Anh áp dụng nhiều biện pháp kiềm chế khủng hoảng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 1/4, Chính phủ Anh đã tiến hành một cuộc tái tổ chức hệ thống điều chỉnh thị trường tài chính lớn nhất kể từ năm 1997 với mục tiêu giúp bảo vệ tốt hơn đất nước khỏi các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Đặc biệt với nhiều biện pháp, trong đó có tăng vai trò của Ngân hàng T.Ư Anh trong việc đảm bảo hoạt động liên tục của khu vực tài chính. Cải cách này sẽ chấm dứt giai đoạn hoạt động của "cơ cấu bộ ba" do Chính phủ của cựu Thủ tướng Gordon Brawn áp dụng, gồm Ngân hàng T.Ư Anh, Bộ Tài chính và Cơ quan quản lý và giám sát tài chính (FSA), từng bị chỉ trích không ngăn chặn được khủng hoảng hệ thống tín dụng và ngân hàng.

Theo đó, khu vực tài chính sẽ do Ủy ban chính sách tài chính (FPC), Cơ quan điều chỉnh cẩn trọng (PRA) và FCA quản lý theo Luật Dịch vụ tài chính có hiệu lực từ ngày 1/4 nhằm giúp ổn định tài chính, đảm bảo hoạt động điều chỉnh cẩn trọng vĩ mô và vi mô.

FPC do Thống đốc Ngân hàng T.Ư đứng đầu, có nhiệm vụ đánh giá nguy cơ, phân tích xu hướng khủng hoảng và tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề của toàn bộ hệ thống tài chính.

Ủy ban có thẩm quyền yêu cầu các ngân hàng tăng vốn, áp dụng các biện pháp cắt giảm hoặc đẩy mạnh cho vay tùy thuộc tình hình và nhu cầu.

Trong khi đó, trước làn sóng phản đối dữ dội của phe đối lập, Chính phủ Anh hôm 1/4 đã lên tiếng bảo vệ kế hoạch mới về cắt giảm phúc lợi xã hội, coi đây là yếu tố chính trong nỗ lực giảm chi tiêu trong bối cảnh kinh tế tiếp tục suy thoái.

Theo Bộ trưởng Tài chính Anh George Osbonrne và Bộ trưởng Việc làm - Tiền lương Ducan Smith khẳng định kế hoạch mới tăng 1% mức đóng góp cho quỹ phúc lợi trong 3 năm tới sẽ tạo ra một chế độ phúc lợi công bằng hơn và sẽ khuyến khích người Anh làm việc.

 Kinh tế Anh đã trải qua 2 đợt suy thoái kể từ khi Chính phủ do đảng Bảo thủ đứng đầu công bố kế hoạch cắt giảm phúc lợi năm 2010 nên phe đối lập cho rằng, chỉ có người nghèo là đối tượng chịu nhiều thiệt hại nhất từ quyết định trên.