Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

An ninh hàng không: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong giao thông vận tải, hàng không là lĩnh vực có yêu cầu cao nhất và khắt khe nhất về an ninh, an toàn.

Công tác kiểm soát an ninh tại các sân bay luôn được thắt chặt với nhiều vòng kiểm tra gắt gao cùng sự trợ giúp của hệ thống thiết bị soi chiếu hiện đại. Bởi chỉ cần bất cứ một sơ suất dù nhỏ khiến an ninh hàng không, an toàn bay bị đe dọa thì hậu quả xảy ra sẽ không thể nào đong đếm hết được.

Hình ảnh vụ một hành khách sử dụng con dao dài từ 18 - 20cm dùng để gọt hoa quả khi đang đi trên chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội.
Hình ảnh vụ một hành khách sử dụng con dao dài từ 18 - 20cm dùng để gọt hoa quả khi đang đi trên chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, liên tiếp những tình huống đe dọa an ninh hàng không, an toàn bay đã xảy ra tại sân bay hoặc trên chuyến bay đang cất cánh khiến công tác kiểm soát an ninh sân bay bị đặt một dấu hỏi lớn. Điển hình là vụ một cô gái đang nhảy múa và được người bạn đi cùng dùng điện thoại quay ngay tại khu vực từ xe cobus lên cửa máy bay gây xôn xao mạng xã hội.

Hay mới nhất là vụ một hành khách sử dụng một con dao dài từ 18 - 20cm dùng để gọt hoa quả khi đang đi trên chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Chứng kiến tình huống này, dư luận không khỏi rùng mình và đặt câu hỏi không hiểu vì sao con dao kia có thể lọt qua hàng loạt hàng rào kiểm tra an ninh để lên được máy bay? Nên nhớ rằng, con dao trên thuộc danh mục những vật dụng bị cấm mang theo lên máy bay đối với tất cả mọi hành khách.

Về phía ngành hàng không, sau khi những tình huống này xảy ra, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị tại sân bay Tân Sơn Nhất xác minh, báo cáo cụ thể về vụ việc vi phạm nói trên. Cục Hàng không Việt Nam cũng đã chỉ đạo Cảng vụ Hàng không miền Nam, ACV điều tra xác minh về vụ việc vi phạm an ninh hàng không này. Đại diện Cục Hàng không Việt Nam khẳng định sẽ làm rõ và xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể liên quan.

Dù kết luận cuối cùng chưa được đưa ra nhưng theo lẽ thông thường cũng có thể dự đoán được chắc chắn nữ hành khách dùng dao gọt hoa quả kia sẽ bị phạt. Thế nhưng, điều khiến nhiều người thắc mắc là khi lôi chiếc dao gọt hoa quả ra sử dụng trên chuyến bay, nữ hành khách này có ý thức được hành vi của mình là vi phạm an ninh hàng không hay không?

Hay như đối với cô gái nhảy múa tại khu vực từ xe cobus lên cửa máy bay rồi quay clip lại đăng lên mạng xã hội, cô này có biết được mình đang vi phạm an toàn bay hay không? Sẽ có nhiều cách lý giải nhưng theo cách lập luận tâm lý logic nhất thì một khi ai đó biết hành vi của mình là sai và sẽ bị phạt, họ sẽ không dại gì thực hiện nó hồn nhiên như hai nữ hành khách đi máy bay nói trên. Ngoài lỗ hổng trong công tác kiểm soát an ninh tại sân bay, việc phổ biến kiến thức về quy định khi đi máy bay đối với hành khách cũng không thể “vô can” trong trường hợp này.

Người xưa có câu “mất bò mới lo làm chuồng”. Đối với trường hợp hành khách mang dao gọt hoa quả trên máy bay hay nhảy múa trước đầu máy bay như đề cập ở trên, rất may là chưa gây ra sự cố đáng tiếc nào. Tuy nhiên, ngành hàng không phải thấy được rằng, hai vụ việc này chính là tiếng chuông báo động để họ phải tự xem lại công tác đảm bảo an ninh hàng không, an toàn bay để từ đó có những chấn chỉnh kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.