp quá tải gây cháy, nổ xảy ra.
Trước khi ra khỏi nhà, hoặc trước khi đi ngủ, đi làm phải kiểm tra nơi đun nấu, thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết. Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can tại các nhà nhiều tầng…
Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khoá cửa phòng của những người nêu trên.
Trang bị dụng cụ trữ nước, xô thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy, trang bị bình chữa cháy và hướng dẫn cho mọi người trong gia đình phải biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị…
Khi cháy, nổ xảy ra phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn, đồng thời báo cho mọi người xung quanh để kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo số máy 114.