Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ăn Tết xa quê

Thế Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, một xu hướng trong ngày Tết là đi du lịch, trong và ngoài nước, thay vì về với gia đình nơi quê hương bản quán.

Đây là hiện tượng thấy rõ ở những năm gần đây, khi đời sống kinh tế của một bộ phận người dân đã khá lên nhiều, họ không còn nhiều nhu cầu “ăn Tết” mà chuyển sang chơi Tết, khám phá những vùng đất mới lạ.
Đại đa số đều cho rằng, Tết (nhất là Tết cổ truyền), mọi người phải tụ họp cùng gia đình. Đây là điều… luôn luôn đúng với quan niệm truyền thống, bởi Tết là dịp mọi người trong gia đình gặp gỡ nhau, rồi chuẩn bị mâm cúng cho tổ tiên, ông bà. Tuy nhiên, không ít người chọn ăn Tết ở Đà Lạt, Sapa, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ…
“Tôi đang ở nước ngoài”…
Đó là câu trả lời qua điện thoại của một bác sĩ khá nổi tiếng ở Sài Gòn, mỗi khi dịp Tết cổ truyền đến, bác sĩ này, năm thì đi Thái Lan, năm Malaysia, Indonesia… Thỉnh thoảng anh mới đi châu Âu, thường là Pháp nơi anh từng du học. Có năm anh còn gia đình các nhà báo thân quen đi, anh tài trợ một phần. Thông thường, trước khi du lịch nước ngoài anh cũng làm mâm cơm (cúng) Tất niên, thăm mộ bố mẹ…
 Xu hướng đi chơi, ăn tết xa nhà cũng ngày càng phổ biến hơn
Tương tự, chị H. - giảng viên một trường đại học ở TP Hồ Chí Minh quê ở Hà Tĩnh nhưng thường cùng gia đình ăn Tết ở Đà Lạt. Chị cho biết: “Đến Đà Lạt ngày Tết yên tĩnh tuyệt đối. Chủ yếu gia đình dạo chơi phố phường, đi uống cà phê, nghe nhạc… Tết du lịch không phải lọ mọ vào bếp, tiếp khách… và được nghỉ ngơi tuyệt đối.
Nhiều người thích ăn Tết xa nhà ở những nơi mới lạ. Theo họ, có như vậy mới trải nghiệm ở vùng đất mới, biết thêm về văn hóa, phong tục, tập quán nơi mới. Có người với “máu mê” kinh doanh, thậm chí còn tìm ra đối tác làm ăn mới, thậm chí ý tưởng mới cho làm ăn, bởi “đi một ngày đàng học được một sàng khôn”.
Theo thống kê của các đơn vị lữ hành lớn trên cả nước, mỗi năm con số khách đi tour Tết thường tăng trưởng 20 - 25%, minh chứng cho xu hướng ăn Tết du lịch như gia đình nói ở trên.
Từ đầu tháng 11 Âm lịch, các công ty lữ hành đã bán ra 40 - 70% lượng tour. Tại nhiều đơn vị, tỷ lệ khách đặt tour quốc tế chiếm 60% trên tổng lượng khách đăng ký tour Tết. Một số đường tour đi nước ngoài như Hàn Quốc, châu Âu... đã chốt sổ đăng ký từ sớm vì đầy. Vietravel dự kiến tổng lượng tour bán ra của công ty sẽ tăng khoảng 18% so với năm trước. Theo đại diện TST tourist, các tour dài ngày sẽ nằm trong "tầm ngắm" của du khách, đặc biệt đối với nhóm gia đình 3 - 6 khách.
