Áp lực hụt cung đẩy giá dầu chốt tuần giao dịch tăng vọt

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Việc EU áp lệnh cấm vận, cộng với nguồn cung thiếu hụt khó có thể bù đắp đã hỗ trợ giá xăng dầu hôm nay khép tuần giao dịch với xu hướng tăng mạnh.

Chốt tuần giao dịch, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2022 đứng ở mức 106,51 USD/thùng, tăng 2,26 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 6/2022 đứng ở mức 111,23 USD/thùng, tăng 2,45 USD/thùng trong phiên.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Với những diễn biến trong 2 phiên giao dịch cuối tuần, đặc biệt là sự gia tăng khả năng EU áp lệnh cấm vận đối với dầu thô và khí đốt của Nga, trong khi đó dịch Covid-19 ở Trung Quốc đang dần được kiểm soát, giá dầu thô tuần tới được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Các chuyên gia cho rằng, bước vào tuần giao dịch từ ngày 11/4 giá dầu thế giới với xu hướng giảm mạnh trước lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc khi nước này vẫn theo đuổi chính sách “zero Covid”, thực hiện phong toả, hạn chế đi lại tại nhiều thành phố, trung tâm công nghiệp lớn.

Ngược lại, nguồn cung dầu thô đang được cải thiện mạnh khi Mỹ và các nước thành viên IEA quyết định xả mạnh 120 triệu thùng dầu từ kho dự trữ dầu chiến lược, qua đó làm giảm áp lực thiếu hụt nguồn cung và kéo giá dầu hôm nay đi xuống. Trong số 120 triệu thùng dầu cam kết từ IEA, Mỹ đóng góp 60 triệu thùng và nó nằm trong gói cam kết 180 triệu thùng mà nước này đã công bố tuần trước. Như vậy, trong 6 tháng tới, thị trường dầu thô sẽ được bổ sung thêm tổng số 240 triệu thùng dầu.

Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 11/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2022 đứng ở mức 96,18 USD/thùng, giảm 1,55 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 6/2022 đứng ở mức 100,79 USD/thùng, giảm 1,99 USD/thùng trong phiên.

Tuy nhiên, khi những thông tin về một lệnh trừng phạt mới của EU đối với lĩnh vực năng lượng của Nga, trong đó có cả dầu thô và khí đốt được phát đi, giá dầu đã quay đâu tăng mạnh.

Các công trình dầu khí trên biển của Petrovietnam (ảnh minh họa).
Các công trình dầu khí trên biển của Petrovietnam (ảnh minh họa).

Trong thông báo được gửi tới Liên minh châu Âu (EU) ngày 11/4, Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã cảnh báo các lệnh trừng phạt đã và sắp nhằm vào Nga có thể tạo ra một trong những cú sốc về nguồn cung lớn nhất trong lịch sử.

OPEC cũng nhận định khó có thể tìm cách thay thế sự thiếu hụt này, đồng thời cũng ám chỉ việc không tăng sản lượng.

Giá dầu tăng mạnh còn do kỳ vọng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ sớm lấy lại đà phục hồi khi việc phong toả, hạn chế đi lại ở các thành phố, trung tâm thương mại, công nghiệp lớn của Trung Quốc được tháo gỡ.

Ghi nhận vào đầu giờ sáng 13/4/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2022 đứng ở mức 101,08 USD/thùng, tăng 0,93 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 6/2022 đứng ở mức 105,58 USD/thùng, tăng 0,94 USD/thùng trong phiên.

Một chút lo ngại về tình trạng lạm phát có thể làm chậm quá trình phục hồi kinh tế cũng như giảm nhu cầu tiêu thụ dầu đã chặn đà tăng giá của dầu thô và khiến giá dầu ngày 14/4 đi xuống.

Nhưng trong phiên giao dịch cuối tuần, khi những lo ngại về nguồn cung tiếp tục bị thắt chặt hơn nữa và đà suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu được nhận định là chậm hơn so với tình trạng thâm hụt nguồn cung, giá dầu thô đã quay đầu tăng vọt.

New York Times thông tin, EU đang tiến rất gần đến việc áp dụng một lệnh cấm theo từng giai đoạn đối với dầu thô của Nga. Động thái này được cho là để các nước EU có thời gian để tìm kiếm các nguồn cung thay thế trước khi tiến tới việc cấm hoàn toàn.

Theo giới phân tích, việc tìm kiếm nguồn cung thay thế trong bối cảnh như hiện nay là không hề đơn giản. OPEC+ vẫn kiên quyết duy trì chính sách sản lượng và phớt lờ mọi lời kêu gọi tăng sản lượng từ Mỹ cũng như các nước tiêu thụ dầu thô lớn.

Việc tăng sản lượng của OPEC+ cũng gặp không ít khó khăn khi từ nhiều tháng qua, mức tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng của nhóm hầu như đều không đạt được.

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu thô được dự báo có thể sẽ trầm trọng hơn khi cả Nga và Ấn Độ đang tỏ ra e ngại với việc mua dầu thô của Nga ro gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận chuyển, thanh toán, đặc biệt là giá cước vận tải đắt đỏ và thời gian vận chuyển gấp đôi so với việc chuyển dầu từ Trung Đông sang.

Ở diễn biến mới nhất, theo CNN, Vitol Group, công ty giao dịch dầu lửa độc lập lớn nhất thế giới, được cho là sẽ dừng hoạt động mua bán dầu thô của Nga trong năm nay.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây đã cho rằng việc thiếu khách mua sẽ khiến nguồn cung dầu thô từ Nga trong thời gian tới sụt giảm mạnh. Cụ thể, IEA dự báo nguồn cung dầu từ Nga sẽ giảm 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2022 và có thể giảm tới 3 triệu thùng/ngày từ tháng 5 tới.