Ăn theo giá xăng, hàng hóa tiêu dùng dần hạ nhiệt Lê Nam 10:48 23/09/2022 Chia sẻ Theo dõi Kinh tế đô thị trên Kinhtedothi - Việc điều chỉnh giảm giá xăng dầu đã tác động đến thị trường, giúp giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ có dấu hiệu hạ nhiệt. Người tiêu dùng mua rau xanh tại chợ truyền thống Thực phẩm, dịch vụ đồng loạt giảm giá Khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội như Kim Liên (quận Đống Đa), Thành Công (quận Ba Đình), chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng) cho thấy, giá nhiều mặt hàng như: Thịt, cá, hải sản và rau củ quả tiếp tục giảm nhẹ so với đầu tháng 9 này. Cụ thể, thịt bò giá từ 210.000 - 230.000 đồng/kg (tùy loại), giảm khoảng 20.000 đồng/kg, thịt gà làm sẵn 120.000 đồng/kg, giảm 20.000/kg so với đầu tháng; thịt lợn 100.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg; sườn non từ 120.000 đồng/kg; thịt gầu bò 240.000 đồng/kg, thịt bò phi lê 300.000 đồng/kg, tôm từ 240.000 - 380.000 đồng/kg, giảm từ 10.000 - 30.000 đồng/kg, giá trứng gà loại 1 lùi về còn khoảng 30.000 đồng/chục. Giá trứng vịt loại 1, kích cỡ lớn chỉ còn 35.000 đồng/chục, trứng vịt kích cỡ nhỏ hơn còn 33.000 đồng/chục. Bà Trần Thị Yến, tiểu thương kinh doanh thịt tại chợ Kim Liên cho biết, các mặt hàng thịt, cá đều giảm so với tháng trước từ 5 - 7%. Tương tự giá các mặt hàng rau xanh cũng giảm nhẹ 10 - 15% so với những ngày cuối tháng 8, hiện giá hành lá hiện chỉ còn từ 42.000 - 45.000 đồng/kg, giảm từ 15.000 - 17.000 đồng/kg; cà chua từ 17.000 - 18.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg so với đầu tháng; bắp cải từ 17.000 - 18.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng; khoai tây 18.000 đồng/kg, giảm tiếp 2.000 đồng... Tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm vùng miền, nhiều mặt hàng thiết yếu cũng được điều chỉnh giảm giá khoảng 5%, kèm theo những chương trình ưu đãi, khuyến mại khác. Người dân mua rau xanh tại chợ truyền thống Lý giải nguyên nhân khiến giá bán mặt hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống bắt đầu có xu hướng giảm, các tiểu thương có chung ý kiến, giá xăng dầu giảm đã giúp giá các dịch vụ vận chuyển được điều chỉnh giảm theo. Chị Vũ Thị Hằng, đại lý hải sản miền Trung trên đường Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy) cho biết, sau nhiều lần giảm giá xăng dầu đã khiến giá dịch vụ vận chuyển hàng từ miền Trung, miền Nam được điều chỉnh giảm từ 5 - 15%. Nhờ điều này, thủy hải sản mà cửa hàng bán ra cũng được điều chỉnh giảm từ 5% đến 10%. Tương tự, mức giảm này cũng được áp dụng đối với nhiều loại trái cây được vận chuyển từ các vùng miền về Hà Nội. Thực tế cho thấy không chỉ giảm giá cước vận chuyển hàng hóa, một số hãng xe taxi, xe khách đã thực hiện giảm giá cước, với mức giảm từ 5 - 12%. Cụ thể, theo kê khai giá cước của Công ty CP Tập đoàn Mai Linh, các dòng xe 5 chỗ, chiều Hà Nội - Nội Bài áp dụng mức cước 250.000 đồng/lượt, giảm khoảng 11%; từ km thứ 30 trở lên áp dụng mức giá 15.000 đồng/km, giảm khoảng 3%. Tương tự, Công ty Taxi CP Hà Nội cũng đã giảm cước từ 4 - 6%. Mức giảm chưa tương xứng Nhiều người tiêu dùng phản ánh, mặc dù một số mặt hàng thực phẩm, rau xanh đã giảm giá bán, nhưng mức độ giảm chưa tương xứng với giá xăng dầu. Chị Hoàng Thu Hằng ở ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa) nêu rõ, mặc dù giá xăng đã được điều chỉnh giảm tới 30%, tuy nhiên các loại hàng hóa chưa được điều chỉnh giảm giá tương ứng. Hiện hầu hết mặt hàng thực phẩm vẫn đứng ở mức cao gấp đôi những tháng đầu năm 2022. ''Dưới góc độ người tiêu dùng, tôi mong muốn giá hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống, các dịch vụ thiết yếu sẽ tiếp tục được điều chỉnh nhanh và nhiều hơn nữa để phù hợp với thị trường và giảm tải áp lực chi phí cho các gia đình'' - chị Hoàng Thu Hằng cho hay. Người dân mua rau xanh tại siêu thị Big C Thực tế cho thấy dù thực phẩm, đồ tươi sống đã được điều chỉnh giảm, song dịch vụ ăn uống, chế biến sẵn vẫn giữ nguyên giá bán. Ví dụ, một tô bún/phở hiện vẫn được bán với mức giá phổ biến dao động từ 35.000 - 50.000 đồng/bát; cơm bình dân văn phòng có giá phổ biến dao động từ 35.000 đồng - 45.000 đồng/suất. Theo các chuyên gia bán lẻ, mức giá giảm của mặt hàng thực phẩm, rau xanh chưa được như mong muốn, song vấn đề này không phải các đầu mối, bán lẻ tại chợ quyết định. Giá xăng giảm nhưng chủ yếu tác động mạnh tới các ngành vận tải, trong khi giá cả tiêu dùng tại các chợ được quyết định bởi thị trường, nguồn cung ứng và nhiều chi phí sản xuất khác. Theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, trong cơ cấu giá bán mặt hàng thực phẩm, rau xanh, ngoài chi phí vận chuyển còn phụ thuộc vào giá thuốc bảo vệ thực vật, phân bón... Vì vậy rất có thể những tháng cuối năm, các mặt hàng tiêu dùng có thể tăng giá trở lại. Do vậy, các cơ quan, ban ngành cần tăng cường hơn nữa biện pháp quản lý, điều hành giá, đặc biệt là tăng cường nguồn cung hàng hóa, bình ổn thị trường, kiểm soát chặt hơn những trường hợp tăng giá bất hợp lý. “Những tháng cuối năm tới đây, cơ quan quản lý như Sở Công Thương Hà Nội cần đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát và bình ổn thị trường các mặt hàng thiếu yếu” - ông Vũ Vinh Phú kiến nghị.