Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áp dụng biện pháp tự vệ thương mại: Thận trọng để tránh lợi bất cập hại

Phạm Bích
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tự vệ thương mại thường được ví như chiếc van an toàn mà quốc gia nhập khẩu có thể cân nhắc sử dụng nhằm bảo vệ ngành sản xuất nội địa trước hàng hóa nhập khẩu.

Tuy nhiên, ngay cả khi việc tự vệ cho phép đạt được mục đích thì, quốc gia nhập khẩu sẽ phải đối diện với nhiều vấn đề nan giải khác như hệ quả của việc áp dụng biện pháp tự vệ này.

Ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp hạ nguồn

Trong nhiều trường hợp, hàng hóa nhập khẩu bị áp dụng biện pháp tự vệ là nguyên liệu, vật liệu đầu vào của ngành công nghiệp khác. Do đó, khi hàng hóa đó bị áp dụng biện pháp tự vệ dẫn đến giá cả buộc phải tăng lên thì giá sản phẩm đầu ra của những ngành công nghiệp có liên quan sẽ tăng theo. Điều này không chỉ gây khó khăn cho việc lưu thông hàng hóa của các DN hạ nguồn mà còn khiến các DN này mất dần vị thế cạnh tranh so với những đối thủ sử dụng hàng hóa nội địa (hàng hóa được bảo hộ) làm nguyên liệu, vật liệu đầu vào.

Sản xuất thép ống tại Công ty Bắc Việt.         Ảnh:  Trần Việt

Một trong những ví dụ điển hình của vấn đề này là mặt hàng phôi thép và thép dài trong vụ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với mã số SG04. Chỉ với quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời, giá thép đã tăng đột biến từ 10,3 - 10,7 triệu đồng/tấn lên đến khoảng 12,4 - 12,6 triệu đồng/tấn. Việc giá thép tăng mạnh đã khiến nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh BĐS phải đối diện với hàng loạt khó khăn, bởi lẽ thép là nguyên liệu đầu vào quan trọng và không thể thiếu đối với các công trình xây dựng, đặc biệt với các dự án đang triển khai xây dựng phần móng và phần trụ, giá thép thông thường chiếm đến khoảng 30 - 40% giá cấu thành của một công trình xây dựng. Điều này dẫn đến gián đoạn trong việc mua thép, gây chậm trễ tiến độ thi công và làm phát sinh chi phí kéo dài tiến độ thi công cùng hàng loạt hệ luỵ khác.

Trong nhiều trường hợp, hàng hóa nhập khẩu bị áp dụng biện pháp tự vệ là sản phẩm của các ngành công nghiệp nặng. Việc bị áp dụng biện pháp tự vệ sẽ thúc đẩy DN xuất khẩu tìm kiếm các phương án kinh doanh hiệu quả hơn, không loại trừ phương án thành lập DN tại Việt Nam và tiến hành các công đoạn sản xuất ngay trong lãnh thổ Việt Nam để được xem là DN nội địa và từ đó có thể thoát khỏi sự điều chỉnh của biện pháp tự vệ. Đối mặt với thực tế này là sự tác động tiêu cực không hề nhỏ đến môi trường, điển hình là đối với trong ngành sản xuất thép. Theo thống kê của Hội Khoa học kỹ thuật đúc – luyện kim Việt Nam, để sản xuất được một tấn thép thô bằng công nghệ lò cao sẽ phải thải ra hơn 585 kg chất thải rắn, trong đó có 455kg xỉ. Đồng thời, mỗi tấn thép thô sản xuất còn tạo ra 3m3 nước thải độc hại có chứa hỗn hợp kim loại nặng rất cao, rất nguy hại đối với môi trường sống và lượng khí thải ra từ việc sản xuất một tấn thép thô có 2,3 tấn khí CO2 cùng các loại khí CO, SO2, NOx, bụi và bụi kim loại.

Người tiêu dùng chịu thiệt

Khi giá cả các sản phẩm thay đổi theo chiều hướng gia tăng, người bán thường sẽ có tâm lý cất giữ hàng và tạo ra sự khan hiếm ảo về nguồn cung, khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn để có thể tiếp cận nguồn hàng hóa với giá cả hợp lý. Đơn cử, trường hợp của mặt hàng thép, theo ước tính chung, trung bình một căn nhà phố cần 10 tấn thép thì với mức tăng từ 2 - 2,5 triệu đồng/tấn thép sẽ khiến cho người tiêu dùng phải chi thêm 20 triệu đồng. Việc tăng giá thép cũng sẽ khiến cho giá bán bất động sản tăng từ 5 - 10% và không ai khác ngoài bộ phận dân chúng là những người phải gánh chịu toàn bộ chi phí gia tăng này. Như vậy, liệu có phải việc áp dụng biện pháp tự vệ đang gián tiếp tạo điều kiện cho các DN có lý do để tăng giá và người chịu thiệt hại cuối cùng vẫn chỉ là người tiêu dùng?

Một vấn đề đáng quan tâm trong vụ điều tra áp dụng tự vệ đối với tôn màu nhập khẩu là giả định trường hợp biện pháp này được áp dụng, một loạt các nhà sản xuất tủ lạnh, máy giặt và các thiết bị điện gia dụng khác như Samsung, Panasonic, LG… sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong nước hiện tại chưa có khả năng cung cấp các sản phẩm tôn mạ màu với chất lượng đạt tiêu chuẩn chứng nhận an toàn của châu Âu (chứng nhận không có chất độc hại - Rosh) và có mẫu mã đẹp để sản xuất vỏ của các thiết bị này nên buộc phải nhập từ Hàn Quốc, Trung Quốc. Do đó, nếu biện pháp tự vệ được áp dụng, các nhà sản xuất hạ nguồn chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất, thậm chí bị phá sản do giá nguyên liệu đầu vào quá cao, không cạnh tranh được. Người lao động tại những DN này đối diện với việc mất việc làm trong khi người tiêu dùng phải mua sản phẩm nhập khẩu với giá cao, hoặc không có cơ hội tiếp cận với các mặt hàng điện gia dụng đẹp, chất lượng, an toàn với gia đình và môi trường. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh ASEAN Bloomberg 2016 diễn ra sáng 8/12/2016 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định và cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ trở lại và là một trong nhiều thách thức lớn với kinh tế khu vực.

Khoản 2 Điều 19 Pháp lệnh về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam quy định như sau: “Các biện pháp tự vệ quy định tại Pháp lệnh này có thể không được áp dụng, nếu việc áp dụng các biện pháp đó dẫn đến một trong các hậu quả sau đây: Gây thiệt hại đến kinh tế - xã hội trong nước; Gây thiệt hại đến lợi ích của đa số các nhà tiêu thụ hàng hóa; Các hậu quả khác do Chính phủ xác định”.