Kinhtedothi - Đây là một trong những nội dung được nêu ra tại buổi họp báo công bố Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ do Tòa án Nhân dân tối cao tổ chức chiều 29/10.
Theo ông Nguyễn Sơn - Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao: "Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng thẩm phán TANDTC lựa chọn và được Chánh án TANDTC công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử".
Ông Nguyễn Sơn - Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao (ở giữa) giới thiệu Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ
|
Áp dụng án lệ chính là phương thức hiệu quả để khắc phục các khiếm khuyết của pháp luật, bảo đảm việc áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử, tạo lập tính ổn định, minh bạch và tiên liệu được trong các phán quyết của Tòa án, qua đó có tác dụng hướng dẫn các hành vi ứng xử không chỉ đối với các bên trong vụ án, mà còn đối với cả cộng đồng xã hội.
Để bảo đảm chất lượng và giá trị pháp lý của án lệ thì việc ban hành án lệ phải được tiến hành thông qua một quy trình hết sức chặt chẽ từ khâu rà soát, phát hiện, đề xuất phát triển thành án lệ đến lấy ý kiến, tư vấn, thông qua, công bố án lệ; đồng thời phải đưa ra được các tiêu chí lựa chọn bản án, quyết định để phát triển thành án lệ, nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, bảo đảm việc áp dụng thống nhất trong thực tiễn, theo đó các quy định về quy trình ban hành và áp dụng án lệ cần phải được cụ thể hóa bằng một văn bản quy phạm pháp luật, có hiệu lực bắt buộc chung…
Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ gồm 10 điều. Trong đó, hướng dẫn chi tiết về khái niệm án lệ và giá trị pháp lý của án lệ; hướng dẫn về các tiêu chí lựa chọn án lệ. Theo đó, án lệ được lựa chọn phải đáp ứng được các tiêu chí sau: phải chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể; phải có tính chuẩn mực; phải có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất trong xét xử…
Nghị quyết cũng hướng dẫn về việc rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ, tiến hành theo định kỳ 6 tháng; hướng dẫn về việc tổ chức lấy ý kiến đối với bản án, quyết định được để xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ.
Hội đồng tư vấn án lệ do Chánh án TANDTC thành lập để thảo luận, cho ý kiến đối với các nội dung của bán án, quyết định được đề xuất lựa chọn làm án lệ theo đề nghị của Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị tư vấn, Chủ tịch Hội đồng tư vấn án lệ tổ chức phiên họp để thảo luận, cho ý kiến về các nội dung của bán án, quyết định được đề xuất lựa chọn làm án lệ và báo cáo Chánh án TANDTC kết quả họp tư vấn.
Án lệ được thông qua, sẽ được công bố và đăng trên Tạp chí TAND, Cổng thông tin điện tử TANDTC; được gửi cho các Tòa án và được đưa vào Tuyển tập án lệ xuất bản theo định kỳ 12 tháng.
Thời điểm áp dụng án lệ có hiệu lực áp dụng là 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc được ghi trong quyết định công bố án lệ của Chánh án TANDTC.
Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết giống nhau.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/12/2015.