Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áp dụng các gói hỗ trợ đặc biệt: Cú hích cho nền kinh tế

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chính phủ đã có một số giải pháp tháo gỡ khó khăn như gói hỗ trợ về tiền tệ 300.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ về tài khóa miễn, giãn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất 180.000 tỷ đồng; gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng; đồng thời giải ngân hết 30 tỷ USD vốn đầu tư công...

Tại nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương ngày 10/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu một số bộ ngành, địa phương khắc phục ngay tình trạng trì trệ, chậm trễ để hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Nhiều ngành kinh tế gặp khó

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, dưới tác động của Covid-19, GDP quý 1 của Việt Nam chỉ tăng 3,82%. Đây đã là mức tăng trưởng cao so với khu vực, nhưng lại là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2011. Nền kinh tế đang suy yếu cả cầu và cả cung. Các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, tiêu dùng đều chứng kiến sự sụt giảm mạnh. Các DN hoạt động trong các lĩnh vực như xây dựng, bất động sản, hàng không, thương mại, xuất khẩu... đều gặp khó khăn, thị trường thu hẹp, giảm quy mô lao động. Trong bối cảnh đó, gần 30% số DN chỉ duy trì được hoạt động trong vòng không quá 3 tháng, 50% số DN chỉ trụ được trong không quá 6 tháng do thiếu cả thị trường đầu vào và đầu ra.

Hiện tại Covid-19 đang gây hậu quả lớn lên toàn bộ các nền kinh tế thế giới. Nhiều đối tác lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản đều gặp phải những khó khăn, thiệt hại nghiêm trọng. Nhiều tổ chức uy tín quốc tế, trong đó có cả Liên Hợp Quốc, đã lên tiếng cảnh báo thế giới về một cuộc đại suy thoái với quy mô thậm chí còn nặng nề hơn cuộc khủng hoảng 2008-2009. Các nền kinh tế có thể đối mặt với tăng trưởng âm và mức thiệt hại tới hơn 5.000 tỷ USD. Chính vì lẽ đó, các quốc gia trên toàn thế giới đang có những biện pháp mạnh về kích thích kinh tế với quy mô chưa từng có. Nhà nước cũng đang có những bước vào nền kinh tế lớn hơn, nhiều hơn, quyết liệt hơn cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008-2009. “Chúng ta cần hành động nhanh, hành động ngay, làm càng sớm càng tốt khi dịch đã được ngăn chặn thì mới có thể giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến đời sống kinh tế-xã hội”, Thủ tướng nêu rõ.

Chính phủ đã có một số giải pháp tháo gỡ khó khăn như gói trợ an sinh xã hội, tiền tệ, tài khóa… Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tập trung thực hiện ngay các giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các cấp, ngành và địa phương. Riêng với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì sẽ báo cáo Quốc hội ngay sau Hội nghị này.

Gói hỗ trợ tài khoá 180.000 tỷ đồng: 98% DN được giãn, hoãn tiền thuế

Cho đến nay, Bộ Tài chính đã trình và Chính phủ ban hành Nghị định 41/2020 về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm tháng và gói hỗ trợ giãn thuế, tiền thuê đất này lên tới 180.000 tỷ đồng. Cụ thể, Nghị định số 41/2020NĐ-CP về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Dự kiến có khoảng 98% DN đang hoạt động (khoảng 740.000 DN) thuộc diện được giãn thuế và tiền thuê đất với tổng mức khoảng 180.000 tỷ đồng.

 Điểm cầu tại Bộ Tài chính theo dõi Thủ tướng Chính phủ phát biểu

Chính phủ sẽ gia hạn nộp các loại thuế thu nhập DN, thu nhập cá nhân, GTGT và tiền thuê đất trong 5 tháng. Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2020 thu ngân sách ước giảm khoảng 150.000 tỷ đồng, nhưng các phương án tài chính hỗ trợ rất lớn cho người dân, DN trước “bão dịch” Covid-19. 

