An toàn cho học sinh trong dịp Tết: Lo không thừa!

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chẳng riêng gì dịp hè, tai nạn thương tích (TNTT) vẫn thường "hỏi thăm" trẻ nhỏ vào những kỳ nghỉ dài ngày. Tết năm nay, học sinh (HS) được nghỉ tới 14 ngày, vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ trong dịp Tết lại khiến người lớn quan tâm, lo lắng.

Trước nỗi lo không thừa này, ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, ngành giáo dục sẽ phối hợp với công an để đảm bảo an toàn nhất cho HS.

Vụ việc đau lòng của 7 HS chết đuối ở biển Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) mới đây là hồi chuông cảnh báo cho nhiều trường học trong công tác bảo vệ an toàn cho HS khi đi dã ngoại, tham quan dịp cuối kỳ học, lễ, Tết... Hà Nội có hướng dẫn, chỉ đạo gì cho các nhà trường về phòng chống TNTT cho HS không, thưa ông?

- Với quy mô gần 1,5 triệu HS, công tác bảo đảm sức khỏe và an toàn tính mạng HS luôn được ngành GD&ĐT Hà Nội coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, nhằm xây dựng trường học an toàn, góp phần dạy tốt - học tốt. Kế hoạch phòng chống TNTT đã được Sở GD&ĐT xây dựng với mục tiêu nâng cao năng lực, trách nhiệm phòng chống TNTT cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và HS. Trong đó, phòng chống đuối nước và tai nạn giao thông là 2 nội dung được tập trung triển khai. Ngoài ra, còn một số nội dung khác như phòng tránh nguy cơ từ thiên tai, phòng học cũ, mất ATVSTP…

 
Cô và trò trường Tiểu học Uy Nỗ, Đông Anh.  	Ảnh:  Duy Anh
Cô và trò trường Tiểu học Uy Nỗ, Đông Anh. Ảnh: Duy Anh

Cũng phải nói rằng, việc sửa chữa, cải tạo và mở rộng trường lớp vẫn được thực hiện ngay cả khi đã vào năm học. Việc này chắc hẳn sẽ không đảm bảo an toàn cho HS. Vậy, Sở có chỉ đạo gì cho nhà trường cũng như bên thi công?

- Những năm qua, hàng ngàn phòng học cấp bốn, phòng học tạm ở Hà Nội đã cơ bản được thay thế. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn khá nhiều trường học được xây dựng từ lâu, nên thường xuyên phải nâng cấp, cải tạo. Chỉ tính ở khối trực thuộc Sở, năm qua có hơn 30 công trình xây dựng, cải tạo; ngoài ra, còn hàng trăm công trình thuộc khối quận, huyện, thị xã. Để bảo đảm an toàn cho HS, không để ảnh hưởng đến kế hoạch thời gian năm học, điều đầu tiên, chúng tôi yêu cầu các đơn vị thi công là phải làm rào ngăn, có biển báo, quy hoạch nơi để cầu dao điện, đường điện. Nhà trường phải thông báo với phụ huynh thường xuyên nhắc nhở con em mình tuyệt đối không được đi qua khu vực nguy hiểm, vì vậy, Hà Nội chưa xảy ra sự cố nào. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng bên ngoài trường học có đơn vị khai thác đất, đào hố không có rào ngăn, biển báo gây nguy hiểm cho HS. Chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương đề nghị có biện pháp chủ động hơn.

Đuối nước là một trong những nguy cơ gây TNTT cho HS, nhất là ở địa bàn nhiều ao hồ. Ngoại thành Hà Nội cũng không tránh được nguy cơ này?

- Năm 2010, được phép của UBND TP, huyện Thanh Trì đã thí điểm xây 16 bể bơi tại trường tiểu học và THCS để dạy bơi cho HS. Kết quả thu được rất khả quan và chúng tôi sẽ đề xuất tiếp tục nhân rộng mô hình này. Nhưng đặc điểm của công tác giáo dục là thời gian năm học tập trung vào mùa rét, nên việc dạy bơi cho HS còn khó khăn, đòi hỏi phải chủ động về thời gian và phương án triển khai. Từ đầu năm 2013 đến nay, Sở đã tập trung tập huấn phòng chống đuối nước và dạy bơi cho giáo viên và HS, đặc biệt chú trọng ở nơi có nhiều nguy cơ cao mất an toàn cho HS. Không chỉ dạy cách bơi mà còn dạy kỹ năng cứu nạn, trong trường hợp nào thì cứu, trường hợp nào thì gọi người lớn trợ giúp…

Dịp Tết này, HS được nghỉ dài ngày, đây cũng là thời điểm dễ khiến các em gặp TNTT do tụ tập, tham gia đua xe, sử dụng trái phép các loại pháo… Sở có biện pháp gì để cảnh báo, ngăn chặn việc này?

- Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ sẽ kéo dài từ 27/1 - 9/2 (14 ngày), chúng tôi đã chỉ đạo các trường trên địa bàn TP chủ động xây dựng kế hoạch để đón Tết đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và tiết kiệm. Ngoài ra, Sở yêu cầu các trường tổ chức tuyên truyền, giáo dục và cho HS ký cam kết, nghiêm túc thực hiện các nội dung: Không tụ tập, tham gia đua xe, cổ vũ đua xe trái phép; không có các hành vi gây cản trở giao thông, gây rối trật tự công cộng; không tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ; đặc biệt, không tham gia mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép pháo các loại... Đối với nhà trường cần tăng cường quản lý kỷ cương, nền nếp trong đơn vị; thực hiện nghiêm việc trực và bảo vệ cơ quan. Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ với công an địa phương để có các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng chống cháy nổ trong dịp Tết.

Xin cảm ơn ông!