Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ấn tượng Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo”

Lâm Thiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 3 ngày diễn ra (8 -10/11) tại Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước), Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” đã thành công tốt đẹp, để lại nhiều dấu ấn trong lòng du khách.

Đến với lễ hội, người dân và du khách được trải nghiệm những nét văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc và những món ăn ngon mang hương vị riêng của các đồng bào dân tộc nơi đây như S'tiêng, M'nông, Châu Mạ, … 

Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, cao điểm là chiến dịch Đồng Xoài - Phước Long năm 1965, đồng bào S’tiêng kiên trung, anh dũng, ngày làm nương rẫy đêm đốt đuốc lồ ô để giã gạo phục vụ bộ đội ăn no đánh giặc. Trực tiếp chứng kiến những hình ảnh xúc động ấy, năm 1966 nhạc sĩ Xuân Hồng đã sáng tác bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” nổi tiếng, đi vào lòng người.

Tại lễ hội, hình ảnh giã gạo nuôi quân, đánh giặc cứu nước của đồng bào dân tộc S'tiêng đã được tái hiện với sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ đến từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cùng hàng trăm diễn viên của tỉnh Bình Phước.

Trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra hoạt động: Hội thảo xúc tiến đầu tư du lịch; chạy việt dã với chủ đề “Đường về thăm sóc Bom Bo"; Hội chợ thương mại các gian hàng văn hóa, nông sản; Lễ hội ẩm thực “Hương vị bên ánh đuốc lồ ô”; Liên hoan văn hóa các dân tộc; phục dựng Lễ hội Kết bạn; biểu diễn hòa tấu với 50 bộ đàn đá; các trò chơi dân gian (đẩy gậy, cõng nước, giã gạo)…

Hình ảnh chàng trai, cô gái S'tiêng trong một bài hát với điệu múa truyền thống. Ảnh: Lâm Thiện.
Hình ảnh chàng trai, cô gái S'tiêng trong một bài hát với điệu múa truyền thống. Ảnh: Lâm Thiện.

Ông Vũ Văn Mười, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng, cho biết đây là lần đầu tiên Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” được tổ chức. Lễ hội chính là sự tri ân và tôn vinh những giá trị văn hóa, đồng thời khẳng định quyết tâm gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống đặc sắc của đồng bào S'tiêng và các dân tộc khác trên địa bàn huyện. Thông qua các hoạt động lễ hội, du khách sẽ cảm nhận giá trị, sức sống mãnh liệt, cùng với tinh thần yêu nước, tinh thần đại đoàn kết của 34 dân tộc trên địa bàn huyện Bù Đăng vượt khó vươn lên, từ đó lan tỏa mạnh mẽ của văn hóa trong tâm thức cũng như trong đời sống.

Tái diễn hình ảnh giã gạo nuôi quân của đồng bào dân tộc S'tiêng. Ảnh: S Hưng.
Tái diễn hình ảnh giã gạo nuôi quân của đồng bào dân tộc S'tiêng. Ảnh: S Hưng.

Sau chiến tranh, cùng với Đảng bộ, chính quyền huyện Bù Đăng, đồng bào dân tộc S’tiêng đã xây dựng lại sóc Bom Bo ngày một khang trang, tươi đẹp. Những con đường nhựa trải dài, những mái ngói đỏ tươi, những vườn cây cà phê, tiêu bạt ngàn xanh mát, cuộc sống ở sóc giờ ấm no - hạnh phúc, bản sắc văn hóa đồng bào được gìn giữ và tôn vinh. Người ở sóc đầy yêu thương, son sắc, vẫn mãi một lòng với Đảng với Bác Hồ kính yêu.

Một số hình ảnh đặc sắc tại lễ hội:

Ấn tượng Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” - Ảnh 1
Ấn tượng Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” - Ảnh 2
Ấn tượng Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” - Ảnh 3
Ấn tượng Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” - Ảnh 4
Ấn tượng Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” - Ảnh 5
Ấn tượng Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” - Ảnh 6