Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áp thấp nhiệt đới đang vào Vịnh Bắc Bộ, Hà Nội mưa lớn

Hà Ánh-Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 7/7, Hà Nội đã xảy ra mưa lớn. Theo dự báo, trong 12 đến 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đồng Bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 7/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,6 độ Vĩ Bắc; 109,4 độ Kinh Đông, ngay khu vực phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39 - 49km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 70 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Đường đi và vị trí của áp thấp nhiệt đới. (Ảnh: nchmf.gov.vn)
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, chiều nay đi vào Vịnh Bắc Bộ và có khả năng mạnh thêm. Đến 1 giờ ngày 8/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - 7 (39 - 61km/giờ), giật cấp 9.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đồng Bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 13 giờ ngày 8/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 104,3 độ Kinh Đông, trên khu vực Thượng Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ). 
Vùng nguy hiểm do áp thấp nhiệt đới trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 17,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 110,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của sóng lớn, gió giật mạnh.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới: Cấp 3.
Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) và vùng biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9. Sóng biển cao từ 2,0 - 3,0m; biển động mạnh.
Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông có gió Tây Nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 - 8; sóng biển cao từ 2,0 - 3,0m; biển động. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: Cấp 2.
Khu vực Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, từ Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Trong chiều tối và đêm nay (7/7), trên đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió giật mạnh cấp 6 - 7.
Cảnh báo mưa lớn: Từ nay đến hết ngày 8/7, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100 - 250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt (khu vực mưa lớn nhất tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An).

Sáng sớm 8/7, áp thấp nhiệt đới đổ bộ đất liền, nhiều địa phương sẽ mưa rất lớn

Chiều 7/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành – Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) chủ trì cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và mưa lớn. Đồng chủ trì có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.

6 địa phương “cấm biển”
Báo cáo của Bộ đội biên phòng tại cuộc họp cho biết, đến nay đã kiểm đếm, hướng  dẫn cho 54.386 phương tiện/232.828 người biết diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Hiện, còn 2.673 tàu/13.126 người đang hoạt động ven bờ Vịnh Bắc Bộ. Các phương tiện này đang di chuyển trú tránh.
Trước diễn biến của ATNĐ, tính đến cuối giờ chiều nay (7/7), đã có 6 tỉnh ban hành lệnh “cấm biển”. Cụ thể là: Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Hải Phòng và Ninh Bình. Hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đang theo dõi, xem xét việc “cấm biển”. 
Đáng chú ý, hệ thống đê điều đang tiềm ẩn nhiều mối lo. Từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh hiện có 33 vị trí đê điều xung yếu. 5 công trình đê điều đang tổ chức thi công trên các tuyến đê biển, đê cửa sông. Các địa phương đã thực hiện gia cố công trình và sẵn sàng phương án bảo vệ. 
Bắn pháo hiệu 19 điểm ven biển
Chủ động ứng phó ATNĐ, Bộ Quốc phòng đã có công điện chỉ đạo và duy trì 264.272 chiến sỹ, 1.979 phương tiện ứng trực, sẵn sàng công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai. Bộ đội Biên phòng tổ chức bắn pháo hiệu tại 19 điểm ven biển từ tối 6/7.
Hiện, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đang có 3 đoàn công tác đi đến các địa phương để trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó với ATNĐ. 3 công điện và 1 văn bản chỉ đạo đã được Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT gửi đến các bộ ngành, địa phương đề nghị tổ chức triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai. 
Tại các địa phương, cùng với “cấm biển”, có 19 tỉnh, TP đã ban hành công điện để ứng phó với ATNĐ. Trong đó, tập trung vào việc kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Đồng thời, rà soát, sơ tán người dân khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Dự kiến tối nay, sẽ sơ tán hết người dân trên các lồng bè nuôi trồng thuỷ sản…