Theo cơ quan thuế, để đơn giản trong quá trình thực thi gói hỗ trợ này thì DN chỉ cần làm đơn đề nghị và nộp 1 lần cho các cơ quan quản lý thuế trực tiếp, và có mẫu đơn đính kèm. Các loại thuế xin gia hạn, DN chỉ cần điền vào mẫu và gửi cho cơ quan Thuế trước 30/7/2020. Đơn xin gia hạn được gửi cùng với hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng (có loại khai theo tháng, có loại khai theo quý).

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, ngoài gói hỗ trợ trên, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính cũng đang rà soát, cắt giảm các loại phí, lệ phí.

Các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước lúc này thể hiện vai trò "bà đỡ" của Nhà nước có ý nghĩa thiết thực, cấp bách sống còn và nhân văn nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa góp phần thực hiện phòng, chống dịch, nhưng phải tiếp tục tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân củng cố niềm tin của nhân dân vào đường lối, chủ trương, biện pháp thực thi của Đảng, Nhà nước. Điểm đặc biệt của gói hỗ trợ chưa có tiền lệ vừa được Chính phủ ban hành là hỗ trợ cho cả người lao động tự do, không có hợp đồng lao động. Đây là nhóm rất khó xác định cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nhất là chính quyền địa phương nơi quản lý, theo dõi, gần gũi dân cư để thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi

Cụ thể như: miễn lệ phí môn bài đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và DN, hộ gia đình, cá nhân thành lập mới trong năm đầu, chi nhánh, địa điểm kinh doanh, văn phòng đại diện do DN nhỏ và vừa thành lập trong thời gian DN nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài... Các loại phí khác cũng giảm sâu như: Lệ phí đăng ký DN giảm 70%, phí công bố thông tin DN giảm 67%, phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính giảm 50 - 70%. Tổng số phí dự kiến nếu cắt giảm sẽ là 500 tỷ đồng.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư điều chỉnh giảm giá 10 - 50% đối với 9 nhóm dịch vụ và miễn hoàn toàn giá đối với 6 nhóm dịch vụ thuộc lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Bộ cũng đề xuất Chính phủ để trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới đây quyết định thực hiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN để hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ ngay từ 1/7/2020 (theo lộ trình ban đầu thì dự kiến áp dụng từ 1/1/2021). Theo đó, dự kiến áp dụng thuế suất 15 - 17% tùy thuộc vào quy mô doanh thu và số lượng lao động của DN, đồng thời cho phép miễn thuế thu nhập DN trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với DN nhỏ, DN siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh. “Trường hợp thực hiện từ tháng 7/2020, thì dự kiến sẽ có khoảng 700.000 DN (chiếm khoảng 93% tổng số DN trong cả nước) được hưởng lợi, qua đó giảm nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước năm 2020 khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng (cả năm là 15,6 nghìn tỷ đồng).

Gói hỗ trợ tín dụng 300.000 tỷ đồng: Gia hạn nợ, giảm lãi suất

Về gói hỗ trợ tiền tệ, đối tượng được vay là các lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và cần vốn để tăng trưởng mạnh sau khi dịch kết thúc như sản xuất và nông nghiệp, thuỷ sản, các dịch vụ y tế, lĩnh vực điện... Các DN bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19 được giải ngân nếu đảm bảo khả năng trả được nợ.

Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, vào cuối tháng 3/2020, các tổ chức tín dụng đã bắt tay vào việc giảm lãi suất cho vay 2%/năm đối với các khoản vay hiện hữu lẫn khoản vay mới. NHNN yêu cầu các TCTD công khai minh bạch các thủ tục với khách hàng. Tạo điều kiện cho khách hàng cơ cấu lại thời gian trả nợ kể cả nợ gốc và lãi với các khoản vay đến hạn trả nợ, trong thời gian từ 23/1/2020 đến sau 3 tháng mà không bị chuyển nợ quá hạn, không phải trả gốc lãi cho giai đoạn này mà vẫn tiếp tục được vay mới. 

 Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng

Thống kê đến nay, toàn hệ thống đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và giảm lãi suất cho vay mới trên 300.000 tỷ đồng; trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khoảng 18.000 tỷ đồng, giảm lãi suất cho khoảng 126.500 tỷ đồng, cho vay mới gần 180.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, NHNN đã chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ trên 40.000 khách hàng (chủ yếu là hộ nghèo) với dư nợ cho vay khoảng 1.400 tỷ đồng; cho vay mới hơn 275.000 khách hàng với doanh số khoảng 12.000 tỷ đồng. Đồng thời, NHNN cũng đang tổng hợp các kiến nghị, báo cáo Thủ tướng xem xét giảm lãi suất cho vay một số đối tượng, một số chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội để giảm bớt khó khăn cho đối tượng chính sách.

Về điều hành tín dụng, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết đến ngày 31/3, dư nợ cho vay tăng 1,3% so với đầu năm. Năm 2020, NHNN dự kiến tín dụng tăng thêm khoảng 900.000 tỉ đồng đến 1,1 triệu tỷ đồng, tức mức tăng dự báo khoảng 11%-14%. 

"Trong bất cứ tình huống nào, NHNN cũng điều hành hoạt động ngân hàng bảo đảm cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, kể cả trong giai đoạn phòng chống cũng như phục hồi sau dịch với mức lãi suất cho vay thấp hơn; tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để có các điều chỉnh về chính sách tiền tệ mạnh hơn nếu cần thiết, khẩn trương xem xét chỉnh sửa các quy định của pháp luật nếu cần để đáp ứng nhanh các yêu cầu phòng chống dịch bệnh trong hệ thống ngân hàng"- ông Hưng nói .

Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng tác động của dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến khoảng 2 triệu tỉ đồng cho vay, tức là 23% dư nợ hiện hữu. Do đó, NHNN sẽ tiếp tục có những biện pháp mạnh mẽ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng đồng hành cùng với khách hàng để tăng thêm hiệu quả sử dụng vốn trong thời gian tới.

Thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng: Hỗ trợ đối tượng an sinh xã hội 3 tháng, chi trả 1 lần

Có thể thấy quy mô của gói kích thích lần này lớn hơn nhiều so với gói 8 tỷ USD Việt Nam từng tung ra sau đại khủng hoảng năm 2009. Nhưng ngoài khía cạnh tích cực, vẫn còn đó những rủi ro về lâu dài không thể không quan tâm. Viễn cảnh bùng nổ tín dụng, đảo và giãn nợ có thể khiến nợ xấu tăng vọt các năm sau đó. Về dài hạn, nếu việc thực thi chính sách hỗ trợ kém hiệu quả, nguồn tiền không đổ vào những lĩnh vực sản xuất tạo giá trị bền vững cho tăng trưởng kinh tế thì lạm phát có thể trở thành mối lo ở giai đoạn sau.

TS Nguyễn Trí Hiếu

Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết về gói an sinh xã hội lên tới 62.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Đây là gói “tiền tươi” đầu tiên từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ người dân trong đại dịch với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Gói này có hai cấu phần, phần 36.000 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp thiệt hại do dịch Covid-19, phần còn lại là hỗ trợ gián tiếp thông qua việc cho phép DN tạm ngừng đóng quỹ hưu trí đối với lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người nghèo, hộ cận nghèo sẽ thực hiện hỗ trợ 3 tháng, chi trả 1 lần.

Với đối tượng có quan hệ lao động, việc hỗ trợ thực hiện tối đa trong 3 tháng. Tháng nào bị giảm sâu thu nhập, đủ điều kiện thì hỗ trợ tháng đó. Về việc cho DN vay lãi 0% để trả lương, DN sẽ đứng ra vay, Ngân hàng Chính sách xã hội chi trả trực tiếp vào tài khoản của người lao động. Đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng (lao động tự do), Bộ trưởng LĐTB&XH nhận định đây là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp, lớn nhất của dịch Covid-19, cần quan tâm và cũng là nhóm khó xác định nhất, dễ nảy sinh hệ lụy.

