Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Anh Vũ Duy Thông trong tôi

PGS.TS Phạm Quang Long - nguyên Phó Giám đốc ĐH quốc gia
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tôi không còn nhớ lần đầu gặp anh Vũ Duy Thông từ bao giờ. Thơ anh thì đã có bài thuộc nằm lòng từ trước. Còn báo anh viết thỉnh thoảng cũng có đọc vì nghề chúng tôi đọc báo cũng gần như đọc sách văn học. Nó cần cho công việc từ nhiều phía.

Đọc những bài báo của anh Thông, tôi thấy có một góc nhìn chưa hẳn là mới trong cái cách viết phổ biến lúc bấy nhưng vì nghe danh mấy anh là những bậc đàn anh tốt nghiệp khoa Ngữ văn giờ làm ở mấy tờ báo lớn như: Lao Động, Nhân Dân, Quân Đội Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Tổ quốc, Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội..., cách viết cũng có chỗ khác người nên thích. Cái thích này một phần cũng do những thầy cô dạy chúng tôi, lúc này, lúc khác bảo "cô ấy, cậu ấy học khóa này, khóa này khoa mình. Giờ viết chắc tay, thành danh rồi". Tôi thấy trong những lời giới thiệu tưởng như vô tình ấy có cái ân tình của những người thầy, cô với học trò mình, luôn dõi theo từng bước trưởng thành của họ. Cái tên Vũ Duy Thông cũng ấn tượng với tôi từ đó.
Nhà thơ, nhà báo Vũ Duy Thông.

Anh và lớp cùng thời thành danh sớm trong cả sáng tác thơ và làm báo. Từ vị trí công tác của mình, thời trước không biết thế nào nhưng đến thời chúng tôi làm giúp việc cho GS Nguyễn Kim Đính, các anh chị khóa trước ở TTXVN, các tờ báo lớn, Đài Tiếng nói Việt Nam... thường xuyên giữ mối liên hệ và tạo nhiều điều kiện cho sinh viên Ngữ Văn đi thực tập, về nhận công tác ở các đơn vị do các anh phụ trách hoặc làm việc. Là một trong những người chịu trách nhiệm ở khoa, tôi rất biết ơn các anh chị về việc đó. Đặc biệt là lớp các anh chị khóa 7, khóa 8 rất tích cực trong các hoạt động này. Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập khoa, các anh đã tạo thêm thanh thế của khoa với xã hội và các cơ quan chuyên môn, các anh chị đã làm cho xã hội thấy khoa Ngữ văn tuy không chuyên đào tạo ra những người làm báo nhưng học trò Ngữ văn tốt nghiệp xong làm báo rất "được", rất có nghề. Cái phông kiến thức Ngữ văn và các khoa học xã hội, phương pháp làm việc luôn từ những hiện tượng riêng lẻ, tiêu biểu, tìm ra những mối liên hệ giữa chúng ở cả bề nổi và những mạch ngầm, từ mối liên hệ trực tiếp và gián tiếp của sự vật tìm đến quy luật, đến những vấn đề chung. Cách này rất phù hợp với cách làm của báo chí. Lứa các anh chị Trần Mai Hạnh, Trương Đức Anh, Lại Văn Thanh, Vũ Duy Thông, Trần Đình Thảo, Trần Nguyên Vấn, Trần Nhật Thu, Trúc Thông, Hồ Xuân Sơn, Mai Lý Quảng, Nguyễn An Định, Trường Phước, Trần Bảo Hưng, Nguyễn Thị Kim Cúc, Hạnh Nhu, Nguyễn Thị Phương Minh, Nguyễn Hiếu, Dương Xuân Nam, Nghiêm Thanh... là những người như vậy. Noi theo các đàn anh, thế hệ sau như các anh chị Thuận Hữu, Nguyễn Thế Kỷ, Nguyễn Hồng Thái, Nguyễn Thu Hằng, Nguyễn Minh Đức, Tô Phán, Chu Thu Hằng, Nguyễn Tiến Thanh... cũng có đóng góp nhiều mặt cho hoạt động của khoa. Chắc chắn tôi kể còn thiếu tên nhiều anh chị nữa vì chuyện đã lâu, tôi không nhớ hết nhưng trong lòng tôi và nhiều thế hệ sinh viên Ngữ văn luôn biết ơn và nghĩ về các anh chị với lòng tự hào về một trong những cái nôi đào tạo ra nhiều nhà báo, nhà văn nổi tiếng. Các lớp đàn em đi tiếp, có người đi xa hơn các vị cha chú, đàn anh nhưng nếu không có cái nền được thế hệ đi trước khai phá, mở đường, xây dựng thì sao có được như bây giờ. Anh Vũ Duy Thông trước đây có những đóng góp đáng ghi nhận cho công việc này và bây giờ con anh Vũ Duy Hưng cũng theo cha trong việc vừa là trả nghĩa, vừa là giúp đỡ cho ngôi trường mình đã có những năm học tập.
