Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ăn, ngủ cùng SEA Game 31

Ngọc Tú - Mộc Miên - Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 19 năm, Việt Nam lần thứ hai đăng cai tổ chức một kỳ SEA Games, trong đó Hà Nội là địa điểm tổ chức chính, diễn ra lễ khai mạc, bế mạc và gần 20 môn thi đấu.

Trong hơn hai tuần diễn ra đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã miệt mài ăn, ngủ cùng SEA Games 31 để mang đến cho bạn đọc những thông tin nóng hổi nhất.

Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tác nghiệp tại Trung tâm báo chí SEA Games 31. Ảnh: Hoàng Quân  
Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tác nghiệp tại Trung tâm báo chí SEA Games 31. Ảnh: Hoàng Quân  

Chạy đua cùng thời gian

Sau khoảng 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Việt Nam tổ chức kỳ SEA Games 31 thành công đã gây ấn tượng mạnh với bạn bè trong khu vực. Cùng với Ban Tổ chức, đội ngũ phóng viên Việt Nam đã phải chạy đua với thời gian để tác nghiệp từ trước, trong và sau SEA Games 31 bởi yêu cầu cập nhật thông tin.

Không giống như các giải đấu bóng đá, bóng chuyền, cầu lông… SEA Games 31 là Đại hội thể thao tổ chức tới 40 môn thi đấu. Điều này đồng nghĩa phóng viên cần phải có kế hoạch chi tiết để có phương án tác nghiệp tốt nhất, cập nhật thông tin nhanh nhất, đầy đủ nhất cho người hâm mộ.

Hơn 10 ngày “ăn - ngủ” với các môn thi đấu trong khuôn khổ SEA Games 31 đã cho chúng tôi những bài học quý giá với nghề, từ việc xác định đề tài, bộ môn có gì đặc biệt và khả năng Việt Nam giành Huy chương Vàng hay không, cho đến chuẩn bị đồ tác nghiệp.

Mỗi sự kiện đều để lại những kỷ niệm đáng nhớ khi tham gia tác nghiệp. Với SEA Games 31, khoảnh khắc đáng nhớ với mỗi phóng viên tác nghiệp là hình ảnh cờ đỏ sao vàng ngập tràn trên các khán đài, tiếng hò reo cổ vũ náo nhiệt không chỉ cho vận động viên Việt Nam mà còn cả vận động viên đoàn thể thao các nước khác; là những giây phút thi đấu thăng hoa của vận động viên; là nụ cười rạng rỡ của người giành chiến thắng hay những giọt nước mắt tiếc nuối của vận động viên thất bại…

Đối với mỗi phóng viên, được tham gia tác nghiệp trong một sự kiện thể thao lớn của khu vực, truyền tải những thông tin nóng hổi, cập nhật từng tấm huy chương đến độc giả, khán giả là những trải nghiệm vô cùng quý giá trong nghề. Đặc biệt, khi SEA Game được tổ chức trên sân nhà, nhiều môn thể thao mới, lạ chưa phổ cập với số đông công chúng cũng đòi hỏi phóng viên phải tìm hiểu, trau dồi kiến thức để truyền đạt, lan tỏa tới người dân.

Căng mình cùng nhịp đập SEA Games 31

Là phóng viên Tổ Văn xã, Ban Pháp luật và Xã hội, phụ trách các mảng giải trí, văn hóa nhưng khi được Ban Biên tập phân công theo dõi và đưa tin sự kiện SEA Games 31, tôi - “lính” văn hóa sẵn sàng “xuất trận”. Ngay từ giữa tháng 4, các hoạt động du lịch Hà Nội chào đón SEA Games 31, cuộc phỏng vấn với kiếm thủ Vũ Thành An, “nữ hoàng tốc độ” Quách Thị Lan, HLV điền kinh Nguyễn Mạnh Hiếu cùng nhiều sự kiện văn hóa, thể thao khác tại Hà Nội được đăng tải, cập nhật.

Phóng viên Tổ Văn xã, Ban Pháp luật và Xã hội.
Phóng viên Tổ Văn xã, Ban Pháp luật và Xã hội.

hội SEA Games 31 chính thức khai mạc, tôi đã có những ngày sống đúng nghĩa với nhịp đập thể thao, từ những lo lắng khi lần đầu tác nghiệp sự kiện thể thao lớn nhất khu vực và cả áp lực gửi thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất tới bạn đọc. Điện thoại, máy tính luôn để tình trạng online. Bởi, nhiều bộ môn thi đấu buổi tối, công bố kết quả vào tối muộn, đòi hỏi phóng viên phải viết bài gửi ngay.

