Áp lực phải thay đổi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - AFF Cup đang mất giá. Đó là thực tế. Việc Philippines lần đầu tiên được đăng cai AFF Cup nhưng vẫn sẵn sàng từ bỏ cho thấy sân chơi này không còn là niềm ước ao của các Liên đoàn thành viên.

Chính vì điều này khiến Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) phải cải tổ thể thức thi đấu của AFF Cup.

Tham vọng không thành

Kỳ AFF Cup đầu tiên được tổ chức vào năm 1996 với tên gọi Tiger Cup. Mục đích của AFF là muốn có sân chơi thường xuyên nhằm thúc đẩy sự phát triển của bóng đá khu vực. Các đội tuyển (ĐT) sẽ có thêm cơ hội được cọ xát. Các nền bóng đá có động lực để phát triển khi ĐT thường xuyên xuất trận. Hệ thống đào tạo trẻ sẽ được quan tâm nhằm đáp ứng nhu cầu về nhân sự cho đấu trường quốc tế. Đây là vấn đề mấu chốt để bóng đá Đông Nam Á phát triển. Thậm chí, các nhà hoạt động chính sách cho rằng, muốn bóng đá khu vực thoát khỏi cái tiếng là "vùng trũng" thì cần tổ chức các giải đấu thường xuyên như AFF Cup và SEA Games.
Thông tin Philippines rút quyền đăng cai AFF Suzuki Cup 2016 được đăng tải trên trang chủ của AFF
Thông tin Philippines rút quyền đăng cai AFF Suzuki Cup 2016 được đăng tải trên trang chủ của AFF
Ban đầu, AFF chọn một nước đăng cai Tiger Cup. Việt Nam từng đăng cai 2 lần vào năm 1998 và 2004. Sau đó, khi có cái tên mới là AFF Cup, giải đấu này có sự thay đổi quan trọng về thể thức. AFF chọn đồng đăng cai và thi đấu lượt đi, lượt về từ vòng bán kết. AFF muốn bóng đá có thể đóng góp vào sự phát triển của du lịch và quảng bá thương hiệu cho những nước đăng cai. Thế nhưng, có một thực tế mà bản thân các quan chức AFF chưa thể lường hết là những trận đấu trung lập không có đội chủ nhà thường không thể hấp dẫn người hâm mộ. Các cổ động viên cũng không “hành quân” sang nước ngoài tiếp sức cho đội nhà khiến doanh thu từ bán vé và du lịch hầu như không có. Điều này khiến các nhà tài trợ cảm thấy không hài lòng và họ muốn AFF phải thay đổi.

Cách mạng về thể thức thi đấu

AFF cuối cùng đã chấp thuận yêu cầu của các nhà tài trợ phải mở rộng quy mô giải đấu nhằm tăng hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng. Muốn vậy, các sân vận động luôn phải chật cứng khán giả. Điều này chỉ có được khi AFF không tồn tại những trận đấu giữa hai đội trung gian. Vì thế, AFF đã đưa ra đề xuất, từ AFF Cup 2018, phương án đồng chủ nhà sẽ bị khai tử. Theo đó, giải đấu sẽ có 10 đội chia làm 2 bảng thi đấu vòng tròn một lượt sân nhà, sân khách để chọn 2 đội đứng đầu mỗi bảng vào bán kết.

Thay đổi này đảm bảo rằng, các ĐT đều có cơ hội thi đấu trên sân nhà. Không còn những trận cầu trung gian thiếu sức lôi cuốn với khán giả. Các Liên đoàn thành viên sẽ có cơ hội khai thác nguồn thu từ bán vé. Riêng với AFF, do số trận hấp dẫn tăng lên, họ sẽ có điều kiện ăn nói với nhà tài trợ và qua đó có thể tìm kiếm thêm nguồn kinh phí từ tài trợ. Tất nhiên, với quy định mới này, các Liên đoàn thành viên sẽ đối diện với khá nhiều rủi ro. Họ phải tốn nhiều tiền cho di chuyển, ăn ở và nếu không có được thành tích, khả năng lỗ vốn rất cao. Vậy nên, dù ủng hộ chủ trương nhưng một số nước đang yêu cầu AFF thể hiện vai trò đặc biệt của mình. Tổ chức này phải tăng cường sự hỗ trợ về tài chính cho các ĐT chứ không thể phó mặc cho khoản thu khiêm tốn từ bán vé trong khi AFF độc chiếm tiền quảng cáo, tài trợ như bấy lâu.