Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Áo mới” cho nông sản Việt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu như trước đây, các sản phẩm nông sản như xoài, chanh, bưởi, chôm chôm… dù có được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, giá bán ra cũng không thể vượt ngưỡng 10.000 đồng/kg.

Nguyên nhân do trái cây hoàn toàn “trần trụi”. Thế mà bây giờ chỉ cần thêm tấm “áo mới" với đầy đủ nguồn gốc, xuất xứ, giá đã nhảy vọt lên gấp 2 – 3 lần…

Giá trị được nâng lên

Thời gian gần đây, nông dân Việt Nam rất tự hào khi biết các sản phẩm nông sản thắng lớn ở nước ngoài. Cụ thể, xoài Cát Chu đã có mặt ở hầu hết hệ thống siêu thị Lotte Mart ở Hàn Quốc; thanh long, xoài cũng đã vào các siêu thị tại Nhật… Mân mê những trái cà chua đỏ mọng, bà Hoài Thanh (giáo viên về hưu, quận 3, TP Hồ Chí Minh) bộc bạch: “Trên trái cà chua này có nhãn mác với các thông tin về nguồn gốc, nơi cung cấp, ngày thu hoạch… khiến người tiêu dùng (NTD) như chúng tôi rất yên tâm. Trước đây mình còn nhập nhèm giữa hàng Việt với Trung Quốc nhưng nay đã có cách phân biệt rồi”.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải thăm gian hàng giới thiệu nông sản sạch tại Hội nghị  tổng kết 5 năm xây dựng nông thôn mới TP Hồ Chí Minh, tháng 10/2015. 	Ảnh: Uyên Phương
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải thăm gian hàng giới thiệu nông sản sạch tại Hội nghị tổng kết 5 năm xây dựng nông thôn mới TP Hồ Chí Minh, tháng 10/2015. Ảnh: Uyên Phương
Khoảng vài tháng trở lại đây, tại các siêu thị trong hệ thống Co.op Mart, Big C… nhiều mặt hàng nông sản như cà chua, bưởi, thanh long... đều được dán nhãn ngay trên vỏ, ghi rõ nguồn gốc, vùng trồng để NTD biết thêm về sản phẩm. Đến các siêu thị, NTD dễ dàng nhìn thấy quy trình làm “thương hiệu” cho nông sản tại đây. Sau khi nhận hàng từ kho, cà chua bi được các nhân viên tuyển lựa, đóng gói vào những hộp nhựa cứng rồi đưa lên kệ. Ngoài ra, các nông sản khác như tỏi Lý Sơn hay thanh long Tiền Giang, Bình Thuận... cũng được tuyển lựa, phân loại trước khi đưa lên quầy trưng bày. Chẳng hạn, tỏi Lý Sơn được chọn lựa những củ còn cứng, tươi mới tránh ẩm mốc trong quá trình vận chuyển, sau đó được đưa vào các túi lưới có gắn nhãn mác đầy đủ nguồn gốc và tiêu chuẩn chất lượng.

Anh Vũ Văn Ba, nông dân huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre phấn khởi: “Nhờ được các DN hỗ trợ về khâu bao bì sản phẩm mà năm nay, giá măng cụt tăng lên thấy rõ. Trước đây giá thu mua tại vườn chỉ 5.000 – 6.000 đồng/kg, nay sản phẩm được đóng thùng, có bao bì đã tăng lên gần 10.000 đồng/kg. Còn nếu bán lẻ ra thị trường khoảng 30.000 – 40.000 đồng/kg măng cụt loại 1. Thực ra, nếu tính chi phí đầu tư bao bì thì mất khoảng 1.000 đồng/kg nhưng bán được số lượng nhiều. Quan trọng là chiếm được lòng tin của khách hàng nên nông dân rất phấn khởi”.

Bao bì sản phẩm không chỉ có tác dụng nâng giá thành mà còn tạo ra giá trị nông sản. Vẫn chưa thôi day dứt vì ham đầu tư giá rẻ, ông Nguyễn Hồng (Đà Lạt) bộc bạch: “Cả vườn hồng rộng ngàn mét vuông của tôi đã bị mang tiếng oan mà mình không biết. Cũng vì có giá rẻ hơn các loại bao bì Việt Nam nên tôi đã đóng gói vào bao bì có chữ Trung Quốc nên hồng mình bị đánh đồng là hồng Trung Quốc. Đây là bài học mà chúng tôi phải rút kinh nghiệm”.

