Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

An ninh tài chính tiền tệ tại Việt Nam năm 2020 – Nhận diện và giải pháp

Đức Toàn - Thu Nhung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nội dung được đề cập tại Diễn đàn An ninh Tài chính Tiền tệ tổ chức vào sáng ngày 24 tháng 12 năm 2020 tại khách sạn Army, số 1 Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội.

Diễn đàn được tổ chức thành công với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Công ty TNHH MTV My Health, Công ty Cổ phần Vibiz Việt Nam.

Diễn đàn có sự tham dự của đông đảo các đại biểu và chuyên gia: TS. Chu Quốc Dũng – Phó Tổng Biên tập Báo An ninh thủ đô cùng Tiến Sĩ Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia điều phối và chủ trì chương trình; Ông Lại Xuân Lâm - Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Ông Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ kinh tế tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương;…

 TS. Chu Quốc Dũng – Phó Tổng Biên tập Báo An ninh thủ đô 
Bên cạnh những khó khăn do suy thoái kinh tế, rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu là vấn đề đáng quan ngại trong bối cảnh nợ công và nợ tư tăng nhanh, nợ xấu tăng, nguy cơ đảo chiều hay giảm sút dòng vốn ngoại...v.v. Nghiên cứu của Tiến Sĩ Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho biết sẽ tập trung nhận diện một số dấu hiệu đặc trưng của rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu, đánh giá khả năng chống chịu của Việt Nam, từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao sức chịu đựng và tính bền vững của hệ thống tài chính Việt Nam.
 TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia
Từ trước tới nay, rủi ro khủng hoảng tài chính thường bắt nguồn và có liên quan trực tiếp đến rủi ro tín dụng, đặc biệt là rủi ro từ các hoạt động tín dụng, bất động sản và chứng khoán. Tại Mỹ La Tinh cũng như một số nước công nghiệp phát triển như Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Nhật Bản và Mỹ, khủng hoảng ngân hàng thường xảy ra sau sự bùng nổ của các khoản cho vay. Đơn cử như: sự tăng trưởng tín dụng nóng của các NHTM Thái Lan, Hàn Quốc đã…dẫn tới khủng hoảng 1997, sự bùng nổ cho vay dưới tiêu chuẩn của Mỹ dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính - ngân hàng năm 2008, và nhanh chóng lan rộng trên toàn cầu. Vì vậy, các ngân hàng và các tổ chức kinh tế tại Việt Nam cần tuân thủ đúng và đầy đủ các bước trong quy trình cho vay, không ngừng đào tạo và nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ năng lực cũng như khả năng thẩm định, đánh giá của các nhân viên tín dụng. Bảo đảm sự chặt chẽ và chính xác ngay từ khâu đầu tiên của quá trình cho vay và suốt quá trình sử dụng vốn vay của khách hàng là phương pháp phòng chống rủi ro hiệu quả nhất.

Tiến Sĩ Đinh Thị Thanh Vân – Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đã có đánh giá thẳng thắn về cơ quan quản lý, giám sát tài chính tại nước ta: “hiện tại Việt Nam chưa có một cơ quan quản lý chuyên trách nào chịu trách nhiệm riêng bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Việt Nam có 4 cơ quan liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính, bao gồm: Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Công Thương, Bộ Thông tin – Truyền thông và Hội Bảo vệ người tiêu dùng. Cả 4 cơ quan này đều có khả năng tham gia vào quá trình bảo vệ người tiêu dùng, nhưng các cơ quan này đều chưa có các bộ phận chuyên trách cũng như các quy trình quản lý cụ thể để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng”.
 TS. Đinh Thị Thanh Vân – Phó Chủ nhiệm Khoa Tài chính Ngân hàng – Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội

Với xu hướng vay nợ nhiều do lãi suất thấp thời gian qua cộng với suy thoái kinh tế toàn cầu do tác động bởi đại dịch Covid-19 khiến Chính phủ các nước phải bơm tiền hỗ trợ nền kinh tế, rủi ro tài chính toàn cầu (nhất là bong bóng nợ và bong bóng tài sản) đang tăng lên. Chính phủ các nước đã nhận diện, nhưng vẫn phải tiếp tục cung cấp các gói hỗ trợ, chấp nhận rủi ro thâm hụt ngân sách, nợ công và nợ xấu tăng. Mặc dù vậy, các tổ chức quốc tế (IMF, WB, FSB...) đã và đang cảnh báo rủi ro, kêu gọi đánh giá, theo dõi và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phòng chống dịch, khôi phục kinh tế và kiểm soát rủi ro tài chính toàn cầu.