Tuy nhiên, trước hàng loạt những biến động bất thường về địa chính trị, giá cả nguyên vật liệu trên thế giới khiến mục tiêu Quốc hội đề ra khó có thể đạt được. Đây là nhận định chung của các chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn trực tuyến “Kiểm soát lạm phát - Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế” diễn ra chiều 9/3.
Lạm phát năm 2022 có thể vượt 4%
Trước thành công trong việc phát triển kinh tế và kiểm soát lạm phát năm 2021, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2022. Thế nhưng, bước sang năm 2022, một số yếu tố không lường trước được như dịch bệnh bùng phát trở lại hay căng thẳng địa chính trị giữa Nga - Ukraine, đã khiến giá nhiều mặt hàng nhiên liệu tăng phi mã. Điều này đã tạo ra áp lực rất lớn trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4%.
Phó phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Xuân Định dự báo, trong kịch bản xấu nhất, lạm phát của Việt Nam trong năm 2022 có thể vượt qua 4%, dao động trong khoảng 3,6% - 4,3%. Ông Định phân tích, tình hình căng thẳng Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giá của nhiều loại nhiên liệu đã tăng giá chóng mặt. Đơn cử, bình quân giá dầu trên thị trường Singapore trong tháng 1/2022 là 98 USD/thùng, nhưng trong mấy ngày qua đã tăng lên 130 USD/thùng. Tương tự, giá than cũng tăng từ 200 USD/tấn lên 400 USD/tấn chỉ trong 2 tuần gần đây. Như vậy, giá than, giá dầu tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ngành điện và sản xuất điện. “Nhiên liệu như xăng, dầu, than hay điện đều là những mặt hàng chi phối trong việc phát triển kinh tế - xã hội.
Bất kỳ lúc nào các mặt hàng nhiên liệu tăng giá đều gây ra áp lực trong công tác kiểm soát lạm phát” - ông Định cho hay. Ngoài ra, trong năm 2021, Việt Nam chưa điều chỉnh giá của một số dịch vụ công do ảnh hưởng của dịch bệnh. Do đó, mọi áp lực đều đổ dồn trong năm 2022.
Đưa ra nhận định về những tác động tới lạm phát, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm bổ sung, Việt Nam đang phải chịu áp lực lạm phát từ 3 yếu tố. Đầu tiên là tổng cầu trong nước đang tăng đột biến. Khi nhu cầu nội địa tăng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lạm phát. Thứ hai, kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, do đó, khi giá nhiên liệu thế giới tăng, lạm phát tại Việt Nam cũng sẽ tăng theo. Cuối cùng, nguyên nhân gây ra lạm phát nặng nhất chính là tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng.
Ông Nguyễn Bích Lâm cảnh báo, trong trường hợp xấu nhất, lạm phát trở nên tồi tệ, có thể mặt bằng giá mới sẽ được thiết lập. Như vậy, mọi kế hoạch kinh doanh, đầu tư sẽ phải xây dựng dựa trên mặt bằng giá khác, cao hơn. Đó là chưa kể, khi xảy ra lạm phát, thu nhập thực của người dân cũng bị hao hụt, đồng tiền nội địa cũng trở nên mất giá.
Tăng khả năng dự báo nguy cơ
Trước những yếu tố gây ra lạm phát, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, muốn kiềm chế lạm phát, trước mắt phải kiểm soát nguồn cung ứng sản phẩm ra thị trường, để đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa. Đặc biệt là phải đảm bảo đủ các mặt hàng nhiên liệu như xăng, dầu, khí đốt. Bên cạnh đó, Việt Nam phải làm mọi cách để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng giữa các địa phương, và tuyệt đối không để đứt gãy cung ứng giữa thế giới với Việt Nam. “Trong năm 2021, chúng ta phải đối mặt với tình trạng này, do chi phí vận tải đường biển tăng gấp đôi, thiếu container để thuê. Vì vậy, chúng ta phải làm mọi giá để hàng hóa xuất - nhập khẩu phải được thông suốt” - ông Lâm nói.
Còn theo Phó giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính Quốc gia thuộc Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Nguyễn Bá Khang, để kiểm soát lạm phát, trước hết Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát trong nước.
Đặc biệt, cần dự báo các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời và trong dài hạn để có chính sách ứng phó phù hợp. Kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, dần thay thế nguồn nhập khẩu.
Về phía Bộ Công Thương và Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đồng thời kết hợp Quỹ bình ổn xăng dầu để kiểm soát tăng giá của mặt hàng, tránh tác động tiêu cực đối với CPI. Đối với các nguyên liệu đầu vào quan trọng như sắt thép, vật liệu xây dựng cần thúc đẩy tăng năng lực sản xuất trong nước, ưu tiên cung ứng cho thị trường trong nước hơn thị trường xuất khẩu. Đồng thời, cần chủ động các biện pháp bình ổn giá các mặt hàng, không để xảy ra các trường hợp tăng giá bất hợp lý.
Mặt khác cần điều hành linh hoạt đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng và ổn định kỳ vọng lạm phát.