Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu đảm bảo công khai, minh bạch

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Để hạn chế tác động tiêu cực của thuế tối thiểu toàn cầu đối với thu hút đầu tư tại Việt Nam cần có các giải pháp hỗ trợ tài chính, đảm bảo không vi phạm quy tắc, phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế, công khai minh bạch.

Ngày 8/4,  Bộ Tài chính đã tổ chức Hội thảo: “Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam".

Sớm thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu

Phát biểu tại Hội thảo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nguyên tắc áp dụng của Thuế tối thiểu toàn cầu mà OECD/G20 công bố, các nước thành viên không bắt buộc phải áp dụng nhưng nếu lựa chọn áp dụng các quy định này thì các nước sẽ phải thực hiện nhất quán theo hướng dẫn. Trong trường hợp một nước không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận các quy định Thuế tối thiểu toàn cầu được các thành viên khác áp dụng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam".
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam".

Đến nay, hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu và Thuỵ Sĩ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, HongKong, Australia… đã xác nhận sẽ áp dụng quy tắc thuế suất tối thiểu 15%, bắt đầu từ năm 2024. Trong đó, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản… là các nước có số vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam, và là các nước có nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của Thuế tối thiểu toàn cầu.

Trong khi đó, tại Việt Nam hiện có 1.015 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, có hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của Thuế tối thiểu toàn cầu khi được áp dụng từ năm 2024. Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu thì các quốc gia này sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng hơn 12 nghìn tỷ đồng. Như vậy, các biện pháp ưu đãi thuế sẽ không còn nhiều tác dụng, từ đó đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam.

Trước thực tế này, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD (do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng vào tháng 8/2022). Tháng 2/2023, Bộ Tài chính đã thành lập Nhóm giúp việc Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD. Ngày 31/3/2023, Bộ Tài chính đã báo cáo trực tiếp Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp về thuế suất tối thiểu toàn cầu, tác động và ảnh hưởng đối với Việt Nam. Tham dự cuộc họp còn có lãnh đạo và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, hiện nay, Bộ Tài chính đang khẩn trương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất triển khai các giải pháp ứng phó cho Việt Nam.

Quang cảnh Hội thảo “Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam"
Quang cảnh Hội thảo “Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam"

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) Đặng Ngọc Minh cho biết: Nếu Việt Nam không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì số thu ngân sách Nhà nước về thuế thu nhập doanh nghiệp không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu áp dụng Quy định thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn, Việt Nam sẽ có quyền đánh thuế bổ sung đối với những doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang được hưởng thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu 15%, từ đó tăng thu ngân sách nhà nước. Trường hợp Việt Nam không thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung thì toàn bộ số thu được ưu đãi cho các doanh nghiệp hiện tại sẽ được các nước phát triển có doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam thu về ngân sách của các nước đó.

Còn theo Chủ tịch Hội tư vấn thuế Nguyễn Thị Cúc, nếu Việt Nam không  ban hành mức thuế tối thiểu, vẫn để ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như hiện hành thu thì  các doanh nghiệp Hàn quốc đang đầu tư ở Việt nam  thuộc đối tượng phải áp dụng thuế này, vẫn phải nộp bổ sung  phần chênh lệch thuế suất thấp tại Việt nam với thuế suất 15% về Hàn quốc. Do đó, Việt Nam  cần thực hiện  sớm thuế tối thiểu, nhưng cũng phải tìm cách điều chỉnh chính sách ưu đãi khác tương thích  để vừa đảm bảo quyền đánh thuế, vừa ít tác động nhất đến các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang, sẽ  kinh doanh tại Việt nam.

Điều chỉnh hài hòa lợi ích các bên

Để hạn chế tác động tiêu cực của thuế tối thiểu toàn cầu đối với thu hút đầu tư tại Việt Nam, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh khuyến nghị, Việt Nam cần chủ động thực hiện theo chương trình thuế tối thiểu toàn cầu với lộ trình cụ thể. Cần bổ sung quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu (đạt chuẩn 15%) để ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu của các nước và áp dụng từ ngày 1/1/2024. Nghiên cứu bổ sung quy định về thuế tối thiểu toàn cầu để áp dụng đối với các doanh nghiệp Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài và các doanh nghiệp khác thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu để thu phần chênh lệch.

Lãnh đạo ngành thuế đề xuất một số giải pháp, bao gồm việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản cho sản xuất; đầu tư hình thành tài sản cố định cho sản xuất công nghiệp; bảo vệ môi trường; hỗ trợ nhà ở cho công nhân; hỗ trợ bảo hiểm xã hội, y tế cho người lao động; hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao và công nghệ thân thiện môi trường.

Để thực hiện được chương trình hỗ trợ, ông Minh cho rằng Nhà nước cũng cần bố trí các nguồn lực tài chính, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực để duy trì sức hấp dẫn và ổn định môi trường đầu tư.

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và có độ mở của nền kinh tế lớn, chủ yếu tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài nên cho dù có tham gia hay không tham gia thì các quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu vẫn có tác động rất lớn.

Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Như Quỳnh nhấn mạnh, Việt Nam cần điều chỉnh chính sách để thích ứng với bối cảnh mới phù hợp với các quy tắc chung của thuế tối thiểu toàn cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục tạo môi trường đầu tư hấp dẫn song phải hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và quyền thu thuế của Việt Nam để đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Ông Quỳnh đề xuất bổ sung quy định về cơ chế thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn đối với các doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam đang có mức thuế xuất thực tế tối thiểu dưới 15% và giữ nguyên mức thuế suất phổ thông 20% như hiện nay.

Chuyên gia này cũng cho rằng, việc hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cần xác định mục tiêu rõ ràng, không chỉ nhằm phù hợp với việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu mà còn nhằm thiết kế lại các chính sách ưu đãi thuế một cách đồng bộ với các chính sách ngoài thuế nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư. Thêm vào đó, các nhà hoạch định chính sách cần rà soát, chỉnh sửa các quy định của Luật Đầu tư liên quan đến hình thức ưu đãi đầu tư, đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư, ngành nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư…