Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo: "Để chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ mới, trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung thực hiện một cách quyết liệt và có hiệu quả một số giải pháp. Một trong số đó là chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội. Đặc biệt, mỗi cá nhân cần phải giữ lấy "nếp nhà", giữ lấy "Chân quê" (bài thơ của Nguyễn Bính".
Hơn một tiếng phát biểu, Tổng bí thư nhiều lần trích đọc các bài thơ nổi tiếng, được nhiều thế hệ yêu thích. Sau mỗi lần ông đọc và bình về ý thơ, các đại biểu đồng loạt vỗ tay hưởng ứng. Các đại biểu cảm nhận rõ tình cảm đặc biệt của Tổng bí thư dành cho văn hóa, tình yêu của Tổng bí thư đối với văn nghệ sĩ, với văn nghệ qua những bài thơ dài ông đọc như Chân quê của Nguyễn Bính, Việt Bắc của Tố Hữu…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu: “Nguyễn Bính có 2 tập thơ nổi tiếng là “Nước giếng thơi” và “Lỡ bước sang ngang”. Trong đó có bài “Chân quê” sáng tác từ năm 1936 được đánh giá rất hay.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo: Một trong số đó là chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội. Đặc biệt, mỗi cá nhân cần phải giữ lấy "nếp nhà", giữ lấy "Chân quê" (bài thơ của Nguyễn Bính. Ảnh TTXVN |
Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!
Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?
Bây giờ các nghệ sĩ Bắc Ninh của chúng ta hát dân ca quan họ vẫn mặc áo tứ thân rồi thắt cái khăn mỏ quạ.
Nói ra sợ mất lòng em
Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thày u mình với chúng mình chân quê
Giữ lấy cái chân quê, nề nếp.
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.
Hai nhạc sĩ phổ biến (Nhạc sĩ Song Ngọc phổ nhạc thành bài Hương đồng gió nội và nhạc sĩ Trung Đức phổ nhạc phổ nhạc thành bài hát cùng tên- NV) bài hát này. Từ năm 1936, chân quê, nếp nhà là phải thế đấy. Phải giữ cho được cái tình thuỷ chung, sau trước. Dân ta là như thế!
Các đồng chí có nhớ bài “Việt Bắc” của nhà thơ Tố Hữu không? Bài dài lắm nằm trong tập Việt Bắc. Nói về mối tình, không phải là tình yêu đâu mà tác giả lấy tình yêu để nói về cán bộ kháng chiến ta lên trên miền núi thời kỳ chiến tranh. Đến năm 1954, hoà bình lập lại thì tất cả các cơ quan nhà ta về Hà Nội. Tác giả viết bài “Việt Bắc” như một bài ca dao dài.
Mình về mình có nhớ ta?
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?
Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân ly
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...
…
Ta đi, ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi...
Thương nhau, chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.
Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây.
Núi giăng thành luỹ sắt dày
Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù
Mênh mông bốn mặt sương mù
Đất trời ta cả chiến khu một lòng.
Ý tác giả là cán bộ ta lên chiến khu Việt Bắc, bây giờ về có còn nhớ chiến khu không? Rồi có còn nhớ:
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?
Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già.
Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son
Mình về, còn nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
Và rồi trả lời:
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu...
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy.
Dài lắm… Để rồi người ở trên ấy dặn rằng là:
Mình về thành thị xa xôi
Nhà cao, còn thấy núi đồi nữa chăng?
Phố đông, còn nhớ bản làng
Sáng đèn, còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?
Mình đi, ta hỏi thăm chừng
Bao giờ Việt Bắc tưng bừng thêm vui?
Và rồi lại trả lời:
Đường về, đây đó gần thôi!
Hôm nay rời bản về nơi thị thành
Nhà cao, chẳng khuất non xanh
Phố đông, càng giục chân nhanh bước đường.
Ngày mai về lại thôn hương
Rừng xưa núi cũ yêu thương lại về.
Thế là Tố Hữu đã hẹn quay trở lại chiến khu Việt Bắc đấy!
Mình về, ta gửi về quê
Thuyền nâu trâu mộng với bè nứa mai
Nâu này nhuộm áo không phai
Cho lòng thêm đậm, cho ai nhớ mình”.
Đọc đến đây Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vốn là cựu sinh viên khoa Văn, Đại học Tổng hợp (cũ) đã dừng lại và khẳng định: “Ông về xuôi thì nhớ, lại hứa với trên này. Mình về nhà cao nhưng mà không bao giờ quên trên ấy đâu. Và cũng vạch ra một tương lai của miền núi”:
Ngày mai về lại thôn hương
Rừng xưa núi cũ yêu thương lại về.
Ngày mai rộn rã sơn khê
Ngược xuôi tàu chạy, bốn bề lưới giăng.
Than Phấn Mễ, thiếc Cao Bằng
Phố phường như nấm như măng giữa trời.
Mái trường ngói mới đỏ tươi
Chợ vui trăm nẻo về khơi luồng hàng
Muối Thái Bình ngược Hà Giang
Cày bừa Đông Xuất, mía đường tỉnh Thanh.
Ai về mua vại Hương Canh
Ai lên mình gửi cho anh với nàng
Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng
Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông
Áo em thêu chỉ biếc hồng
Mùa xuân ngày hội lùng tùng thêm tươi
Quang cảnh Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh TTXVN |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giọng nhỏ dần: “Cái tình nghĩa đấy… đọng lại vào cuối đoạn thơ ấy”:
Mình về với Bác đường xuôi
Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người
Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời
Áo nâu túi vải, đẹp tươi lạ thường!
Nhớ Người những sáng tinh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo
Nhớ chân Người bước lên đèo
Người đi, rừng núi trông theo bóng Người...
Hình ảnh Bác Hồ đẹp tuyệt vô cùng! Cưỡi ngựa đi ung dung như thế đấy. Miền núi vẫn nhớ miền xuôi, miền xuôi vẫn nhớ miền núi nhưng Tố Hữu khái quát chỉ “mình” với “ta” thôi. Mượn hình thức ca dao để nói về tình thuỷ chung giữa cán bộ kháng chiến với đồng bào ở trên vùng Việt Bắc. Đấy, giữ lấy cái “nếp nhà”, giữ “chân quê” là như vậy”.