Áp lực công việc lớn, cảnh sát giao thông Hà Nội đang quá tải

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Lê Trung Hiếu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội hiện có khoảng 8 triệu người, 6,5 triệu phương tiện, cộng với khoảng 2 triệu phương tiện vãng lai nhưng chỉ có hơn 1.000 cảnh sát giao thông (CSGT) đảm nhiệm vừa công tác phân luồng, điều tiết, vừa tuần tra, xử phạt vi phạm...

Lực lượng trên lại thường xuyên phải phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa thể thao, thì hiệu quả công việc khó đáp ứng được kỳ vọng. Hiện tượng một số người dân vi phạm luật ngay trước mắt CSGT diễn ra phổ biến ở nhiều nơi, đặc biệt trong khung giờ cao điểm tại khu vực nội thành đông đúc.

Cảnh sát giao thông thi hành nhiệm vụ tại ngã tư Cửa Nam. Ảnh: Hải Linh  
Cảnh sát giao thông thi hành nhiệm vụ tại ngã tư Cửa Nam. Ảnh: Hải Linh  

Bất lực vì quá tải

Tại bất kỳ nút giao thông nào của Hà Nội cũng dễ dàng ghi lại được hình ảnh người điều khiển xe máy lấn làn, vượt đèn đỏ, leo vỉa hè đi đứng theo quy tắc “ích kỷ”, miễn là có lợi cho mình. Trên những trục chính, cao tốc đô thị, xe ô tô ngang nhiên dàn hàng, cản trở các loại phương tiện khác lưu thông, hoặc đi vào làn dừng khẩn cấp, kể cả đi ngược chiều, quá tốc độ…

Theo quan sát cho thấy, số lượng người vi phạm bị CSGT xử phạt rất thấp so với thực tế. Nguyên nhân đơn giản là người vi phạm quá đông, trong khi CSGT trực chốt tại mỗi vị trí quá ít, chỉ một hoặc vài người.

Những tuyến phố có lắp đặt camera ghi hình phạt nguội lại chủ yếu hướng đến vi phạm của xe ô tô. Hơn 5 triệu xe máy đang lưu thông tại Hà Nội hầu như không bị phạt nguội do khó tìm kiếm chủ xe, số lượng vi phạm quá lớn không thể ghi nhận hết được, kể cả với một hệ thống điện tử tự động.

Trong các dịp lễ, Tết, khi mật độ giao thông tăng cao đột ngột, ùn tắc giao thông lan từ ngoại thành vào trung tâm, lực lượng CSGT ứng trực 100%, cùng phối hợp với Thanh tra GTVT, cảnh sát trật tự, thậm chí cả thanh niên tình nguyện, bảo vệ dân phố… vẫn không thể giải quyết được ùn tắc.

Nguyên nhân do các lực lượng phối hợp không có chuyên môn về điều tiết giao thông như CSGT, nên sự hỗ trợ phần nào bị hạn chế. Mặt khác, các lực lượng này khi tham gia điều tiết giao thông cũng buộc phải gác bớt nhiệm vụ chuyên trách của mình, ảnh hưởng đến chất lượng công việc chung của mỗi đơn vị.

Thông tin từ Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, đơn vị có hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ. Trong đó có từ 10 - 20% làm công tác hành chính, hoặc đi học… Nhiều ý kiến cho rằng, lực lượng CSGT Thủ đô đang quá tải trầm trọng, trong khi sự hỗ trợ của công nghệ thông tin trong điều tiết, xử phạt giao thông còn ít, cần nhiều thời gian để hoàn thiện.

Nên chăng trong giai đoạn 5 -10 năm tới, Hà Nội cần tăng cường nhân sự cho lực lượng CSGT, hoặc thành lập lực lượng tuần tra chuyên trách trên đường bộ để hỗ trợ CSGT xử phạt vi phạm, nhằm đưa ý thức giao thông của người dân đi vào nề nếp.

