Đua nhau “làm đẹp” học bạ
Cuối học kỳ, cuối năm học luôn là khoảng thời gian phụ huynh, học sinh lo lắng với các bài thi, kiểm tra để đạt được điểm trung bình cao, tô điểm cho học bạ thêm đẹp. Chỉ vì hai từ “điểm số”, phụ huynh đã trải qua những cuộc chiến vô cùng vất vả gian truân đưa con đi học thêm, luyện thi.Chị Nguyễn Tuyết Nhung (phường Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội) có con học lớp 5 cho biết, con chị có được điểm số các môn đều 10 như năm học vừa qua là cả quá trình chị đã đầu tư cho con học thêm ở trung tâm cũng như thuê gia sư về nhà dạy thêm. Dịp nghỉ hè năm nay, chị sẽ cho con về quê 10 ngày, sau đó ra Hà Nội để tiếp tục học thêm, vì lịch học 3 môn Văn, Toán, tiếng Anh khá nặng. “Nếu không học, e rằng năm học mới con tôi sẽ không theo kịp các bạn trong lớp” - chị Nhung bày tỏ. Một cô giáo tại trường THCS Văn Khê, Hà Đông, cho hay, từng có em nói chuyện với cô và rơi nước mắt bởi cuộc sống của em không vui vẻ như bạn bè vẫn nghĩ. Mỗi ngày đi học về, mẹ em thường tra hỏi từng điểm số. Có hôm em bị điểm thấp, bị mẹ trách mắng, thậm chí đánh đập khiến em luôn sợ hãi, lo âu.Kỳ vọng con cái học tốt, thành công trong cuộc sống là điều bất kỳ bố mẹ nào cũng muốn. Tuy nhiên, không phải đứa con nào cũng thực hiện được điều đó.Em Phạm Hoàng Lan (phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông) tâm sự: “Để bắt nhịp sự cạnh tranh điểm số khốc liệt, em cũng như các bạn khác đều phải gồng mình lên để học, kết quả năm học vừa rồi em cũng có được điểm số cao chót vót đúng như bố mẹ mong muốn. Nhưng bố mẹ không hiểu được rằng, em đã đánh đổi những giấc ngủ ngon cũng như sức khỏe, học ngày học đêm. Có những ngày em học 3 ca từ 7 giờ 30 phút sáng tới 22 giờ đêm” - Lan buồn bã nói.Còn theo chị Hồng Minh (phường Hàng Bông, Hoàn Kiếm), bao giờ các trường tuyển sinh vẫn nhìn vào điểm số, “học bạ đẹp” để xét tuyển và cộng điểm ưu tiên thì chừng đó, cuộc đua điểm số đẹp vẫn còn tiếp diễn.Điểm 9, 10 chưa chắc đã giỏiNhững năm qua, ngành giáo dục luôn đưa ra những giải pháp để giảm áp lực điểm số cho học sinh. Tuy nhiên, những trường chuyên, trường tốp đầu vẫn tuyển chọn học sinh thông qua điểm số trong học bạ. Điều này đặt gánh nặng lên vai các em học sinh bởi phụ huynh luôn ép con học tập để đạt như kỳ vọng.GS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, bố mẹ luôn kỳ vọng con cái ngoan ngoãn, học giỏi, đặc biệt đỗ đạt thành tài vì nhiều lý do như làm rạng danh gia đình, hãnh diện với bạn bè, nhưng rõ ràng điều này là áp lực khủng khiếp đối với học sinh. Theo GS Phạm Minh Hạc, ở nhiều nước trên thế giới, khoảng 50% học sinh lớp 9 đi học nghề và 50% còn lại đi học phổ thông. Còn tại Việt Nam, tâm lý các bậc phụ huynh vẫn muốn con được đi học, có được tấm bằng đại học.“Phụ huynh đừng đặt nặng vấn đề điểm số với con, thay vào đó, hãy ủng hộ, tin tưởng vào những cách làm, những ý kiến con đưa ra nếu thấy hợp lý. Đặc biệt, không nên có suy nghĩ "điểm số là tất cả” để con cái phải chịu những áp lực không cần thiết” - GS Phạm Minh Hạc nói.Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng khuyên phụ huynh khi con cái đạt điểm không như kỳ vọng thì nên động viên, khuyên bảo để con có cách học tập tốt nhất. Tuyệt đối không đánh đập, mắng mỏ, bởi điều này sẽ khiến trẻ bị stress, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe.Theo cô Nguyễn Thu Huyền - giáo viên trường THCS Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội), phụ huynh đừng đặt nặng vấn đề điểm số, bởi điểm 9, 10 chưa chắc phản ánh đúng trình độ, năng lực của con. Thậm chí, nhìn vào học bạ nhiều lớp, đa số học sinh điểm 9, 10 liệu có phải thực chất hay chỉ là những điểm số "ảo" làm đẹp hồ sơ, học bạ?