Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19: Khách hàng, chủ nhà đều "gặp khó" trong phương án giá thuê

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi TP Hà Nội đang trong những ngày giãn cách xã hội, nhiều chủ nhà đã hỗ trợ khách thuê bằng việc giảm giá, san sẻ cùng nhau vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, không phải chủ nhà nào cũng dư khả năng tài chính để thực hiện.

Người đi thuê nhà gặp khó
Gia đình anh Nguyễn Hồng Sơn (29 tuổi) đang sống ở trong một căn nhà tại ngõ Ngọc Hà (quận Ba Đình) với mức giá thuê 6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến kéo dài, phức tạp, thu nhập của cả 2 vợ chồng anh đều bị giảm sút, khiến áp lực tài chính đè nặng lên gia đình có con nhỏ.
"Vợ tôi là giáo viên, đang dạy online tại nhà, thời gian gần đây thu nhập đã giảm khoảng 30%. Còn tôi làm việc cho công ty nước ngoài cũng trong tình trạng tương tự. Hiện tại, TP Hà Nội đang giãn cách xã hội nên chủ nhà đã hỗ trợ giảm tiền thuê nhà một nửa, nhưng thu nhập của gia đình hiện chỉ đủ chi tiêu hàng tháng. Tôi không thể mở lời đề nghị giảm thêm được nữa, do gia đình chủ nhà cũng đang khó khăn" - anh Sơn thở dài.
Không chỉ khách thuê đang loay hoay trong bài toán kinh tế mà nhiều chủ nhà cũng chịu ảnh hưởng hướng lớn từ làn sóng Covid-19.
Khó khăn hơn là với nhiều người đang còn hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh. Do dịch bệnh kéo dài nên họ đang chịu áp lực lớn từ việc đóng cửa hàng, cửa hiệu, mà nhiều chủ nhà khó có thể giảm thêm giá cho thuê.
Anh Nguyễn Anh Đức (34 tuổi, trú tại Bắc Từ Liêm) cho biết, những ngày giãn cách xã hội thực sự "căng như dây đàn". 2 năm trước, anh có thuê mặt bằng mở một quán bia ở đường Nguyễn Khang với hợp đồng ký theo năm, tiền thuê dao động khoảng 40 triệu đồng/tháng. Thời gian đầu, quán kinh doanh tạm ổn, nhưng rồi dịch bệnh liên tục bùng phát khiến quán mở rồi lại đóng. Những đợt đầu còn cân đối tính toán chi trả, nhưng đến đợt dịch thứ 4, tài chính đã cạn, anh Đức lại phải chạy khắp nơi vay mượn và tìm cách thương lượng với chủ nhà giảm tiền thuê.
Tuy nhiên, chủ nhà không chịu vì chính họ cũng đang trong tình cảnh tài chính cạn kiệt. "Hợp đồng đã ký kết không có điều khoản giảm giá thuê trong bất kỳ trường hợp nào. Nếu tôi trả mặt bằng, sau này thuê lại sẽ rất khó. Nhưng giờ cứ để không mà cầm cự thì khoản nợ sẽ tăng dần, sau này mở lại cũng chỉ kinh doanh để trả mà thôi" - anh Đức than thở.
Chủ nhà khó giảm giá sâu
Chia sẻ về việc không giảm giá thuê phòng trọ trong mùa dịch, chị Trần Hương Thảo (có một khu nhà trọ khoảng 20 phòng ở Phùng Khoang) cho biết, chính gia đình chị cũng đang bị áp lực tài chính đè nặng.
Chị Thảo cho biết, khu nhà trọ này khách thuê chủ yếu là nhân viên văn phòng, giá dao động khoảng trên 2 triệu đồng/tháng. Đây đã là mức giá thuê rất rẻ nên gần 2 năm nay chị không tăng giá để hỗ trợ người thuê nhà phần nào để vượt qua khó khăn.
Bên cạnh đó, gia đình chị Thảo cũng kinh doanh thêm vật liệu xây dựng và nội thất, nhưng tình hình dịch bệnh hiện tại khiến mối làm ăn này phải đóng cửa. "Mỗi tháng các chi phí cần thanh toán và nhiều khoản phát sinh quá nhiều khiến khả năng tài chính của gia đình khó lòng xoay xở. Hầu hết khách thuê nhà hiện tại đều không có ý kiến hay khó chịu với việc giữ nguyên giá thuê. Thay vào đó, tôi thường hỗ trợ khách trọ bằng cách nấu ăn hay phát cơm miễn phí mùa dịch cho khách thuê trọ" - chị Thảo cho hay.
Tương tự, anh Phạm Thanh Hải (chủ một phòng trọ 4 phòng tại đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy) đang loay hoay tìm "cửa sinh", bởi lượng người ở giảm một nửa. Trong khi đó, chủ cửa hàng đang thuê mặt bằng kinh doanh một căn nhà khác của ông cũng trên đường Hoàng Quốc Việt do không thể bù lỗ đã trả lại mặt bằng, thanh lý toàn bộ cửa hàng. Việc này khiến ông vừa phải gồng gánh trả lãi ngân hàng cho tiền xây nhà và mặt bằng, nên 4 phòng trọ của anh Hải cũng chỉ có thể giảm tối đa 50% giá tiền thuê.
"Lúc này mọi người đều khó khăn. Với khách thuê, tôi chỉ có thể miễn phần tiền cho người thuê trong tháng đang bùng phát dịch này. Sau khi hết dịch, đóng gộp lại chứ chính bản thân tôi cũng không đủ khả năng cáng đáng tài chính để mà giảm sâu giá thuê trong mùa dịch" - anh Hải chia sẻ.
Bàn về vấn đề này, ông Đinh Ngọc Tuấn - Chuyên gia kinh tế Công ty TNHH Kiểm toán định giá và Tư vấn tài chính Việt Nam phân tích, dịch bệnh kéo dài, diễn biến phức tạp nên các chủ mặt bằng hay chủ nhà trọ cho thuê trong thời gian này đều đang gặp khó khăn. Thậm chí còn phải tốn nhiều chi phí hơn trước (như chi phí bảo trì, bảo dưỡng tòa nhà, hoặc trả lãi ngân hàng...) nên việc giảm sâu giá thuê hoặc hỗ 100% cho người thuê sẽ rất khó thực hiện nếu không có thêm gói chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.
"Với những ai đang thuê mặt bằng để kinh doanh mà nguồn tài chính đã cạn kiệt thì nên thương lượng với chủ nhà dừng hợp đồng, trả lại mặt bằng bởi dịch bệnh là bất khả kháng. Việc này sẽ tránh được nợ nần, "lãi mẹ đẻ lãi con", sau khi hết dịch làm ăn trở lại" - ông Đinh Ngọc Tuấn chia sẻ.

"Việc Chính phủ quyết định giảm tiền điện, tiền nước để hỗ trợ những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 là việc làm ý nghĩa và cấp thiết cho người lao động. Việc được giảm 10% tiền điện đồng nghĩa sẽ tiết kiệm được 170.000 đồng, cộng thêm tiền nước sạch sinh hoạt được giảm, họ sẽ có thêm thịt, cá cho bữa cơm gia đình" - Chuyên gia kinh tế Công ty Kiểm toán định giá và Tư vấn tài chính Việt Nam Đinh Ngọc Tuấn.