Những năm gần đây, các đơn vị lữ hành lớn như Vietravel Hà Nội đều định kỳ tổ chức tour du lịch theo hình thức charter (máy bay thuê bao nguyên chuyến) như Đài Loan 5 ngày 4 đêm trọn gói giá từ 13 triệu đồng, Hàn Quốc 6 ngày 5 đêm trọn gói 17 triệu đồng, khởi hành dịp Tết Dương lịch… Các tour charter bay thẳng nên tiết kiệm tối đa thời gian di chuyển, tiết kiệm tới 30% chi phí so với thông thường, thủ tục visa, xuất nhập cảnh thuận tiện và luôn khởi hành đúng kế hoạch.
Nắm bắt xu hướng ăn Tết xa nhà, ở các tết Dương lẫn tết Âm, các công ty du lịch cố gắng thiết kế những tour mới lạ, tăng cường khuyến mãi để thu hút khách đăng ký. Công ty Du lịch Việt có chương trình khuyến mãi chào Xuân Canh Tý 2020 “Vui Tết 5 châu - Nơi đâu bên nhau, nơi đó là nhà.”
Có cần lo lắng?
Nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa, sử học… khá lo lắng về cái Tết cổ truyền sẽ mai một. Theo họ, đây là vấn đề văn hóa, mà văn hóa chính là nội lực của một quốc gia. Thế nhưng, cũng có những ý kiến cho rằng, văn hóa cũng như các hình thái xã hội khác cũng cần sự thay đổi theo thời gian.
Việc có lối ăn - chơi Tết mới không hẳn là lối sống hưởng thụ quên đi gia đình, văn hóa cổ truyền dân tộc mà nó là một dạng thức mới trong đời sống. Nước Nhật từ lâu đã ăn Tết cổ truyền vào dịp Tết Dương lịch và họ vẫn… ổn. Tuy nhiên, người Nhật chỉ thay đổi lịch ăn Tết cổ truyền chứ không bỏ các nét văn hóa truyền thống của họ.
Xu hướng ăn Tết xa nhà có nguyên nhân từ điều kiện kinh tế thay đổi. Do khá giả hơn, nên con người có nhu cầu đi đây đi đó để tìm hiểu. Cũng do kinh tế khá hơn, điều kiện giao thông thuận lợi hơn nên việc về thăm gia đình trở nên có thể thực hiện ở nhiều dịp, không chỉ là dịp Tết. Việc sắm sửa bánh trái, kẹo mứt… cũng trở nên dễ dàng, cho nên ít gia đình không cặm cúi làm kẹo mứt, thậm chí không còn nấu bánh chưng xanh nữa.
Trong thời đại mới, nhiều kiến thức, văn hóa, lối lống mới du nhập, giới trẻ có thể bị phai nhạt những lễ nghĩa xưa kia, như không rõ lắm về Tết Ông Công, Ông Táo, tục thăm hỏi chúc Tết… Thay vào đó, họ coi Tết là dịp để gặp gỡ bạn bè, thư giãn… và cả chuyện du lịch như đã nói ở trên.
Hoàn cảnh mỗi nhà một khác: Người thì còn bố mẹ, anh em ở nhà ăn Tết cổ truyền, thờ cúng tổ tiên nên yên tâm ra đi; nhưng đa số ăn Tết xa nhà là do quan niệm mới. Những người này cho rằng, Tết là dịp được nghỉ ngơi dài ngày nên nếu có điều kiện cần du lịch để biết đó đây, cuộc sống thêm phong phú; còn cúng kiếng thì có thể làm quanh năm suốt tháng, quan niệm về Tết cổ truyền cần phóng khoáng hơn, hiện đại hơn. Đây chỉ là quan niệm, chọn Tết về nhà, hay xa nhà là tùy vào mỗi người. Cũng có nhiều người, sau khi ăn “3 ngày Tết” ở nhà, mồng 2 Tết họ mới lên đường du Xuân…

Nhiều người thích ăn Tết xa nhà ở những nơi mới lạ. Theo họ, có như vậy mới trải nghiệm ở vùng đất mới, biết thêm về văn hóa, phong tục, tập quán nơi mới. Có người với “máu mê” kinh doanh thậm chí còn tìm ra đối tác làm ăn mới, thậm chí ý tưởng mới cho làm ăn, bởi “đi một ngày đàng học được một sàng khôn”.