Tương tự, dâu tây Đà Lạt, dứa Cayen Đơn Dương, sầu riêng Đạ Hoai… cũng bị NTD lầm tưởng một thời gian dài. Điều đó cho thấy, việc nên có bao bì và cải tiến mẫu mã bao bì là rất cần thiết với mỗi sản phẩm. Bao bì sản phẩm và thương hiệu cùng tạo dựng hình ảnh cho DN và sản phẩm trong tâm trí khách hàng. Đó còn là một lời cam kết giữa DN và khách hàng. Bao bì và thương hiệu còn giúp phân đoạn thị trường và tạo nên sự khác biệt trong quá trình phát triển của sản phẩm.

Cùng chung tay

Một tín hiệu đáng mừng là ngày càng có nhiều các đơn vị sẵn sàng hỗ trợ nông dân, các DN nhỏ và vừa chú trọng tạo thương hiệu sản phẩm. Cụ thể, với chiến dịch “Sức mạnh Việt Nam” giai đoạn 1 được hệ thống siêu thị Lotte Mart Việt Nam triển khai từ đây đến hết năm 2015. Với chiến dịch này, Lotte Mart sẽ hỗ trợ cho nông dân, ngư dân, các DN nhỏ và vừa về đầu ra sản phẩm với mức giá tốt nhất. Từ đó, người sản xuất yên tâm về đầu ra của sản phẩm, để tập trung nuôi trồng những sản phẩm có chất lượng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Lotte Mart cam kết trong thời gian ngắn nhất có thể đưa được nhiều hơn nữa những nông sản, thủy hải sản khác của các nông dân, ngư dân, các công ty vừa và nhỏ vào hệ thống phân phối của siêu thị. Bên cạnh đó, Lotte Mart cũng sẽ hỗ trợ cho các DN về việc thiết kế bao bì sản phẩm, đưa sản phẩm của các đơn vị trong nước xuất khẩu sang hệ thống Lotte Mart tại các nước như Hàn Quốc, Indonesa, Trung Quốc… Hay Co.op Mart hợp tác với dự án Xây dựng kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm (FAPQDC) do Chính phủ Canada tài trợ nhằm cải thiện chất lượng nông sản thực phẩm theo phương pháp tiếp cận tổng thể trong chuỗi giá trị ngành hàng "từ trang trại đến bàn ăn”. 

Tại các chợ nông sản đầu mối như Hóc Môn, Thủ Đức… việc làm thương hiệu cho nông sản được rất nhiều tiểu thương chung tay góp sức. Như chị Võ Thị Chất (60 tuổi) – chủ vựa E9 (chợ Hóc Môn) đã tìm đến các nhà nông ở Trảng Bàng (Tây Ninh), Củ Chi đặt hàng. Chị còn đầu tư từ cây giống, phân bón và cả kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn, theo dõi, giúp nhà vườn cho ra đời những mặt hàng nông sản đạt chất lượng. Sau đó cho xe xuống tận vườn thu mua, phân loại rồi đóng thùng có nhãn mác, số điện thoại, địa chỉ của vựa rồi mới phân phối đến tiểu thương các chợ. Nhờ đó, mặt hàng nông sản của vựa E9 đã được xuất sang cả Malaysia, Singapore...

Còn tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, hơn 70 tiểu thương đã tham gia làm thương hiệu cho hàng hóa nông sản từ trái ớt, củ hành, khóm ngò cho đến bưởi, chanh, xoài… Những loại nông sản này còn được tiểu thương đăng ký xây dựng thương hiệu, có đầy đủ thông tin nhãn mác, truy xuất nguồn gốc… Tiểu thương tự bàn bạc với nhà vườn áp dụng các bước sản xuất nông sản sạch. Sau khi nhà vườn đã làm đúng quy trình, có sản phẩm đầu tay đem lên chợ đầu mối thì được cơ quan chức năng lấy mẫu, nếu đạt hai bên tiến hành thỏa thuận hợp tác.

Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho biết: “Việc xây dựng thương hiệu đối với mặt hàng nông sản tại chợ là rất cần thiết và đem lại nhiều lợi ích, bởi khi có thương hiệu, NTD sẽ tín nhiệm. Hiện nay, tiểu thương tại chợ nông sản Thủ Đức đã mày mò, nghiên cứu đưa ra những thương hiệu riêng cho sản phẩm khi liên kết với nông dân, như trái ớt đã bán đi khắp cả nước, sang Lào, Campuchia”.