Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áp đặt sẽ khiến môi trường cạnh tranh méo mó

Ngọc Anh - Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không thể phủ nhận Luật Cạnh tranh 2004 đã phát huy tác dụng trong thời gian qua, nhưng trong bối cảnh hội nhập sâu rộng thì việc sửa đổi lúc này rất cần thiết nhằm tạo tính công bằng của môi trường kinh doanh để DN nâng cao năng lực của mình.

Thay đổi để phù hợp
Luật Cạnh tranh đã trải qua 12 năm thực thi và có sự ảnh hưởng, tác động tích cực nhất định đến môi trường kinh doanh của Việt Nam. Tuy nhiên, ông Bạch Văn Mừng - Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) thẳng thắn nhìn nhận, có rất nhiều lý do khác nhau nên sự ảnh hưởng của Luật còn nhiều hạn chế. Là cơ quan được giao nhiệm vụ soạn thảo những nội dung sửa đổi, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành nghiên cứu và tham khảo nhiều mô hình các nước ở ASEAN, châu Mỹ, châu Á, châu Âu… với mong muốn sửa Luật sát thực tiễn để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển chia sẻ về dự thảo sửa đổi Luật Cạnh tranh. Ảnh: Khắc Kiên

“Ban dự thảo sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp, hoàn thiện trình lên Chính phủ và Quốc hội thông qua với mong muốn Luật Cạnh tranh sửa đổi hiệu quả và chất lượng, nhằm đáp ứng được mong muốn của các DN” – ông Mừng khẳng định.
Từng là người chủ trì xây dựng Luật Cạnh tranh năm 2004, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển chia sẻ, Việt Nam là một trong những nước Đông Nam Á đầu tiên xây dựng luật này và tại thời điểm đó được đánh giá khá tốt khi Luật phát huy tác dụng với nhiều chức năng. Thứ nhất, xử lý vấn đề cạnh tranh, thứ hai là vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, thứ ba là vấn đề phòng vệ thương mại, chống bán phá giá. Tuy nhiên, ông Tuyển cho rằng, xét về mặt mô hình cạnh tranh lúc đó thì khá hợp lý, nhưng với dự thảo đệ trình hiện nay cho thấy Luật đang tồn tại không ít bất cập.
Đảm bảo tính minh bạch
Theo ông Tuyển, một trong những nội dung sửa đổi là mô hình tổ chức. Về nội dung này yêu cầu thứ nhất quan trọng đối với cơ quan cạnh tranh phải đảm bảo tính độc lập. Thứ hai, phải đảm bảo nhân lực và tài chính. Thứ ba, mọi hoạt động trong Luật phải minh bạch và có ràng buộc hành chính. “Tôi ủng hộ mô hình mới để tăng vị thế, chuyện nghiệp hơn, có nguồn lực tài chính, tăng quyền hạn rõ ràng và bản lĩnh cho cán bộ trong cạnh tranh. Nhưng rất mong Chính phủ tập trung giải quyết và đảm bảo tính công bằng của môi trường kinh doanh” - ông Tuyển nói. Đồng thời cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân hiện được coi là động lực chính trong phát triển kinh tế nhưng không có nghĩa là khu vực này đã phát triển lành mạnh. Do đó, phải lường trước được những yếu tố phát sinh, đặc biệt quan trọng nhất là đảm bảo đủ nguồn lực về tài chính và nhân lực.
Trong khi đó, TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, bộ máy hiện nay cần nhìn rộng hơn chứ không thể nhìn phiến diện về thiết kế thay đổi vai trò chức năng của Nhà nước. Có nhiều quy định phải bỏ, bổ sung những quy định mới, nhưng nếu cứ loay hoay không biết loại bỏ và thêm gì thì đó là do sự tiếp xúc xơ cứng về tư duy, đi ngược lại sự phát triển của tự nhiên. Trong nền kinh tế thị trường, vai trò của Nhà nước không chỉ là quản lý, mà còn ban hành các chính sách làm cho thị trường vận hành tốt hơn, lành mạnh, minh bạch hơn dưới sự giám sát của cơ quan thực thi pháp luật. “Cần phải nhìn rộng hơn, phù hợp với bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện đại. Muốn vậy cần thay đổi tư duy, chứ không có cơ quan hay bộ trưởng nào có quyền áp đặt” - ông Cung nhấn mạnh.
Theo tiến trình, Luật Cạnh tranh sửa đổi sẽ được trình lên Quốc hội thông qua vào nửa đầu năm 2018. Luật được tiến hành sửa đổi trên nhiều nội dung, trong đó “Mô hình và địa vị pháp lý” của Luật Cạnh tranh là một điểm đáng lưu ý cần xem xét sửa đổi vì chức năng của cơ quan thực thi chưa đủ tác động như kỳ vọng.