Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, ngay từ sáng sớm nhiều người dân trên địa bàn TP Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận đã có mặt từ sớm để vào chùa Quán Sứ thắp hương trong dịp Rằm tháng 7. |
Được biết, ngày lễ Vu Lan (dịp Rằm tháng 7 Âm lịch hàng năm) được coi là ngày để con cái nhớ về công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Vào ngày này, các phật tử thường làm lễ cúng dường, lễ cầu siêu, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích đức, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc, tăng thọ, hóa giải nghiệp chướng… |
Theo bà Nguyễn Thị Loan (Dịch Vọng - Cầu Giấy), năm nào cũng vậy cứ đến độ các ngày 11, 12 và 13 tháng 7 bà thường đến chùa Quán Sứ để làm lễ cho các cụ trong nhà. |
''Hàng năm những ngày này nhà chùa tổ chức khả độ gia tiên cho các cụ trong thất tổ cửu huyền. Việc làm này giúp mình tinh tấn còn các cụ thì siêu sinh tịnh độ được lên tây phương cực lạc. Nó tốt cho cả mình và thất tổ cửu huyền. Ngoài ra bản thân cũng thấy nhẹ lòng...'' - bà Loan nói. |
Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng nhiều người dân đốt vàng mã dù đã được Giáo Hội Phật giáo Việt Nam khuyến cáo. |
Theo quan niệm của nhiều người dân, ngày lễ Vu lan chính là dịp để mỗi người sống chậm lại, tạm gác lại những xô bồ, hối hả trong cuộc sống mà dành thời gian để tự ngẫm cũng như hướng lòng thành kính về đấng sinh thành, những người đã ban cho chúng ta cuộc sống trên cõi đời này. |
Hoạt động phổ biến nhất là đến chùa thỉnh kinh với mong muốn những người đã khuất và chúng sinh được yên nghỉ, còn những người đang sống có sức khoẻ, hạnh phúc. |
Người dân đi lễ chùa không mâm cao cỗ đầy, mà chỉ chai nước, nén hương, ngói bánh, oản... thể hiện một lòng cung kính. |
Ngoài việc đến chùa thỉnh kinh, mỗi gia đình đều chuẩn bị một mâm cơm cúng để dâng lên gia tiên, cúng phóng sinh cho các linh hồn để báo hiếu và tỏ lòng thành |
Chính vì thế, ngày lễ Vu lan từ xưa đến nay đã trở thành ngày lễ mang nét đẹp nhân văn sâu sắc, ngày càng được bồi đắp, góp phần làm sáng đạo lý của dân tộc Việt Nam. |