Ẩm thực theo trào lưu
Giới trẻ ở Hà Nội bây giờ ăn gì cũng đều ảnh hưởng của trào lưu, đặc biệt là mạng xã hội – “phây búc”. Có thời gian, chè Khúc bạch trở thành món ăn sang chảnh, cho dù bát chè nhạt nhẽo, không mang nét thơm ngon như các món quà vặt như bánh trôi tàu, nộm bò khô hay một bát ốc luộc vẫn bán ở vỉa hè. Chè Khúc bạch tự dưng nổi tiếng, là món ăn sành điệu của người trẻ, hoặc một số chị em nơi công sở bởi vì trên trang chủ của mạng xã hội là hình ảnh lăng xê chè Khúc bạch, cách nấu, rồi cả lợi ích sức khỏe ra làm sao. Không ăn chè Khúc bạch không phải là người sành điệu - khẩu hiệu của một thời là thế. Nhưng rồi, cũng chỉ được vài tháng, chè Khúc bạch hết thời, chị em không còn bàn đến chè cháo thay vào đó là một thú chơi hoặc một món ăn khác.
Vẫn tiếp câu chuyện ẩm thực vô hại của hội chứng đám đông. Hết chè là đến mỳ cay 7 cấp độ. Bát mỳ lèo tèo một vài miếng mực, con tôm, dăm miếng hoa lơ xanh, trang điểm thêm bằng vài sợi bắp cải tím thái mỏng như chỉ, nước đục ngầu lờ đờ ớt… Nam thanh nữ tú nghe tiếng dồn dập kéo nhau đến ăn không quên “đóng đinh điểm đến” (check-in).
Để đáp ứng nhu cầu của thực khách, các quán mỳ cay mọc lên như nấm và quán nào, quán nấy đều đông ngộp thở. Vào giờ cao điểm, ở những quán có tên tuổi, khách hàng thậm chí còn phải xếp hàng dài chờ đợi. Chị Bích Thủy (quản lý một quán mỳ cay 7 cấp độ nổi tiếng trên phố Đại Cồ Việt, Hà Nội) chia sẻ, vào khoảng thời gian mỳ cay làm mưa, làm gió ở Hà Nội, mỗi ngày, quán chị tiếp đón trung bình từ 1.000 đến 1.500 lượt khách. Có lúc, khách xếp hàng dài tới 20 - 30m trước cửa, xe dựng chật kín, không có chỗ để. Nhiều người đi ô tô thậm chí còn chấp nhận gửi xe với giá vài vài chục nghìn chỉ để ăn một bát mỳ cay giá khoảng 45.000 đồng. Lý giải về cơn sốt mỳ cay, chị Bích Thúy cho rằng, đây là một món ăn mới, mang phong cách ẩm thực Haluy vốn rất được lòng giới trẻ Việt Nam. Nhưng điều khiến mỳ cay 7 cấp độ thành “cơn sốt” cũng chính nhờ trào lưu “check in” trên face. Đến nay, món ăn này bắt đầu “lịm dần” vì món ăn hại dạ dày và cả do phong trào ăn mỳ trên “phây” đi xuống, nhiều hàng đóng cửa, thiệt hại cả tỷ đồng.
Ngẫm lại lịch sử phong trào chơi “phây”, ăn theo “phây” cách đây vài năm bỗng ngộ ra. Thời đó, hội chứng đám đông sao mà trong sáng, vô hại, toàn là chuyện ăn - chơi - đi - ngẫm, cùng lắm chỉ hao tiền trong ví bản thân. Thì nay, độ “ảo” của đám đông khó lòng đo đếm.
Không còn là chuyện ẩm thực
Nhà văn Đỗ Tiến Thụy cho rằng, đã có một thời, cụm từ “văn hóa làng xã” được dùng với lời lẽ nửa như là miệt thị để chỉ hủ tục sau lũy tre làng. Nơi mà những tin đồn dai dẳng đeo bám từ đời này sang đời khác. Những người phụ nữ dù nghèo đói, cơ cực và bạo hành cũng không dám hé răng nói nửa lời vì sợ “mang tai mắc tiếng”. Bây giờ, chuyện tụ tập, nói xấu nhau, đánh ghen vẫn là thứ đeo bám dai dẳng siêu cấp độ và trào lưu của “phây búc”. Không chỉ dừng lại ở việc thay đổi thói quen ăn uống, mạng “phây búc” đã tạo ra hội chứng đám đông. Từ tung tin đánh ghen kinh hoàng lột đồ, xát ớt vào tình địch; đến tung tin hai phụ nữ bán tăm bắt cóc trẻ em. Ngay đầu tháng 9 vừa qua, mạng xã hội lại dấy lên sự vụ 5 người phụ nữ đánh ghen 1 cô gái bằng những hành động man rợ. Cho dù không diễn ra ở Hà Nội nhưng những câu chuyện đó thu hút hàng nghìn, hàng triệu chia sẻ và lượt xem. Từ các quán trà đá vỉa hè đến những chị bán hàng rau người chợ ở Hà Nội đều bàn về chuyện đánh ghen đó, ngoài việc bàn tán về sự việc nhiều người còn xem đó là cách học đánh ghen.
