Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áp dụng tự vệ thương mại với ngành thép: Có thực sự cần thiết và hiệu quả?

Đức Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành thép được coi là một trong những ngành công nghiệp quan trọng hàng đầu trong nền kinh tế quốc dân, là nguồn cung ứng vật tư chiến lược không thể thiếu cho các ngành công nghiệp hạ nguồn, xây dựng và quốc phòng.

Đây cũng là một trong những ngành thường được Nhà nước mong muốn bảo hộ nhiều nhất và lâu dài nhất.
Tuy nhiên, nếu xét đến lợi thế cạnh tranh và những tác động tiêu cực của ngành này đến hệ sinh thái và môi trường sống của người dân thì việc bảo hộ bằng tự vệ thương mại dường như chưa cho thấy được sự cần thiết và hiệu quả như mong đợi.
Đã áp dụng biện pháp tự vệ, doanh nghiệp vẫn kêu cứu
Mới đây, 18 DN thép đã gửi văn bản kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xử lý hành vi nhập khẩu ồ ạt thép cuộn vào Việt Nam. Văn bản nêu, từ khi áp thuế tự vệ với thép dài và phôi thép, DN nhập khẩu kê khai sang mã HS khác đối với mặt hàng thép dây cuộn, hay còn gọi là thép cuộn - một trong những sản phẩm hiện thuộc đối tượng áp thuế tự vệ thương mại. Các DN đề nghị Bộ Công Thương mở rộng phạm vi áp dụng tự vệ đối với các mặt hàng thép khác và phải kiểm soát chặt chẽ một số mặt hàng thép đặc biệt. Tuy nhiên, kết luận điều tra vụ việc đã có, thuế tự vệ đã áp một thời gian, việc quyết định áp thuế mở rộng với các hàng hóa có mã HS khác không phải là điều đơn giản. Về nguyên tắc sẽ phải tiếp tục trải qua cuộc điều tra cẩn trọng và phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và WTO, để xác định về chủ thể đứng đơn, về thiệt hại của ngành, về mối quan hệ nhân quả…

Sản xuất mặt hàng bằng thép tại Công ty Năm Lan, huyện Thạch Thất. Ảnh: Hải Linh

Biện pháp tự vệ được thiết lập để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước nhưng với tình trạng áp thuế, mã này giảm nhưng mã khác tăng, DN lại tiếp tục kêu cứu thì việc áp dụng biện pháp tự vệ có lẽ chưa thực sự hiệu quả? Chưa kể đến các rủi ro, bất lợi mà biện pháp tự vệ mang lại cho nước áp dụng. Thiết nghĩ, thay vì tập trung vào tìm cách sử dụng phòng vệ theo cách này, DN nội cần nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm để chiếm lĩnh thị trường.
Đầu tư nhà máy thép tại nước nhập khẩu, tại sao không?
Trong nhiều trường hợp, thép nhập khẩu bị áp dụng biện pháp tự vệ sẽ thúc đẩy DN xuất khẩu tìm kiếm các phương án kinh doanh hiệu quả hơn, không loại trừ phương án thành lập DN tại Việt Nam và tiến hành các công đoạn sản xuất ngay trong lãnh thổ Việt Nam để được xem là DN nội địa và từ đó có thể thoát khỏi sự điều chỉnh của biện pháp tự vệ. Chúng ta dễ dàng nhận thấy việc đầu tư xây dựng nhà máy thép của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) này có thể mang lại hàng loạt hậu quả về môi trường, xã hội.
Trong khi đó, ngành sản xuất thép nội địa chưa chống chọi nổi với nhập khẩu, thì nay phải đối mặt với cả sự cạnh tranh của các DN FDI cũng như các DN lớn ngay trên “sân nhà”. Nếu không giải quyết được tận gốc về năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, dù có áp dụng tự vệ, các DN nhỏ vẫn khó tìm được chỗ đứng lâu dài trên thị trường, để cạnh tranh với các DN lớn, chưa kể đến việc cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Tự vệ nếu áp dụng không cẩn trọng sẽ chỉ mang lại lợi ích cho nhóm các DN lớn.
Do đó, thay vì để các DN tiếp tục ỷ lại hay dựa dẫm vào Nhà nước, gặp “khó” là “kêu cứu” mà không chủ động tìm cách giải quyết, chúng ta cần tính đến giải pháp để những DN ngành thép tự “bơi” để cứu mình. Nâng cao năng lực cạnh tranh mới là cách ứng xử phù hợp nhất của các DN khi cân bằng lợi ích hài hòa giữa DN và người tiêu dùng và thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội. Tự nâng cao năng lực cạnh tranh mới là giải pháp tận gốc giải quyết tình trạng thua lỗ của một số DN nhỏ trong ngành thép Việt Nam. Nếu ứng xử thiếu chuyên nghiệp, các DN ắt sẽ phải chịu sự đào thải từ áp lực cạnh tranh không thể tránh khỏi trong bối cảnh hội nhập.
Trong suốt hơn 20 năm hình thành dưới sự bảo hộ của Nhà nước, ngành thép Việt Nam phát triển một cách chậm chạp, lạc hậu và không có sức cạnh tranh với thế giới. Song song đó lại có hàng loạt dự án tràn lan và không đúng quy hoạch. Để có thể đáp ứng điều kiện tồn tại ngành và giải quyết tận gốc vấn đề về năng lực cạnh tranh, đã đến lúc các DN bắt buộc phải chủ động học hỏi, dũng cảm thay đổi và cải tiến quy trình và công nghệ sản xuất.