Chơi với nhau, tôi mới biết thêm rằng gia đình anh Vũ Duy Thông và gia đình ông nội vợ tôi vốn là chỗ quen biết. Quê bà nội vợ tôi gốc ở Yên Bài - Mê Linh và họ quen nhau từ những ngày kháng chiến vì gia đình bố vợ tôi tản cư về quê ngoại. Anh Vũ Duy Thông quan tâm nhiều đến công việc của tôi, thỉnh thoảng anh em lại ngồi với nhau trao đổi cả về cuộc sống và công việc. Anh đã hơn một lần khuyên tôi nên "bỏ cái thói amateur cả trong việc chuyên môn lẫn trong quản lý". Anh "mắng" tôi "anh amateur như thế mà vẫn còn làm được chuyện này, chuyện kia, bây giờ nên tập trung vào việc nghiêm túc hơn đi. Anh không bỏ được nghiệp làm quản lý nữa rồi thì giờ tập trung vào đó nhiều hơn, đừng bỏ phí cơ hội". Anh sốt sắng giới thiệu tôi đi chỗ này, chỗ khác nhưng tôi biết giới hạn của mình. Phần vì tôi thích tự do, tôi không muốn bị ràng buộc, phần vì người ta thấy tôi không có năng lực nên không dùng vào những việc anh đã giới thiệu làm anh buồn nhưng tôi lại thấy mình may. Tôi thổ lộ với anh ước mơ được làm báo của mình, anh nhìn thẳng vào mặt tôi, mắt nheo nheo, như cười rồi lắc đầu: "Anh không làm báo được. Làm báo cần đằm tính hơn nữa. Anh thử tính xem nếu tuần nào hoặc tháng nào Tổng Biên tập hay Trưởng ban đã "sai" anh viết bài rồi nhưng lại không dùng được bài của anh vì gai quá anh sẽ thế nào? Anh cứ nghĩ đi nếu thấy chuyện đó không là gì với anh thì tôi sẽ giới thiệu anh đi làm báo. Tôi đảm bảo anh sẽ được toại nguyện". Ngẫm nghĩ mãi, tôi đành xin rút lui ý kiến, từ bỏ mong muốn của mình. Có lẽ tạng tôi khó hợp với nghề viết báo thực.
Vũ Duy Thông là người sắc sảo và cơ chỉ. Khi anh nói với tôi sẽ làm luận án về thơ, do thầy của chúng tôi là GS Hà Minh Đức hướng dẫn, tôi bảo anh: Đề tài anh có nhiều thuận lợi để làm. Anh lại có lợi thế là nhà thơ. Nhưng nên nhớ trước đây anh đọc để thưởng thức, thích thì đọc nên đã không đọc hết, đọc kỹ, bây giờ anh phải đọc lại từ góc nhìn nghiên cứu để kiểm nghiệm lại nhận thức trước đó của mình. Đến lúc ấy hãy lên xây dựng Đề cương nghiên cứu chứ đừng dựng Đề cương luận án từ những gì đã đọc trước đó. Như em, bây giờ muốn làm gì cũng phải đọc lại tư liệu để kiểm nghiệm những hiểu biết trước đó của mình có đáng tin cậy không và bây giờ khi đọc lại có nghĩ thêm được cái gì không? Anh nhìn tôi một lát, ngẫm nghĩ rồi bảo "có lẽ anh đúng. Giờ đọc lại sẽ có cái nhìn tổng thể hơn. Có gì tôi sẽ trao đổi với anh". Nhưng anh cần gì trao đổi với tôi, tôi dù gì cũng là lớp đàn em của anh, anh chịu khó đọc, tích lũy gần suốt một đời nên lúc viết anh thuận lợi là phải.