TS Đặng Hoàng Giang - tác giả của cuốn sách “Thiện, ác và smartphone” cho rằng: “Không gọi tâm lý a dua theo trào lưu là “bệnh” nhưng rõ ràng tâm lý ấy có vấn đề. Đấy là sự méo mó của xã hội mà tôi nghĩ chẳng gì có thể biện hộ cho sự méo mó đó cả. Người ta bị cuốn vào sự hưng phấn của đám đông và không kiểm soát được sự cuốn ấy. Trong khi sự hưng phấn của đám đông lại “mở lồng” giải phóng năng lượng bạo lực và độc địa bên trong con người ra ngoài”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để tránh tình trạng “phây búc” định hướng ăn, ở, mặc của giới trẻ, và cả chuyện đánh giá, ảnh hưởng đến nhân phẩm của người khác, ngoài việc cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có chế tài xử phạt, “phía cộng đồng cần xác định mạng xã hội cũng như cái ao tù, có thể lấy nước ở đó để uống nhưng không cẩn thận nguồn nước đó sẽ đầu độc mình” – TS Đặng Hoàng Giang nói.
Tôi cho rằng, hội chứng đám đông là một dạng lây lan tâm lý bầy đàn một cách vô thức, chủ yếu là a dua, hành động thiếu kiểm soát mà không cần tìm hiểu nguyên nhân. Hội chứng đám đông nếu không được hạ nhiệt, kiểm soát kịp thời có thể để lại những hậu quả, tổn thất tai hại, thậm chí trở thành nguyên nhân gây hoang mang, bất ổn trong xã hội. Tất nhiên, hội chứng đám đông chỉ phát triển khi con người thiếu đi những chuẩn mực đạo đức xã hội và bị kích động tiêu cực. Hơn nữa, khi trong đám đông mỗi cá thể hành động theo nguyên tắc bầy đàn, họ cho rằng hành động của mình là tự do, không bị ràng buộc trách nhiệm pháp lý. Hậu quả nếu có của những hành vi đó do cộng đồng chịu trách nhiệm, hoặc chỉ có thể xử lý theo kiểu “hòa cả làng”... Nếu chúng ta không gỡ những nút thắt dư luận, những câu chuyện đau lòng trên có nguy cơ lây lan cao trong xã hội. Nhà thơ Trương Xuân Tiên Hội chứng đám đông hiện diện ở mọi nơi trên thế giới chứ không riêng ở Việt Theo quy luật phát triển, khi nhận thức cá nhân được nâng cao thì tính bầy đàn giảm xuống. Hội chứng đám đông “phát rồ” về những chuyện bạo lực như hiện nay sẽ dần ít đi, thay vào đó các cư dân Việt cả trên mạng ảo và ngoài đời sẽ quan tâm nhiều hơn đến các chủ đề phát minh khoa học kỹ thuật, kinh tế, tài chính, kinh doanh... sẽ hứng thú chia sẻ nhiều hơn về nghệ thuật, văn chương... Tôi tin thế! Nhà văn Đỗ Tiến Thụy Con người dễ bị cuốn vào sự hưng phấn của đám đông là do người ta không có các cơ chế đạo đức khác để kiểm soát năng lượng của mình. Ở trẻ nhỏ và thanh niên thì còn có thể hiểu được khi bọn trẻ a dua theo một cái gì đấy, nhưng ở người lớn mà thiếu đi cơ chế tự vấn, thiếu đi những câu hỏi về đạo đức thì quả thực sẽ tạo nên một xã hội rất nguy hiểm. Điều đáng nói là người ta thường “share” và “like” những thứ xấu nhiều hơn những tin tốt. Tất cả những điều ấy dẫn đến một xã hội phi lý trí, ai cũng có thể sôi sùng sục lên bởi tất cả những tin đồn, rồi luôn sống trong trạng thái lo sợ về tất cả những thứ diễn ra xung quanh mình, mà như thế khác nào tự “đầu độc” bản thân. TS Đặng Hoàng Giang |