70 năm giải phóng Thủ đô

Ankara không thể đứng ngoài cuộc chiến chống khủng bố

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 28/6, giờ địa phương, 3 kẻ đánh bom tự sát đã tấn công sân bay chính của Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ khiến gần 200 người thương vong.

Vụ tấn công khủng bố này buộc chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ không thể đứng ngoài cuộc chiến với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Quang cảnh hỗn loạn ở sân bay Ataturl, Thổ Nhĩ Kỳ ngay sau vụ đánh bom.
Quang cảnh hỗn loạn ở sân bay Ataturl, Thổ Nhĩ Kỳ ngay sau vụ đánh bom.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirin cho biết, ít nhất 41 người thiệt mạng và 239 người khác bị thương trong vụ tấn công sân bay Ataturk. Ông Yildirin gọi vụ việc lần này là “cuộc tấn công khủng bố tàn bạo”, diễn ra trong thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ đang chiến đấu chống lại các nhóm khủng bố và nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Israel và Nga. Trong 2 năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công mà rất nhiều trong số đó là đến từ các chiến binh IS. Ngày 12/1, một kẻ đánh bom tự sát đã phát nổ một bom xe tại Istanbul, khiến 12 du khách Đức thiệt mạng. Kẻ thực hiện là một người Syria có liên quan đến IS. Gần đây nhất, trong cùng tháng 3, liên tiếp 2 vụ đánh bom tự sát lại xảy ra, một tại thủ đô Ankara và một tại TP Istanbul. Trong đó, vụ việc xảy ra ngày 19/3 tại một con phố chính ở Istanbul được xác định do một người quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ có liên quan tới IS thực hiện.

Theo các nhà quan sát, vụ tấn công nhằm vào sân bay đông đúc thứ 3 châu Âu Ataturk là một vụ tấn công có tính biểu tượng nhắm vào trung tâm Istanbul. Vụ tấn công tại sân bay cửa ngõ của hơn 30 triệu du khách đến Thổ Nhĩ Kỳ mỗi năm khiến ngành du lịch bị tổn thương và biến Thổ Nhĩ Kỳ thành nơi không còn an toàn để kinh doanh. Các nhà bình luận phân tích, Thổ Nhĩ Kỳ có đầy đủ yếu tố để nằm trong “tầm ngắm” của IS như quân đội nước này đang dốc sức chống lại các phần tử ly khai người Kurd. Thêm vào đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tham gia vào liên quân do Mỹ đứng đầu trong cuộc chiến chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại nước láng giềng Syria. Và hàng loạt vụ tấn công khủng bố đó đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người.

Vụ tấn công nhằm vào sân bay Ataturk - một trong những sân bay đông đúc nhất trên thế giới là vụ việc mới nhất nhằm vào các sân bay và ngành hàng không ở Trung Đông và châu Âu, xảy ra 3 tháng sau vụ đánh bom tự sát ở sân bay quốc tế tại Brussels, Bỉ cho thấy ngành hàng không thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro. Với tất cả những lý do đó, nhiều nhà phân tích cho rằng, sự kiện lần này buộc Ankara hợp tác sâu rộng hơn với các đồng minh trong liên quân chống IS để "quét sạch" lực lượng khủng bố này.
Ngày 29/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Nguồn tin từ phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, cuộc điện đàm giữa 2 nhà lãnh đạo "rất hiệu quả và tích cực”. Tổng thống Nga đã bày tỏ sự cảm thông với các nạn nhân của cuộc tấn công tại Sân bay quốc tế Ataturk. Cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai lãnh đạo Nga - Thổ sau hơn 7 tháng có khả năng mở ra hướng hợp tác mới giữa hai bên trong cuộc chiến chống khủng bố.