Tuyên truyền đi đôi với xử phạt

Theo thống kê của Văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội, riêng quý I/2022, lực lượng chức năng của TP đã xử phạt gần 91.000 trường hợp vi phạm giao thông; cả TP còn 34 điểm “đen” về ùn tắc giao thông. Trên thực tế, số lượng vi phạm giao thông bị bỏ lọt còn cao hơn gấp nhiều lần. Ngoài những điểm “đen” lớn, khu vực nội thành và cửa ngõ, Thủ đô còn có hàng nghìn điểm “xám” về ùn tắc giao thông xuất hiện trên các tuyến phố đông đúc hoặc nút giao đường lớn với ngõ nhỏ chưa được thống kê.

Thực tế đó đòi hỏi Hà Nội phải có biện pháp tức thời, giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông từ ngõ nhỏ ra đường lớn, bởi mạng lưới giao thông vận hành theo nguyên tắc liên kết chặt chẽ, một vị trí ùn ứ sẽ lan ra cả khu vực xung quanh. Càng ùn tắc, vi phạm giao thông lại càng xảy ra nhiều. Người dân vi phạm nhiều lần, thường xuyên liên tục hàng ngày mà không bị xử phạt lại càng coi thường pháp luật, dễ dàng phạm luật hơn.

Nhiều năm qua, CSGT Hà Nội cùng với các đơn vị liên quan vẫn duy trì liên tục công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông, xây dựng văn hoá giao thông. Tuy nhiên, tuyên truyền cần đi đôi với xử phạt nghiêm khắc mới phát huy hiệu quả, không thể chỉ trông chờ vào vận động, giáo dục ý thức mà giảm thiểu được vi phạm giao thông.

Muốn xử phạt được nhiều trường hợp vi phạm hơn, tạo được áp lực răn đe, buộc người tham gia giao thông phải đi đúng luật, TP cần có lực lượng CSGT đủ lớn mạnh. Đơn vị này cần thiết phải tăng quân số phục vụ riêng cho công tác phân luồng, điều tiết, xử phạt giao thông lên gấp 3 - 4 lần. Hoặc Bộ Công an, UBND TP Hà Nội cần phối hợp, thành lập một lực lượng cảnh sát tuần tra riêng biệt, hoạt động 24/24 giờ, tập trung xử phạt vi phạm giao thông trên mọi tuyến đường, ngõ ngách, hỗ trợ cho đơn vị chính là Phòng CSGT.

Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh quá trình trang bị thiết bị hiện đại, đưa công nghệ thông tin vào ứng dụng trong lĩnh vực điều tiết và xử phạt giao thông. Đặc biệt, cần có giải pháp rõ ràng, hiệu quả để kiềm chế mức độ vi phạm đang ngày càng gia tăng trong nhóm người dân sử dụng xe máy để lưu thông.

Hà Nội đang trong giai đoạn đầu tư mạnh mẽ để nâng cấp, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông. Tuy nhiên cần phải nhiều năm nữa TP mới có một mạng lưới đường sá đáp ứng tốt nhu cầu đi lại. Trong bối cảnh hiện nay, ý thức tham gia giao thông kém, vi phạm nhiều chính là một trong những tồn tại lớn nhất gây ùn tắc, tai nạn giao thông. Nếu có đủ lực lượng trong tay, siết chặt kiểm soát, xử phạt mạnh, Hà Nội sẽ giảm thiểu được rất nhiều áp lực, nguy cơ ùn tắc giao thông.

Mặt khác, các lực lượng tăng cường cho giao thông như cảnh sát trật tự, Thanh tra GTVT, bảo vệ dân phố… sẽ có điều kiện tập trung vào nhiệm vụ chính của mình, giải tỏa các hành lang giao thông bị lấn chiếm, xử lý vi phạm của loại hình xe kinh doanh vận tải, góp phần tích cực vào thiết lập trật tự giao thông trên toàn TP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần