Áp lực và lạc quan từ việc giá dầu thế giới giảm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ trong 10 ngày kể từ 4/12, giá dầu trên thị trường thế giới đã “bốc hơi” 18% sau khi cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không thể đi đến một mức trần sản lượng cho thị trường dầu dư cung.

Đến phiên sáng 14/12, giá dầu thô giao dịch trên thị trường London đã tiệm cận mức thấp nhất kể từ năm 2008.

Vấn đề hiện tại là bao giờ mới tìm được đáy cho giá dầu và tình trạng này sẽ tiếp diễn trong bao lâu? Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đánh giá, nguồn cung dầu sẽ còn tiếp tục thừa mứa và ứ đọng đến hết năm 2016. Nếu đồng USD tiếp tục mạnh lên, các chuyên gia dự báo giá dầu Brent có thể sớm rơi xuống mức khoảng 34 USD/thùng, thấp nhất trong hơn một thập kỷ.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, IEA cũng cho biết, tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu quý này đang chững lại. Lượng tiêu thụ năng lượng đã đạt đỉnh điểm vào quý III/2015 và sẽ nối tiếp đà suy giảm trong năm tới khi những yếu tố phụ trợ giá dầu dần biến mất. Một số ngân hàng lớn trên thế giới trong đó có Goldman Sachs nhận định, giá dầu có thể về ngưỡng 20 USD/thùng, trong trường hợp thế giới hết chỗ để chứa dầu. Do đó, hành trình tìm đáy giá dầu vẫn còn khá gian nan.

Tuy nhiên, vẫn còn vài khía cạnh khá lạc quan với đà lao dốc không phanh của vàng đen. Các nhà đầu tư từng băn khoăn rằng, liệu lần này thị trường có đi theo “vết xe đổ” của những năm 1990 với giá dầu từng tụt xuống dưới 10 USD/thùng. Những dấu hiệu của kịch bản giai đoạn đó đã xuất hiện gần như đầy đủ: Các nước OPEC bơm dầu ồ ạt vào thị trường, kinh tế châu Á giảm tốc, Indonesia quay trở lại OPEC và chính trường nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới - Venezuela biến động. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một điều từ cuộc khủng hoảng giai đoạn đó là chính OPEC đã nổi lên và sau đó giá dầu đã hồi phục, có lúc leo thang tới 150 USD/thùng.

Bên cạnh đó, giá dầu rơi tự do gây bất ổn cho thị trường chứng khoán và thiệt hại cho nhiều quốc gia xuất khẩu nhiên liệu quý này, nhưng cũng đem đến những cơ hội đầu tư tuyệt vời. Trong bối cảnh giá dầu lao dốc và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) rất có khả năng tăng lãi suất trong tuần này, các công ty năng lượng Mỹ sẽ đứng trước áp lực nặng nề trong quá trình sản xuất. Vì vậy, những vụ phá sản và tái cấu trúc lớn sẽ là viễn cảnh nở rộ trong năm 2016. Các “đại gia” dầu mỏ sẽ tìm được cơ hội đầu tư béo bở qua các vụ mua bán - sáp nhập.

Với cả 2 kịch bản trên, nếu lịch sử lặp lại, sau khi tìm được đáy, giá dầu chắc chắn sẽ phục hồi và viễn cảnh thị trường sẽ sáng hơn với các DN thực sự đủ bản lĩnh vượt bão.