Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áp lực giao thông tăng cao trên đường Nguyễn Trãi

Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Đỗ Cao Phan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau rất nhiều nỗ lực tổ chức giao thông, tuyến đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân lại đối diện với tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT) hàng ngày do dựng thêm rào chắn và phương án lưu thông nửa vời.

Đường Nguuyễn Trãi gia tăng ùn tắc giao thông do "lô cốt" của Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá. Ảnh: Ngọc Hải
Đường Nguuyễn Trãi gia tăng ùn tắc giao thông do "lô cốt" của Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá. Ảnh: Ngọc Hải

Ám ảnh "lô cốt"

Sau đường Vũ Trọng Khánh, Lương Thế Vinh, Nguyễn Xiển, mới đây chủ đầu tư Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá tiếp tục dựng thêm một số "lô cốt" trên đường Nguyễn Trãi, tăng thêm những điểm đen có nguy cơ UTGT cao tại các quận Thanh Xuân, Hà Đông.

Cụ thể, từ tối ngày 9/6, đơn vị thi công đã tiến hành rào chắn các vị trí giếng/hố ga của Gói thầu số 02 thuộc Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, TP Hà Nội. Trên đoạn đường dài khoảng 500m, từ đối diện phố Lương Thế Vinh - Khuất Duy Tiến đã có 2 "lô cốt" mọc lên, dự kiến sẽ có tới 8 "lô cốt" với kích thước khác nhau.

Theo thông tin Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp TP Hà Nội đưa ra, 8 "lô cốt" này sẽ chỉ tồn tại trong khoảng từ 6 - 8 tháng. Nhưng sau nhiều năm buộc phải “chung sống” với các nỗi ám ảnh "lô cốt" trên các tuyến: Vũ Trọng Khánh, Lương Thế Vinh, Nguyễn Xiển, rất nhiều người dân không tin vào lời hẹn đó.

Ngay sau khi các "lô cốt" trên đường Nguyễn Trãi được dựng lên, UTGT trên đoạn tuyến này đã diễn biến phức tạp. Dù là một tuyến đường có mặt cắt thuộc loại rộng nhất của Thủ đô, với nút giao 4 tầng hiện đại, đường Nguyễn Trãi vẫn bị xem là tuyến đường lưu thông chật vật nhất trong TP.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Ví dụ như việc triển khai không đồng bộ các dự án hạ tầng, làm đường trước, xây dựng hệ thống thoát nước sau, dẫn đến đào lên, quây lại, dựng lô cốt làm hạn chế năng lực lưu thông của đường.

Hay như việc rào chắn thi công cùng một lúc quá nhiều tuyến đường có liên kết với nhau, đẩy mạng lưới giao thông của toàn khu vực vào trạng thái bế tắc, không lối thoát. Các tuyến Vũ Trọng Khánh, Lương Thế Vinh cũng mang trên mình ám ảnh "lô cốt", nên việc trung chuyển dòng phương tiện giữa đường Nguyễn Trãi và trục Tố Hữu - Lê Văn Lương bị giảm thiểu đến mức vô cùng thấp. Mặt khác, dòng xe từ Nguyễn Trãi đổ ra Nguyễn Xiển cũng bị hạn chế khả năng thoát đi, khiến ùn ứ trên tuyến gia tăng.

Hiện tại, các "lô cốt" trên đường Vũ Trọng Khánh vẫn án binh bất động, mọc đầy cỏ dại, chưa biết đến ngày nào mới thi công trở lại, thời điểm tháo dỡ đi lại càng mờ mịt. Liệu các lô cốt trên đường Nguyễn Trãi có rơi vào tình cảnh tương tự?

Cơ quan chức năng TP Hà Nội cần giám sát chặt chẽ, đôn đốc thường xuyên để ngăn chặn nguy cơ đường Nguyễn Trãi trở thành một tuyến Vũ Trọng Khánh thứ hai, gây khốn đốn cho người tham gia giao thông.

Dải phân cách bị bỏ rơi

Không chỉ khổ sở vì "lô cốt", người tham gia giao thông trên đường Nguyễn Trãi còn đang rất bối rối bởi phương án phân làn giao thông bằng dải phân cách cứng được triển khai từ tháng 8/2022.

Đoạn tuyến từ hầm chui Thanh Xuân đến Ngã Tư Sở đã được lắp đặt dải phân cách cứng, thí điểm phương án tổ chức giao thông phân làn riêng xe ô tô với xe máy và xe thô sơ và xe buýt trong gần một năm qua. Nhưng phương án này chỉ được thực hiện nửa vời, không mang lại hiệu quả như mong muốn, thậm chí còn gây nên nhiều phản ứng trái chiều.

Việc lắp đặt dải phân cách cứng do vẫn đang trong thời gian thí điểm, chưa có quyết định chính thức bắt buộc người tham gia giao thông thực hiện nên phần lớn xe cộ đi lại rất lộn xộn, lấn làn của nhau, gây mất trật tự, ATGT nghiêm trọng. Lực lượng CSGT khó có thể xử phạt người vi phạm, trong khi tuyên truyền nhắc nhở lại chưa mang đến hiệu quả tích cực.

Thời gian qua, liên tục nhiều vị trí lắp đặt dải phân cách cứng bị đâm va hư hỏng hoặc xê dịch ngoài ý muốn, khiến cảnh tượng trên đường Nguyễn Trãi còn trở nên nhếch nhác, hỗn loạn hơn. Đây là kết quả đã được dự báo trước, nguyên nhân chủ yếu phương án phân làn không hiệu quả do không được xử phạt. Phải chăng Sở GTVT Hà Nội và các lực lượng chức năng đã buông xuôi, bỏ rơi dải phân cách cứng trên đường Nguyễn Trãi? Nếu đã quyết tâm làm cần làm đến nơi đến chốn. Trong trường hợp không hiệu quả phải gỡ bỏ để tính toán phương án tổ chức giao thông khác.

Thực tế là việc lắp đặt dải phân cách cứng đã cho thấy hiệu quả bước đầu, giúp các luồng phương tiện lưu thông thuận lợi hơn, giảm bớt xung đột. Tuy nhiên, do không bị xử phạt nên nhiều phương tiện, đặc biệt là xe máy vẫn cố tình đi lấn làn gây rối loạn giao thông. Hà Nội cần chính thức phê duyệt phương án để có cơ sở pháp lý cho CSGT xử phạt mới có thể vãn hồi trật tự, tăng cường hiệu quả tổ chức giao thông cho đường Nguyễn Trãi.

Đường Nguyễn Trãi là tuyến đường huyết mạch với lưu lượng giao thông lớn nhất khu vực cửa ngõ Tây - Nam Hà Nội. Chính vì vậy nên nó đã được đầu tư mạnh mẽ, tốn rất nhiều tiền của, công sức mới có được diện mạo như hiện nay. Vậy nhưng tình trạng UTGT trên tuyến vẫn ngày càng diễn biến phức tạp, trong đó có những nguyên nhân chủ quan như việc dựng lô cốt thu hẹp lòng đường, hay tổ chức giao thông nửa vời.

Trước thực trạng đó, đề nghị các đơn vị liên quan có biện pháp kịp thời, hữu hiệu để đảm bảo trật tự, ATGT trên tuyến, giảm bớt khó khăn cho người dân.