Thăm di tích Bạch Đằng Giang, mỗi chúng ta sẽ vô cùng tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc ta tuy nước không lớn, người không đông nhưng biết đoàn kết, dám đánh, biết đánh và đánh thắng mọi quân xâm lược cậy lớn mạnh, gấp nhiều lần nước ta.
Trên sông Bạch Đằng, dưới sự lãnh đạo của vua Ngô Quyền, quân dân ta lấy gỗ lim làm cọc nhọn bịt sắt đóng xuống lòng sông và dựa vào quy luật lên xuống của nước thủy triều để bẫy quân giặc, đã đánh tan quân Nam Hán năm 938.
Cũng ở cửa sông này, vua Lê Đại Hành đích thân ra trận năm 981 cũng đánh bại thủy quân nhà Tống làm chúng không thể phối hợp với quân bộ tiến đánh nước ta. Lần thứ ba, năm 1288, quân Nguyên Mông hung dữ làm cà châu Âu khiếp sợ lại tan vỡ thảm hại cũng trên dòng sông này trước tài mưu lược của tướng quân Trần Quốc Tuấn. Ba vị anh hùng dân tộc được lập đền thờ và được dựng tượng rất lớn, nhìn ra cửa Bạch Đằng có bãi cọc tái hiện.
Tại khu di tích này có phòng trưng bày hiện vật do Nhân dân địa phương tìm được dưới đáy sông, ngoài các loại vũ khí từ thế kỷ XIII còn có nhiều đồ gốm khá tinh xảo. Ngoài ra, khu di tích còn có 4 tấm bia lớn nêu công tích của vua Ngô Quyền, vua Lê Đại Hành, Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo và Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.