Bộ LĐTB&XH sẽ phối hợp các bộ, ngành và trình Thủ tướng quyết định một số nhóm và đối tượng cụ thể, tập trung vào những công việc cơ bản như: Người bán hàng rong, quà vặt; lao động thu gom rác; người làm nghề bốc vác xe đẩy; lái mô tô 2 bánh chờ khách (xe ôm), xe xích lô; người bán vé số lưu động (không bao gồm các đại lý); người lao động tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.

Danh sách các đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng do chủ tịch UBND tỉnh, TP chịu trách nhiệm chỉ đạo rà soát, xem xét, phê chuẩn trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch trong từng tổ dân phố, thôn, xóm và niêm yết công khai ở cấp xã, phường.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh trong quá trình triển khai, không được để tiền của người dân "đi lạc đường" và phải xử lý các vi phạm ở mức nghiêm minh nhất.

 

Giải ngân 30 tỷ USD vốn đầu tư công 

Ngoài các gói hỗ trợ trên, kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo điều hành. Tình hình càng khó khăn càng phải tập trung thực hiện cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục, nhằm giúp tiết giảm chi phí cho người dân và DN. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công. Thủ tướng yêu cầu các ngành phải giải ngân hết vốn còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020 với tổng số vốn gần 700 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 30 tỷ USD. Người đứng đầu các ngành, địa phương không chịu giải ngân phải bị kiểm điểm trách nhiệm. Đến tháng 9 năm nay, nếu không giải ngân thì Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội để chuyển vốn sang dự án khác.

Đặc biệt, Chính phủ có chủ trương giải ngân các dự án trọng điểm, cấp bách đối với một số dự án giao thông như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay quốc tế Long Thành... Thủ tướng yêu cần phải giao nhiệm vụ cụ thể và có chế tài xử lý nghiêm minh nếu để xảy ra chậm trễ trong việc triển khai. Thủ tướng cũng đề nghị thành lập tổ công tác đặc biệt để giám sát kiểm tra tiến độ giải ngân của các dự án.

Ngoài các gói hỗ trợ như gói trợ an sinh xã hội (khoảng 62.000 tỷ đồng) đã được ban hành. Gói hỗ trợ về tiền tệ (được nâng lên mức 300.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ về tài khóa (180.000 tỷ đồng) còn có gói hỗ trợ giá điện (khoảng 12.000 tỷ), gói hỗ trợ giá viễn thông (khoảng 15.000 tỷ đồng) chưa từng có tiền lệ được triển khai. Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý “cú đấm thép” là số vốn đầu tư công gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD, cần giải ngân hết trong năm nay. Các chuyên gia đánh giá, ba chính sách chủ công là chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, đầu tư công và Chính phủ đã gấp rút triển khai sẽ là lực đẩy cho mục tiêu kinh tế xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Với 98% tổng số DN, có nghĩa là tuyệt đại đa số DN sẽ được hưởng gói hỗ trợ tài khoá rất tích cực này từ phía Nhà nước. Đây là tín hiệu rất mừng cho khu vực DN trong bối cảnh tác động của dịch bệnh tiêu cực và khá toàn diện tới tất cả các DN. Mặc dù lần này đối tượng thụ hưởng hỗ trợ gần như là tuyệt đại đa số, tuy nhiên việc xác định đúng tối tượng cũng vẫn rất quan trọng để tránh bị lạm dụng, kể cả từ phía cơ quan quản lý cũng như đối tượng thụ hưởng. Rút kinh nghiệm những lần trước, việc hỗ trợ này cần phải dựa trên nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng.

TS Vũ Đình Ánh