Khi biết tôi về Hà Nội, anh gọi cho tôi, giọng không vui "Sao anh lại về đó? Tôi tưởng anh về làm chức vụ gì đó chứ làm Giám đốc sở thì xuống chức à? Với lại, ngồi vào cái chỗ của anh là chân đầu sai đấy. Về Giáo dục thì được chứ về Văn hóa mệt lắm. Hay về đó chỉ là bước đệm rồi sẽ đi đâu cao hơn?". Tôi giải thích cho anh lý do tôi về Hà Nội và nếu làm tốt sẽ được ngồi ở đây đến lúc về hưu. Anh bảo "Ừ, có thể thế. Anh ấy đã nói vậy thì anh em mình cũng phải xắn tay áo lên thôi. Tôi cũng vậy. Về mặt nào đó ta có quyền từ chối nhưng từ tình bằng hữu, từ sự tin cậy, thậm chí nhờ vả thì ta không thể chối từ". Anh chúc tôi thành công và quả thật, hơn 8 năm ở vị trí này, không ít lần hoặc tôi gọi cho anh, hoặc anh gọi cho tôi trước những sự việc nào đó mà tôi thấy khó xử. Anh ân cần, lo lắng cho sự yên ổn của tôi.
Tôi chắc anh thương con không đơn thuần chỉ như một người bố thương con. Anh chăm lo cho con từ những điều rất nhỏ và cứ lo con mình gặp khó khăn nhưng anh cũng luôn dạy con mình biết cách vượt lên hoàn cảnh, phấn đấu theo những chí hướng của riêng mình. Điều này tôi đã kiểm chứng một vài lần nhưng cũng là quan sát rồi rút ra kết luận chứ chưa bao giờ trao đổi với anh về việc ấy. Tôi nhớ mãi lần anh ngồi với tôi với một câu hỏi "phải làm thế nào?" để giải quyết một việc vừa tế nhị, vừa khó. Việc không khó đến vậy nhưng do đưa đẩy của cuộc đời và giờ trở nên khó hơn, tưởng như rơi vào ngõ cụt. Tôi bảo cách tốt nhất là giải quyết theo logic sự vật. Đừng sợ người thân không hiểu mình, đừng sợ con cái sẽ đặt câu hỏi sao bố không làm chuyện ấy, chuyện nọ cho con. Anh ngồi một lúc rồi ngẩng lên "tôi nghe anh". Lúc ấy, tôi thấy thương anh rất nhiều. Một người luôn chỉ muốn ôm ấp con, lo cho con từ những chuyện nhỏ nhất mà bây giờ phải buông tay ra để con vượt lên, trưởng thành. Anh đã phải vượt lên chính mình để giải quyết một việc vốn "nhỏ như con thỏ".
Lần cuối, tôi gặp anh ngẫu nhiên trong bệnh viện khi cả hai cùng vào viện. Anh bảo "tôi giờ bị nhiều thứ lắm. Nhưng kệ nó, cứ sống thanh thản thôi. Giờ tiền thuốc nhiều hơn tiền cơm rồi. Mong anh khỏe hơn. Và nhất là bình an nhé". Vâng, như anh đã viết "không có chúng ta hoa hồng vẫn nở mà". Không ngờ, đó là lần gặp cuối cùng. Vĩnh biệt anh, anh Vũ Duy Thông. Không bao giờ tôi quên ánh mắt biết cười của anh khi anh trò chuyện.