Những mối nguy đến từ việc sử dụng mạng internet một cách thiếu kiểm soát đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của các đại biểu. Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, mạng internet có vai trò quan trọng trong nền kinh tế và xã hội của mọi quốc gia, đồng thời cũng trở thành môi trường cho những mối đe dọa mới mà chúng ta phải tìm cách để vượt qua. Đây chính là thách thức đối với việc thực thi luật pháp để điều chỉnh những hành vi lợi dụng mạng internet nhằm truyền đưa, lưu trữ, phát tán thông tin sai trái, độc hại, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Việc xây dựng Luật ATTT sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý ổn định về ATTT theo hướng áp dụng các quy định pháp luật một cách đồng bộ, khả thi trong thực tiễn thi hành.
Dưới góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, trong 56 điều của Dự Luật, có đến 11 điều khoản sử dụng cụm từ "theo quy định của Chính phủ”; 9 điều khoản giao cho Chính phủ quy định; 5 điều khoản giao cho Bộ TT&TT quy định hoặc chủ trì phối hợp với các cơ quan khác quy định. Đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu rà soát, sửa đổi các quy định này cho rõ ràng, minh bạch hơn.
Quy định về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng được đánh giá là nội dung cơ bản, quan trọng trong Dự Luật, nhưng còn nhiều hạn chế, mới chỉ tập trung vào việc bảo vệ các thông tin cá nhân được nắm giữ và xử lý bởi các tổ chức, cá nhân với mục đích thương mại, cá nhân. Còn việc thu thập, sử dụng thông tin cá nhân nhằm mục đích khác hoặc do các cơ quan Nhà nước nắm giữ, xử lý lại chưa rõ. Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cũng nhận xét: Dự Luật cho thấy có sự lúng túng. Luật là phải rõ ràng, xác định rõ phạm vi điều chỉnh, tên gọi. Làm sao người ta vừa tiếp cận thông tin, vừa đảm bảo an toàn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề: ATTT khác an ninh thông tin, không có nghĩa là cấm thông tin. Theo Hiến pháp, người dân được cung cấp thông tin và được quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Vì thế những vấn đề này cần được làm rõ trong Luật.
Đây cũng là quan điểm của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng: “Quyền tiếp cận thông tin và thông tin là quyền cơ bản của con người. Các quy định đáp ứng yêu cầu quản lý nhưng không được ảnh hưởng, xâm phạm đến quyền con người và trật tự xã hội”. Do đó, Dự Luật cần quy định rõ về việc xử lý và chế tài đối với các hành vi vi phạm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng góp ý: Nói về thông tin có người sản xuất thông tin, người cung cấp thông tin, người tiếp nhận thông tin. Vậy xử lý ở chỗ nào? Thông tin có nhiều loại, truyền miệng cũng là thông tin, báo chí cũng là thông tin. Vậy định nói loại thông tin gì thì phải rõ? "Chúng ta phải thông tin lên để phản bác lại các thông tin sai trái, còn để công chúng đánh giá, phân tích xem thông tin nào đúng?, thông tin nào sai? chứ chúng ta sao cấm người ta nói được. Cấm là vi phạm Hiến pháp" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ và đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu tính khả thi của Luật phù hợp với tinh thần Hiến pháp 2013 và các luật liên quan.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
|