Những ngày sống trong không khí thể thao, tôi nhớ nhất về hình ảnh các cổ động viên trong trang phục màu áo cờ đỏ sao vàng nhuộm đỏ Sân vận động Cẩm Phả (Quảng Ninh), Sân vận động Việt Trì (Phú Thọ) cổ vũ cho đội nhà. Những tiếng hô vang “Việt Nam vô địch”, những câu hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”… trên khán đài như tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho các cầu thủ thi đấu trên sân vì màu cờ sắc áo, mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Vừa đảm nhận vai trò “trực chiến” ngồi gõ bài bất cứ thời gian nào, tôi còn tác nghiệp tại các điểm đến du lịch Hà Nội chào SEA Games 31. Ghi nhận tại các điểm du lịch như di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, làng gốm Bát Tràng, phố cổ Hà Nội… với nhiều tour ưu đãi, vé tham quan miễn phí dành cho các vận động viên, đoàn thể thao các nước.

Những ngày căng mình để hoàn thành nhiệm vụ, áp lực xen lẫn niềm tự hào khi cùng với đồng nghiệp báo Kinh tế & Đô thị, đóng góp vai trò “đại sứ văn hóa” trong sự kiện thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Cuộc phỏng vấn đặc biệt với người hùng điền kinh Timor Leste

Theo dõi SEA Games 31, hình ảnh vận động viên điền kinh Felisberto de Deus cầm lá quốc kỳ Việt Nam ăn mừng khi xuất sắc giành Huy chương Bạc lịch sử cho đoàn thể thao Timor Leste ở nội dung chạy 10.000m nam là khoảnh khắc ấn tượng nhất với tôi cũng như rất nhiều khán giả Việt Nam. Hình ảnh này nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt. Trên khắp các diễn đàn, ai ai cũng bàn luận và dành nhiều lời khen cho chàng vận động viên trẻ người Timor Leste.

Ăn, ngủ cùng SEA Game 31 - Ảnh 1

Trước đó hai ngày, vận động viên 23 tuổi cũng đã mang về tấm Huy chương Bạc ở nội dung chạy 5.000m nam, đây cũng là tấm huy chương đầu tiên của Đoàn thể thao Timor Leste ở SEA Games 31. Hành trình vượt khó, nỗ lực tập luyện, thi đấu để chạm tới đỉnh cao vinh quang của Felisberto de Deus đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.

Ăn, ngủ cùng SEA Game 31 - Ảnh 2

Qua một số đầu mối liên hệ, nhóm phóng viên Kinh tế & Đô thị đã nhận được lời đồng ý phỏng vấn của Felisberto de Deus ngay tại sảnh Khách sạn Daewoo nơi Đoàn thể thao Timor Leste lưu trú. Sau chút bỡ ngỡ ban đầu, Felisberto de Deus khá cởi mở trò chuyện với chúng tôi về cảm xúc khi giành được 2 tấm Huy chương Bạc lịch sử cho thể thao Timor Leste cũng như hoàn cảnh gia đình, những câu chuyện về cuộc sống, quá trình tập luyện…

Đặc biệt, chúng tôi cảm thấy vô cùng may mắn khi sau cuộc phỏng vấn, dù rất bận rộn với lịch trình hoạt động của Đoàn thể thao nước nhà nhân kỷ niệm Ngày Quốc khánh Timor Leste (20/5), Felisberto de Deus vẫn dành cho phóng viên Kinh tế & Đô thị một buổi lang thang Hồ Tây, khám phá Hà Nội. Nói may mắn là bởi báo Kinh tế & Đô thị là tờ báo duy nhất Felisberto de Deus nhận lời cùng đi trải nghiệm, khám phá Hà Nội.

Lang thang cà phê cùng Felisberto de Deus, cùng chàng vận động viên xuống đường, dạo ngắm Hồ Tây, chúng tôi khai thác thêm được những câu chuyện thú vị về người hùng điền kinh Timor Leste cũng như càng ấn tượng hơn về nghị lực, ý chí quyết tâm của cậu thanh niên sinh năm 1999 này. Tác phẩm Emagazine “Người hùng điền kinh Timor Leste: Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi” trên báo Kinh tế & Đô thị ra đời ngay sau đó đã tạo được hiệu ứng tốt trong bạn đọc, được chia sẻ trên khắp các diễn đàn.

Đặc biệt, nhóm phóng viên Kinh tế & Đô thị còn chuẩn bị những món quà nhỏ mang đậm nét văn hóa Hà Nội cũng như Việt Nam như nón lá, ô mai, cờ đỏ sao vàng để tặng Felisberto de Deus. Nhận được những món quà này, vận động viên người Timor Leste vô cùng xúc động.

Trong hành trình lên máy bay trở về nước sau khi SEA Games 31 kết thúc cũng như trở lại nhịp sống thường ngày, chiếc nón lá, cờ Tổ quốc Việt Nam vẫn luôn đồng hành Felisberto de Deus gây xúc động mạnh cho người hâm mộ Việt Nam. Và với chúng tôi, đó là những kỷ niệm đẹp không bao giờ quên khi có thêm người bạn mới thú vị và góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.